| Hotline: 0983.970.780

Nghề nấm lên hương

Thứ Tư 08/02/2012 , 09:27 (GMT+7)

Với giá tăng ngất ngưởng, tiền đang ùn ùn vào túi người trồng nấm thôn Tân Dân, xã Nhơn An (Bình Định)...

Nguồn nguyên liệu dự trữ để trồng nấm
Ở thôn Tân Dân, xã Nhơn An, nơi được mệnh danh là làng nấm của thị xã An Nhơn (Bình Định), nếu ai vui Tết mà không quên trồng nấm thì giờ đang hân hoan đón mẻ nấm đầu năm. Với giá tăng ngất ngưởng, tiền đang ùn ùn vào túi người trồng nấm.

Sau Tết, trong khi những nông dân khác đang tất tả chạy quanh kiếm việc giải quyết những ngày nông nhàn, cũng là để kiếm ít tiền bù vào khoản chi phí Tết thì những hộ trồng nấm ở thôn Tân Dân đang hưởng lộc đầu năm.

Tôi có mặt tại làng nấm Tân Dân đúng lúc người trồng nấm đang chuẩn bị thu hoạch lứa đầu năm. Sau hơn chục ngày ấp ủ, những vồng rơm đã nhú ra những cây nấm ú na ú nần, hứa hẹn lứa nấm bội thu. Ông Nguyễn Văn Tiên (43 tuổi) ở đội 5 thôn Tân Dân bộc bạch: “Đây là lứa nấm mà chúng tôi chất rơm vào ngày mùng 1, mùng 2 Tết. Hơn thua trong nghề làm nấm là canh sao cho chu kỳ khai thác đúng vào những dịp rằm và cuối tháng âm lịch. Thời điểm này nhà nào cũng làm mâm cúng nên nấm đắt như tôm tươi, tiền vào ùn ùn”.

Theo ông Tiên, muốn thu nấm vào dịp cuối tháng thì chất rơm vào ngày 17-18 âm lịch. Đến ngày 29 là thu đợt 1; sang ngày 30, mùng 1 là thu rộ. Muốn ăn đậm vào ngày rằm như dịp này thì chất rơm vào mùng 1, mùng 2; đến ngày 13 hái đợt 1, sang ngày 14, rằm thu rộ. Hốt bạc!

Sau khi tiếp cận được kỹ thuật trồng nấm tiên tiến, từ năm 2000 đến nay, năng suất cây nấm ở Tân Dân được cải thiện đáng kể. Nếu như trước đây, với 3 sào rơm (750 kg rơm khô), 1 chu kỳ SX chỉ cho khoảng 10 kg nấm thì hiện nay, cũng với số lượng nguyên liệu rơm nói trên, năng suất nấm đã cho tăng lên đến 60kg.

Ông Tiên tính toán: “10 sào rơm (2,5 tấn) tôi mua giá 2,5 triệu đồng. 250 bịch meo giống để làm nấm trên 10 sào rơm, hết 500.000 đồng nữa. Thêm chi phí thuê 250 m2 đất để làm vồng cho 10 sào rơm là 200.000 đồng. Vị chi đầu tư cho 1 lứa nấm tất tần tật là 3,4 triệu đồng. Thu nhập bình quân trên 10 sào rơm được 2 tạ nấm/lứa. Cứ cho giá nấm ở mức thấp nhất là 40.000 đ/kg, 1 lứa SX nấm tôi thu được 8 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 4,6 triệu. Nấm làm quanh năm, mỗi tháng làm được 4 lứa, cứ thế mà lấy tiền đều đều”.

Ấy là ông Tiên nói “khiêm nhường” với cái giá thấp nhất, chứ nấm rơm trong thời điểm sau Tết Nhâm Thìn hiện đang đứng ở giá 80.000 đ/kg. Đó là giá bán tại nơi sản xuất, chứ nếu bán trực tiếp đến người tiêu dùng giá tăng đến 110.000- 120.000 đ/kg. Nghĩa là số lãi sẽ tăng gấp đôi, gấp ba.

Theo những người trồng nấm, nguyên nhân thất bại của cây nấm trước đây là do chưa giải quyết được yếu tố cơ bản trong làm nấm là giữ được ẩm độ cho vồng rơm để khắc phục căn bệnh “thừa nước mô” của cây nấm. Căn bệnh này khiến cây nấm ngả màu vàng, tai nấm đổ mồ hôi rồi dần dần thối rữa. Bây giờ, người trồng nấm ở Tân Dân đã “khiển” được nhiệt độ và ẩm độ cho vồng rơm.

“Đầu ra của cây nấm là... bát ngát. Mỗi sáng sớm, hàng chục tư thương đến tận ruộng nấm thu mua. Nấm rơm của Nhơn An không chỉ cung ứng cho các chợ trong tỉnh mà còn được thương lái đưa lên tận Tây Nguyên, Quảng Ngãi và các tỉnh miền Nam. Những người dân địa phương chuyên mua đi bán lại cây nấm cũng kiếm được 200.000 đ/ngày”, ông Bùi Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Nhơn An.

Nếu nhiệt độ nóng quá dẫn tới nấm bị thối rữa. Còn nếu lạnh quá nấm sẽ bị sượng, không phát triển. Ẩm độ nếu để vượt ngưỡng cây nấm sẽ bị xì bọt, tai nấm lúc nào cũng xuất hiện những hạt nước trông như những hạt sương trời, sau đó cây nấm cũng bị thối rữa. Ông Tiên giải thích thêm: “Cách khống chế ngưỡng ẩm độ bằng cách khi phun nước vào vồng, vắt sợi rơm thấy nước vừa rịn ra là ổn, còn nếu nước nhỏ giọt là đã vượt ngưỡng”.

Ông Huỳnh Ngọc Thành, trưởng thôn Tân Dân phấn khởi: “Hiện tại thôn Tân Dân có hơn 20 hộ làm nấm. Người làm “nghiệp dư” mỗi năm cũng thu được khoản lãi từ 100- 150 triệu đồng. Người làm chuyên nghiệp như ông Tiên có năm thu đến nửa tỷ. Học theo cách làm của ông Tiên, các hộ Phan Đình Mưu, Huỳnh Văn Thông và Phan Văn Hậu... là những hộ nghèo ở địa phương, nhưng chỉ sau 1 năm làm nấm đã trở nên giàu có. Hộ ông Mưu từ chỗ làm không đủ ăn giờ vừa cất được ngôi nhà hơn 100 triệu đồng”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở các xã lân cận như Phước Hưng, Phước Hiệp, Phước Nghĩa (Tuy Phước)... và cả ở huyện Tây Sơn cũng về tận thôn Tân Dân học nghề trồng nấm. Hầu như ai đến đây học hỏi cũng áp dụng thành công. Đơn cử như võ sư Phi Long Vịnh ở xã Phước Nghĩa (Tuy Phước), sau khi làm nấm; ngoài danh hiệu võ sư, ông còn có thêm danh hiệu nông dân sản xuất giỏi.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm