Điểm nhóm phóng viên bản tin ghi hình là cánh đồng xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Thông tin làm dấy lên lo ngại và nhiều thắc mắc của những người con Thái Bình xa quê, một tỉnh vựa lúa của đồng bằng sông Hồng, quê hương của thâm canh, và không chỉ cán bộ kỹ thuật mà cả nông dân đều được đánh giá là có “trình độ” cao trong canh tác lúa.
Con em Thái Bình, những ai được xem bản tin đều nháo nhác, làm sao mà cả tỉnh lại mất mùa do sâu đục thân vậy? Chả lẽ ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống huyện, xã, với mạng lưới cán bộ kỹ thuật BVTV và khuyến nông đông đảo, giỏi nghề lại để thuốc giả, thuốc dởm làm hại nông dân đến vậy?
Nghe thấy sốc. Vốn là một cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp Thái Bình, công tác ở tỉnh trên 30 năm, hiện đang ở xa, tôi tức tốc về quê và dành ra 2 ngày đi khắp các huyện, thị từ huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy đến các huyện trong nội địa như Đông Hưng, Vũ Thư, Hưng Hà và không quên lướt qua xã Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ, vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh, diện tích rau cũng gần bằng diện tích lúa (285 ha).
Cạnh tranh không lành mạnh
Chuyến đi của tôi có cả các nhà khoa học của Viện Cây lương thực & cây thực phẩm, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển lúa lai (Viện Khoa học Nông nghiệp VN), một số cán bộ kỹ thuật đi cùng.
Mọi người đều ngỡ ngàng, lúa mùa Thái Bình năm nay rất tốt, nhiều thửa ruộng BC 15, một số giống lúa lai mới... ngồn ngộn thóc. Gặp nông dân, chủ nhiệm HTX, ai cũng hồ hởi và mong cho mưa thuận, gió hòa để thu hoạch và hưởng một vụ nữa trúng mùa.
Họ bảo, năng suất lúa ước cao hơn vụ mùa năm trước 1 - 2 tạ/ha. Cả cánh đồng bằng phẳng và sạch sẽ, chưa vụ mùa nào trong vòng 10 năm trở lại đây bệnh bạc lá lúa lại “sạch” như vụ này.
Mọi người bảo nhau, sao đài báo lại đưa mất mùa vậy? Anh bạn của tôi giải thích, anh ta đọc được “vị” khi xem truyền hình rồi.
Đây là cuộc “chiến” được tính trước, và chuyện “đánh thuê” là không phải không có. Cái gốc làm nên bản tin rất “giật gân” đó chính là "tội" của đơn vị chuyên ngành tham mưu cho tỉnh, huyện và chỉ đưa ra khuyến cáo vài loại thuốc đặc hiệu phòng trị sâu đục thân, cuốn lá trong hàng ngàn loại thuốc với tên thương phẩm khác nhau được kinh doanh trên thị trường.
Và dĩ nhiên, thuốc của “tôi” không được khuyến cáo, tôi sẽ tìm, thậm chí tạo ra “sự kiện” và móc nối với đối tượng khác để "chơi lại" ngành BVTV tỉnh vốn rất cứng trong việc khuyến cáo dùng thuốc nhiều năm nay.
Tôi thắc mắc rằng, một tin ngắn trên sóng truyền hình cũng tác động rất lớn, vậy nếu là một tin thổi phồng quá sự việc và không đúng với bản chất của nó thì sẽ xử lý thế nào?
Là một cán bộ lâu năm làm trong lĩnh vực trồng trọt, tôi cũng nói với mấy anh bạn của tôi rằng, cái hình ruộng lúa mà họ quay đưa lên tivi là có thật 100%. Ngay cả các cánh đồng rất tốt mà chúng tôi đi đánh giá cũng có những thửa, những khoảng bị sâu đục thân, sâu cuốn lá, bị bệnh bạc lá.
Khuyến cáo thì vậy, tài liệu, Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh, huyện, Đài truyền thanh của xã, rồi tập huấn, hướng dẫn... nhưng nông dân đâu phải ai cũng nghe ra.
Họ ra cửa hàng đại lý của tư nhân và được lực lượng này “kê đơn, bốc thuốc”, rẻ và ít tiền hơn là mua phun, thậm chí còn phối hợp vài ba loại vào để phun tiện thể.
Đại lý nhiều khi cũng mờ mắt vì tiền, vì được chiết khấu cao, song vô hình chung hại lại chính bà con của mình. Hơn nữa, khi phun thuốc gặp lúc thời tiết không thuận, vừa phun xong thì trời mưa, thuốc bị rửa trôi một phần và giảm hiệu lực.
Thái Bình với trên 81.000 ha lúa. Vài chục hoặc thậm chí cao hơn vài trăm ha bị thiệt hại/81.000 ha lúa thì cũng là chuyện bình thường. Làm sao mà giữ cả 100% không bị thiệt hại trong bối cảnh SX nhỏ lẻ như ở Việt Nam. |
Đó là chưa nói thời gian phun với 2 loại sâu đục thân và cuốn lá đòi hỏi phải được điều tra, tính toán khá kỹ lưỡng và khoa học mới phun trúng thời điểm, trong khi thời gian này rất ngắn, chỉ vài ba ngày.
Phun muộn sâu tuổi cao, sức đề kháng tốt hơn, đục vào thân cây lúa rồi, và đâu phải 100% nông dân đều phun được như vậy. Nhà thiếu lao động, bận mải việc khác không phun đúng ngày khuyến cáo, cũng có những hộ bê trễ vì tập trung đi làm thuê làm mướn thu nhập cao hơn.
Giảm năng suất do "tù mù" thuốc BVTV?
Nhiều Chủ nhiệm HTXNN ở Thái Bình cũng bức xúc về thông tin trên truyền hình. Họ cho tôi xem bài viết trên báo tỉnh, qua hoạt động tác nghiệp của phóng viên báo tỉnh tại thực địa. Bài báo với tựa đề “Không có sự việc mất mùa lúa tại Quỳnh Hải”.
Nhóm phóng viên có tìm gặp Chủ nhiệm HTXNN Quỳnh Hải, cả Chủ tịch UBND xã cùng các nhân vật được phỏng vấn trong bản tin mà đài truyền hình đưa trong các ngày 29, 30/9 và 1, 2/10.
Thiết nghĩ sự việc đã được sáng tỏ. Thực chất vấn đề không phải như bản tin đã đưa và làm nhiều con em Thái Bình ở xa lo lắng. Nông dân quê lúa vốn rất nhạy cảm. Sự việc cần được thông tin nhiều chiều, và đúng với bản chất của nó. Chứ không nên đưa một cách cẩu thả, có dụng ý, quy chụp và thiếu căn cứ khoa học như vậy. |
Tại thôn Lê Xá, ông Đào Văn Huận, người đã trả lời trên truyền hình cho biết, gia đình ông trồng 1 sào lúa, 5 sào rau và ớt. Do thu nhập từ trồng ớt gấp 3 lần trồng lúa, nên gia đình tập trung vào chăm sóc ớt.
Nói về 1 sào ruộng lúa bị giảm năng suất, ông Huận cho rằng có thể do nhiều nguyên nhân như cấy sai lịch thời vụ, yếu tố thời tiết bất thuận, phun thuốc sâu không đúng chủng loại, không đúng hướng dẫn nên lúa có cấy, có chăm sóc mà gần như không cho thu hoạch.
Nhóm phóng viên được ông Lâm Văn Diệu, Trưởng thôn Lê Xá đưa đi thị sát trên tất cả các cánh đồng của thôn và ước tính diện tích cho năng suất lúa mùa thấp khoảng 1 ha thuộc 10 gia đình. Như vậy là quá nhỏ so với tổng diện tích canh tác và tổng số hộ trong thôn.
Cùng với ông Phạm Văn Liễn, Chủ nhiệm HTXNN xã Quỳnh Hải, nhóm phóng viên ghi nhận tại 2 thôn có diện tích trồng lúa lớn của xã là Đoàn Xá và Xuân Trạch. Trên từng khu đồng, lúa đang hứa hẹn cho vụ mùa bội thu.
Tuy vậy, theo ông Liễn, trên địa bàn xã có khoảng 5/290 ha lúa mùa năng suất giảm từ 10 - 50%, trong số này cũng có cả một số diện tích có cấy mà thu hoạch rất thấp, thậm chí không cho thu hoạch.
Diện tích lúa mùa còn lại (285 ha) của xã phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt từ 60 tạ/ha trở lên. Như vậy, có thể khẳng định rằng không có sự việc mất mùa lúa tại xã Quỳnh Hải.
Để trả lời cho nghi vấn năng suất lúa mùa giảm có phải do dùng thuốc trừ sâu theo khuyến cáo của cơ quan chức năng hay không, nhóm phóng viên đã có cuộc làm việc với Đảng ủy, UBND xã và Ban quản trị HTXNN xã Quỳnh Hải.
Theo văn bản làm việc của UBND xã Quỳnh Hải với bà Thà (người đã trả lời phỏng vấn trên truyền hình) thì bà Thà khẳng định, thuốc BVTV mà bà phun 3 lần là thuốc có nhãn hiệu Bọ cạp kết hợp với 1 lọ thuốc gì đó có mùi khó chịu mua của đại lý Duẩn, không thuộc danh mục thuốc khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Còn ông Đào Văn Huận (người đã nêu trên) cho biết, ông đã mua thuốc trừ sâu của nhiều đại lý tư nhân khác nhau, còn phun thuốc gì thì ông không nhớ...
Những người nông dân có ruộng bị giảm năng suất như ông Lâm Văn Dự, bà Vũ Thị Lúa... đều cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến giảm năng suất là do bị chuột cắn phá nên họ bỏ phun thuốc phòng trừ.