| Hotline: 0983.970.780

Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh

Thứ Hai 07/10/2013 , 09:00 (GMT+7)

Sự ra đi của một bậc vĩ nhân mà cuộc đời tỏa bóng lên hai thế kỷ, một thiên tài quân sự được quốc tế vinh danh, khiến tôi bàng hoàng nhớ tới lời thơ lỗi lạc của Trương Hán Siêu đời Trần trong bài Bạch Đằng giang phú:"Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh".

Tiếng thơm còn mãi

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh biệt chúng ta!

Sự ra đi của một bậc vĩ nhân mà cuộc đời tỏa bóng lên hai thế kỷ, một thiên tài quân sự được quốc tế vinh danh, khiến tôi bàng hoàng nhớ tới lời thơ lỗi lạc của Trương Hán Siêu đời Trần trong bài Bạch Đằng giang phú:

Sông Đằng một dải dài ghê

Sóng hồng cuồn cuộn trôi về biển Đông

Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh…

Trận Điện Biên Phủ hồi xuân - hè năm 1954 được các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự trên thế giới hiện nay coi là một “trận đánh kinh điển”, đưa vào sách giáo khoa giảng dạy tại nhiều học viện quân sự lớn đào tạo tướng lĩnh ở các nước phương Tây. Đối với nước ta, đó là chiến công có thể sánh với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa…

Là một người làm báo, tôi may mắn được đến thăm Điện Biên Phủ nhiều lần, vào những năm chẵn kỷ niệm chiến thắng vang lừng ấy. Cũng như nhiều bạn đồng nghiệp khác, tôi náo nức trèo lên đỉnh đồi A1, chậm rãi dạo bộ qua cánh đồng Mường Thanh lúa chín rực vàng, dừng chân một lát, tựa lan can cây cầu sắt bắc ngang sông Nậm Rốm, chui vào lòng đất xem hầm bại tướng De Castries dưới mấy tầng bao cát. Rồi tới thắp nén hương bên mồ liệt sĩ ở các nghĩa trang đồi A1, đồi Him Lam, đồi Độc Lập. Rồi thuê xe máy vượt mấy chục cây số đường đèo quanh co, vào thung lũng Mường Phăng, thăm hầm chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến dich, nói chuyện với bà con bản Thái.

Dân bản gọi khu rừng Mường Phăng là “rừng thiêng Đại tướng”, không ai dám chặt phá, nhờ vậy mà đến nay vẫn còn đó những cây lim, cây nghiến cổ thụ cao ngất trời bên lối đi xưa. Trên từng bước chân, tôi không sao không nhớ tới tên tuổi vị Anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp. Có thể nói, bản làng, đồng ruộng, núi sông đều lặng lẽ “lên tiếng” nhắc tôi nhớ tới ông. Làm sao có thể lờ tên ông đi khi viết về Điện Biên năm ấy?

“Những người bất nghĩa tiêu vong / Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh”. Qua hai câu thơ đó, Trương Hán Siêu dường như muốn nhắn nhủ mọi người đừng quên đi một quy luật của muôn đời. Nhắn nhủ như vậy, bởi vì cũng có người, có lúc quên đi đấy! Từ nghìn xưa, sử sách bao giờ cũng chỉ vinh danh những bậc anh hùng, vạch tội những kẻ bất nhân, bất nghĩa. Không riêng chính sử, mà cả dã sử cũng vẫn làm như thế. “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Chính Trương Hán Siêu, trong một dịp giong thuyền qua sông Bạch Đằng, đã nhớ tới vị Anh hùng dân tộc  Hưng Đạo Đại vương, với niềm cảm khái đến ủ mặt, lệ chan:

Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng

Bởi Đại vương coi thế giặc nhàn

Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn

Khách chơi chừ ủ mặt, người hoài cổ chừ lệ chan…

                                           (Bùi Văn Nguyên dịch)

Người xưa cho rằng chỉ có những bậc tam lập - tức là những người lập đức, lập công, lập ngôn - là bất tử. Lập đức là sáng lập nên những nguyên lý đạo đức cao cả cho nghìn đời noi theo như Thích Ca, Khổng Tử. Lập ngôn là sáng tạo nên những khuôn mẫu ngôn từ tài tình được truyền tụng mãi như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Và lập công là lập nên những chiến công hiển hách ghi lại trong sử sách nghìn năm như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung.

Võ Nguyên Giáp là một vị anh hùng lập công cứu nước, và chỉ riêng công trạng ấy thôi cũng đã đủ khiến ông lưu danh muôn thuở.

Ngoài ra, tuy không phải là người lập đức, nhưng ông là vị tướng thấm nhuần sâu sắc đạo đức Hồ Chí Minh “dĩ công vi thượng” suốt đời tận trung với nước, chí hiếu với dân, là nhà quân sự theo chủ nghĩa nhân văn chân chính, mang bí danh Văn.

Cũng như, tuy không phải là nghệ sĩ vĩ đại sáng tạo ra những mẫu mực ngôn từ bất hủ, nhưng ông là người “trước thư lập ngôn”, có nhiều tác phẩm giá trị vượt thời gian và không gian, được dịch ra nhiều thứ tiếng, như: Từ nhân dân mà ra; Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử; Những năm tháng không thể nào quên; Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân;  Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng… 

Thiên tài được xây đắp trên nền tảng trí tuệ xuất chúng 

Có những tài năng thiên phú mặc dù kiến văn không rộng, học thức không cao. Võ Nguyên Giáp không phải là trường hợp như thế. Thiên tài quân sự của ông, tuy là do tự học, nhưng được xây đắp trên nền tảng trí tuệ xuất chúng ngay từ thời trẻ.

Nguyễn Thúc Hào là một trong hai người đầu tiên được Nhà nước ta công nhận chức danh giáo sư ngành toán (người kia là Lê Văn Thiêm). GS Hào sinh ra trong một danh gia vọng tộc ở Nam Đàn, Nghệ An. Ông nội là cụ Nguyễn Thúc Kiều, cử nhân Nho học, thầy dạy của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Cha là cụ phó bảng Nguyễn Thúc Dinh, thị lang Bộ Lại triều Nguyễn. Năm 1925, Nguyễn Thúc Hào đỗ thủ khoa vào Trường Quốc học Huế. Á khoa năm ấy là Võ Nguyên Giáp. Vậy mà, sau này, GS Hào ghi lại:

“Trong lớp, hai chúng tôi ngồi gần nhau, tuy vậy không phải là đôi bạn thân. Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn; còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học, ngoan và dễ bảo thôi. Từ năm đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được xếp hạng major nghĩa là đứng đầu lớp, còn tôi thì luôn đứng thứ hai. Các giáo sư Việt Nam cũng như Pháp đều tỏ vẻ bằng lòng về hai chúng tôi, nhất là về anh Giáp học giỏi”.

GS Hào kết luận:

“Người xưa thường nói: Học tài, thi phận. Đúng thế. Khi thi tuyển, tôi đỗ thủ khoa, anh Giáp á khoa. Nhưng, khi vào học, anh Giáp luôn đứng đầu. Điều đó chứng tỏ anh Giáp “học tài” hơn tôi, thông minh hơn tôi”.

Ra Hà Nội, theo học chương trình cử nhân luật, khi thi tốt nghiệp, Võ Nguyên Giáp đạt được điểm cao nhất về các môn thi viết là 17 và, đặc biệt, về môn kinh tế học chính trị, đạt 18 điểm. GS Gaétan Pirou từ Paris sang Hà Nội tham gia hội đồng giám khảo hỏi GS Khérian, chủ nhiệm bộ môn kinh tế học chính trị, về sinh viên Võ Nguyên Giáp, và được ông này trả lời:

- Đó là anh học trò yêu thích nhất của tôi. Anh ta thông minh, sáng láng và rất can đảm. Một cái đầu bốc lửa đã có vướng mắc với chính quyền.

Pirou nói luôn:

- Thế thì cần phải rút anh ta ra khỏi môi trường thuộc địa này. Hãy đưa anh ta sang Paris. Anh ta có thể theo học bậc tiến sĩ ở Pháp về môn anh ta muốn. Tôi sẽ chịu trách nhiệm về anh ta…

Pirou không chỉ là giáo sư luật học, mà từng là Đổng lý Văn phòng Tổng thống Pháp.

Có điều kiện để sang Pháp học lên tiến sĩ, nhưng Võ Nguyên Giáp khước từ, lấy cớ “không thể bỏ lại bạn bè ở trong nước”. Vì thế, khoản học bổng đó được chuyển cho một sinh viên khác là Vũ Văn Hiền, về sau, trở thành tiến sĩ luật học.

Ở trong nước, năm 1938, Võ Nguyên Giáp đạt thêm một chứng chỉ cao học về kinh tế học chính trị, một trong những điều kiện để lấy bằng tiến sĩ. Cũng vì thế, sau này, Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp, gọi ông Giáp là tiến sĩ, là “một trong những sản phẩm sáng giá của nền văn hóa chúng ta” - lời Saintenty.

Không muốn đi du học nước ngoài, bởi vì, ngay từ ngày còn học ở Trường Quốc học Huế, ông đã quyết hiến thân cứu nước dù phải chấp nhận  tù đày.

Năm 1940, Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, nhận được chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc, đến gặp Võ Nguyên Giáp để báo lệnh của “đồng chí Vương” triệu tập ông sang Trung Quốc cùng Phạm Văn Đồng. Cả hai ông, từ đấy, đã trở thành học trò gần gũi và đồng chí thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như những “bản thể thứ hai” của Người.

Tháng giêng năm 1941, Hồ Chí Minh cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và mấy chục cán bộ cốt cán người Cao Bằng bắt đầu rời Tĩnh Tây về Pác Bó, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở trong nước.

Rồi năm 1944, sau khi thoát khỏi ngục tù Tưởng Giới Thạch quay trở lại Cao Bằng, Hồ Chí Minh cho rằng thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới, cho nên cần phải lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chính trị còn trọng hơn quân sự.

- Việc này, chú Văn phụ trách được không?

- Thưa, có thể được.

Vậy là, vào lúc 5 giờ chiều ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, một cuộc lễ giản dị nhưng trang nghiêm được tổ chức, đánh dấu sự ra đời của quân đội cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, sau gần bảy thập niên, chúng ta đã có một độ lùi cần thiết để thấy rõ hơn sự sáng suốt tuyệt vời của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi chọn lựa cho quân đội ta một vị tổng chỉ huy văn võ song toàn, hết lòng thương yêu người lính, không chấp nhận hy sinh xương máu binh sĩ một cách phiêu lưu, đánh mà không chắc thắng! Đúng như Thượng tướng Trần Văn Trà đã viết: “Võ Nguyên Giáp là tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy; là vị tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”.

Bác Hồ đã phong hàm đại tướng cho Võ Nguyên Giáp khi ông mới 37 tuổi! Một sự tin cậy lạ lùng mà hoàn toàn đúng đắn!

Điều đáng cảm phục là Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn khiêm tốn coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy của mình. Trong nhà, Đại tướng dành một nơi riêng, trang trọng đặt tượng, treo tranh, ảnh Bác Hồ. Đại tướng thường nói: “Bác dạy tôi phải luôn dĩ công vi thượng” (coi lợi ích công là trên hết). 

Thu phục được giới trí thức tinh hoa

Trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Võ Nguyên Giáp giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (gồm cả công việc nội vụ và công an), đồng thời, đặc trách công tác quân sự của Đảng, và là Bí thư Đảng đoàn Chính phủ.

Trong hồi ký của nhiều nhà trí thức lớn nước ta thời ấy, hình ảnh Võ Nguyên Giáp hiện lên rất lôi cuốn, với ngoại hình tuấn tú như một thư sinh.

GS Nguyễn Xiển cho biết: Ngày 24/8/1945, khi được mời tới Bắc Bộ phủ yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cũng đã gặp ông Võ Nguyên Giáp. “Một thanh niên thông minh dĩnh ngộ, từ một học trò nghèo mà học lên đại học. Tôi khâm phục anh tuy anh kém tuổi tôi mà đã đảm đương việc lớn” - GS Xiển kể lại.

GS Hoàng Minh Giám cũng cho biết: Ngày 30/8/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, ký sắc lệnh số 1 cử ông Giám làm Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ. Rồi ít lâu sau, ông Giám trở thành người giúp việc trực tiếp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các hoạt động ngoại giao.

Chính Võ Nguyên Giáp cũng là người đã đến nhà thăm, rồi tiến cử TS Nguyễn Văn Huyên để Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Huyên ra làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc gia.

Sau này, khi xuất bản cuốn hồi ký Đường vào khoa học của tôi, GS Tôn Thất Tùng đã mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời giới thiệu.

Bác sĩ Hồ Đắc Di, người Việt Nam duy nhất được nhà cầm quyền Đông Dương công nhận chức danh giáo sư đại học trước năm 1945, cũng rất nể phục ông Võ Nguyên Giáp.

Ngày đầu Kháng chiến toàn quốc, GS Tạ Quang Bửu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng, sau đó, ông Bửu đề nghị lên Hồ Chủ tịch để ông Giáp làm bộ trưởng, vì ông Giáp “có tài chỉ huy hơn”; và ông Bửu vui lòng làm thứ trưởng cho ông Giáp. Nhiều năm sau, quan hệ giữa hai ông vẫn hết sức trong sáng, thân tình.

Võ Nguyên Giáp cũng được nhà văn hóa uyên thâm Đặng Thai Mai yêu quý gả con gái đầu cho.

Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu là hai bạn đồng niên cùng thọ trăm năm, và cùng là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Nếu ít học, kiến văn hẹp hòi, thiếu trí tuệ sáng láng và đạo đức công minh, thì không thể làm cho giới trí thức tinh hoa thời mở nước “tâm phục, khẩu phục” như thế…

Còn về việc Đại tướng được nhân dân và quân đội ta yêu quý ra sao, thì báo, đài đã nói nhiều, tôi không muốn nhắc lại điều gì.

Ngay cả những kẻ thù cũ của ông cũng nể trọng ông. Bài viết đã dài, tôi chỉ trích lời một người trong số đó: Tướng Marcel Bigeard, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp, thành viên Hội đồng Quân sự Quốc phòng Pháp, cưu thiếu tá tham chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ.

“Ông Giáp đã chỉ huy quân đội Việt Nam - Tướng M. Bigeard viết - chiến đầu giành thắng lợi trong một thời gian đặc biệt lâu dài suốt 30 năm, một kỳ tích chưa từng thấy! Vâng, không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm