| Hotline: 0983.970.780

Người trăm tuổi, chuyện ngàn năm

Chủ Nhật 05/09/2010 , 13:11 (GMT+7)

Nhắc đến thời khắc Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 diễn ra tại miền Nam, thì có lẽ giáo sư Trần Văn Giàu là nhân chứng duy nhất còn lại của không khí hào hùng năm 1945 ấy.

Giáo sư Trần Văn Giàu
Nhắc đến thời khắc Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 diễn ra tại miền Nam, thì có lẽ giáo sư Trần Văn Giàu là nhân chứng duy nhất còn lại của không khí hào hùng năm 1945 ấy. 

65 mùa thu đã trôi qua, vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ thuở nào, cũng đã vào tuổi 100. Tôi gọi điện thoại xin cuộc hẹn, người nhà của ông lịch sự thưa: “Ông Sáu yếu lắm rồi, không thể nào trò chuyện được nữa đâu!”. Năm ngoái, giáo sư Trần Văn Giàu đón nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, ông đã rất khó khăn mới nói hết một câu cảm ơn quan chức, đồng nghiệp và thân nhân đến chúc tụng! Tôi đành viết về ông bằng những thu nhận tích lũy của riêng mình, từ góc nhìn lặng lẽ của một kẻ hậu sinh ngưỡng vọng một bậc trưởng thượng qua vài lần hạnh ngộ may mắn! 

Dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP. HCM, giáo sư Trần Văn Giàu hoạt động rất sôi nổi. Hầu như các buổi hội thảo văn hóa hay các đợt nghiệm thu công trình nghiên cứu, ông đều góp mặt. Sự hiện diện của ông bao giờ cũng làm cho mọi người hào hứng hơn. Với vị thế chính trị và uy tín khoa học cá nhân, giáo sư Trần Văn Giàu hoàn toàn có quyền đưa ra những ý kiến mang tính chỉ đạo. Thế nhưng, bao giờ ông cũng dùng thái độ khiêm nhường mong người nghe chỉ xem đánh giá của mình như một kênh tham khảo. Giọng điệu của ông nhỏ nhẹ, ôn hòa nhưng đầy thuyết phục. Tôi vẫn nhớ, ngay lúc ra mắt nhiều cuốn sách giá trị kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam, giáo sư Trần Văn Giàu đã hướng các đồng nghiệp về công việc cho tương lai: “Bây giờ đã có thể bắt tay biên soạn những tác phẩm qui mô cho Hà Nội tròn 1000 năm rồi đấy. Chuẩn bị từ hôm nay là vừa, kẻo không kịp!”.  

Tập kết ra Bắc năm 1949, ông Trần Văn Giàu có gần 30 năm làm việc với những tên tuổi lừng lẫy như Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy… cho nên ông hiểu mảnh đất Thăng Long được trầm tích bởi nhiều thế hệ, rất cần được nhìn lại thật tỉ mỉ và thấu đáo. Tôi băn khoăn, không biết khi Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chính thức khai mạc, liệu bao nhiêu cuốn sách thỏa mãn được tâm tư ấy của giáo sư Trần Văn Giàu? 

Sự trải nghiệm qua gian khó, sự đóng góp qua ngày tháng, khiến tầm vóc giáo sư Trần Văn Giàu trở nên đồ sộ trong mắt người đi sau. Viết về ông rất dễ giống như một bản báo cáo thành tích. Tôi biết vậy, và tôi cố gắng nhìn ngắm giáo sư Trần Văn Giàu bằng chính hình ảnh giản dị của ông vẫn cặm cụi bên bàn làm việc ở căn nhà quen thuộc nằm trong con hẻm rộng trên đường Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11, TPHCM. Phòng làm việc của ông không phải nhỏ, nhưng những kệ sách ken dày và gam màu sẫm của bốn bức tường thường mang lại cảm giác ấm áp và trang trọng cho khách ghé thăm. Tuy nhiên, tôi nghĩ, điều mà giáo sư Trần Văn Giàu giúp người đối diện thấy gần gũi chính là phong thái học giả điềm đạm và đôn hậu của ông. Dù người trước mặt là ai và dù nói về vấn đề gì, thì ông cũng lắng nghe rất chăm chú, và có sự hồi đáp thỏa đáng.

Ông không tự cho mình vai vế bề trên cũng không vòng vo, không lấp liếm trong tất cả các cuộc trao đổi. Và ông có một thói quen kỳ thú là rất thích khoản đãi những người đến nhà mình. Chỉ cần khách an tọa, thì ông quay sang hỏi người giúp việc: “Có gì mời bằng hữu không?”. Thường thì ông vẫn rót vang đỏ ra để chủ và khách cùng nhâm nhi, trước khi trò chuyện. Đôi lần tôi quan sát và nhận ra ánh mắt ông có vẻ kém vui, khi ông dốc ly uống cạn mà ai đó lại nâng lên rồi đặt xuống. Hình như, với giáo sư Trần Văn Giàu, ly vang đỏ thay cho miếng trầu truyền thống, để ông tìm hiểu sự cởi mở của người khác! Và ai đến thăm ông cũng xúc động vì sự chân thành, dẫu bước qua tuổi 90 lâu rồi, nhưng ông vẫn luôn bắt tay tạm biệt từng người.

Bàn tay run run của ông, giọng nói run run của ông: “Mình có giúp gì được không?” hoặc “Có cần mình giúp gì không?” và ánh mắt ân cần của ông, chắc chắn để lại dư vị khó quên cho người ra về. Tôi cam đoan, những người chưa từng đọc bất kỳ một dòng chữ nào của giáo sư Trần Văn Giàu, nhưng chỉ cần tiếp xúc với ông một lần cũng đủ để khâm phục ông, kính mến ông. Có lẽ, đó là sức chinh phục của vẻ đẹp từ cốt cách một con người đã không cúi đầu trước tù đày của thực dân cướp nước, cũng không tự mãn trước thành tựu đang có, và càng không chột dạ với danh vọng trong tầm tay! 

Năm 2001, giáo sư Trần Văn Giàu bán căn nhà của mình lấy 1000 cây vàng để thành lập Giải thưởng Trần Văn Giàu, nhằm vinh danh những người dày công nghiên cứu sử học, mà ông quan niệm “việc phải có ngày tháng, người phải có tên tuổi”. Ông cho rằng: “Trong đào tạo con người, cổ điển như hiện đại, văn - sử - triết là những môn học rất cơ bản. Tôi rất lo lắng khi thấy tri thức lịch sử bị xem nhẹ!”. Tất nhiên, ông Trần Văn Giàu đã dùng cả cuộc đời miệt mài để chứng minh giá trị kia. Về triết học, ngoài ba cuốn triết học nền tảng “Biện chứng pháp”, “Vũ trụ quan” và “Duy vật lịch sử”, ông còn có tác phẩm “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám” được in thành 3 tập. Về lịch sử, ông có hai công trình quan trọng là “Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam” và “Lịch sử cận đại Việt Nam”. Về văn học, không thể không kể hai tác phẩm nghiên cứu của ông là “Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19” và “Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: tư tưởng yêu nước”. Hai lĩnh vực triết học và lịch sử, không thể bàn luận trong một bài báo ngắn. Ở đây, tôi chỉ nhắc đến thái độ văn chương của giáo sư Trần Văn Giàu mà bản thân đã ghi chép qua dăm lần hữu duyên tình cờ được hầu chuyện ông.  

Năm 2005, nhân đại hội Hội Nhà văn TPHCM mà ông là hội viên cao niên nhất, tôi hỏi ông về ba bút danh Gió Nồm, Thảo Giang và Tầm Vu của ông. Giáo sư Trần Văn Giàu cười rộn ràng như khơi lại vùng kỷ niệm khó phai: “Hồi nhỏ, tôi nghe bài ca “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, không biết của người nào viết, nhưng ám ảnh hai câu “Chúng bây nọ! Có đầu thì giữ, chớ cậy anh tài. Chị em ơi! Ngoảnh mặt mà coi, thiệt là liệt nữ”. Khoảng 15 tuổi thì tôi tập tành cầm bút, muốn dùng văn chương để làm cách mạng! Sau này, khi đã là một nhà cộng sản, tôi càng thấm thía, văn học đích thực bao giờ cũng giúp con người thức tỉnh lòng yêu nước. Như năm 1945 đó, tôi và những người Nam bộ kháng chiến đứng lên giành chính quyền chỉ với thứ vũ khí tinh thần sắc bén là thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông... Và cả khi tôi học xong Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản về nước hoạt động, bị địch bắt giam ở nhiều lao ngục thì tôi lấy hai câu “Nghĩ thương con tạo sao dời đổi. Vắn vỏi đêm trường tiếng dế ngâm” của Bùi Hữu Nghĩa để động viên mình!” 

Trở lại với tâm tư của giáo sư Trần Văn Giàu cho 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hơn một lần, ông không giấu giếm ước muốn viết một cuốn sách về Thủ đô linh thiêng và hào hoa. Thế nhưng, cách đây 4 năm, khi chia biệt người vợ gắn bó với ông từ năm 17 tuổi, giáo sư Trần Văn Giàu suy sụp dần. Bàn tay ông chỉ còn đủ sức để khẽ khàng lật từng trang sách và nghiền ngẫm, chứ không thể nào cầm bút nữa. Ông đành nhờ NXB Quân đội Nhân dân in “Tổng tập Trần Văn Giàu” như một món quà cho Đại lễ của dân tộc, mà ngay trang đầu ông thưa cùng bạn đọc đầy nuối tiếc: “Tôi và anh Văn ( đại tướng Võ Nguyên Giáp) đều có nhã ý cố gắng làm một việc gì đó để đón mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Thực sự, “Tổng tập Trần Văn Giàu” chỉ in lại hai tác phẩm “Chống xâm lăng” và “Miền Nam giữ vững thành đồng” của ông, đã có độ dày lên đến 1880 trang.

Tôi phỏng đoán, nếu đúng nghĩa “tổng tập” những trang viết của Trần Văn Giàu, thì sẽ phải in khoảng 3000 trang nữa! Trong lời cuối “Tổng tập Trần Văn Giàu”, ông trình bày một thao thức đáng để chúng ta suy ngẫm: “Phải chăng, vì tạo hóa vô tri đặt để Việt Nam nhỏ bé và trù phú ở bên cạnh người Khổng Lồ, và ở trên ngã ba đường thông thương quốc tế Bắc Nam Đông Tây? Ở vị thế địa lý ấy, Việt Nam khác nào món thịt ngon phơi trước mồm hổ đói, tránh sao khỏi cấu xé, lắm phen bị giẫm đạp… Trong cảnh ngộ đó, Việt Nam hoặc phải bị nghiền nát như tương, hoặc phải trở nên rắn như thép. Quyết không bị nghiền nát như tương, mà quyết làm tất cả để trở nên rắn như thép, đó là bản lĩnh Việt Nam. Bản lĩnh này không phải dân tộc Việt Nam sinh ra đã có, mà được hình thành trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước!”. Có lẽ đấy không chỉ là thao thức của một người trăm tuổi cho chuyện ngàn năm đã qua!

TP. HCM, tháng 8/2010

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm