| Hotline: 0983.970.780

Nguyễn Khắc Phục và góc khác của "1.000 năm Thăng Long"

Chủ Nhật 05/09/2010 , 13:11 (GMT+7)

Khi tôi vân vi hỏi về các nét chính sẽ có trong Đại lễ, ông đã gạt phắt đi...

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Tôi may mắn có hai người bạn cùng tuổi Đinh Hợi, cùng yêu Hà Nội và triều nhà Lý theo cách khác nhau; người này thì muốn những ngụ ngôn của lịch sử đến với người đương thời, người kia qua những nhân vật lịch sử thời tam giáo đồng nguyên mà ông từng khắc hoạ trở lại làm điểm tựa cho ứng xử của hôm nay với quốc kế dân sinh và quốc gia đại sự. Trong năm 2010 Canh Dần này, tôi đã mời bạn đọc nghe câu chuyện với ông Đinh Hợi thứ nhất, nhà sử học Dương Trung Quốc vào Tết Nguyên đán. Hôm nay, để chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Kỷ niệm 65 năm Quốc khánh 2/9, xin bạn đọc cùng tôi, chúng ta sẽ trò chuyện với ông Đinh Hợi còn lại, nhà văn Nguyễn Khắc Phục – nhà thiết kế cả 2 Đại lễ, một Tập Đại Thành văn hoá Đại Việt đang sắp sửa…

Khi tôi vân vi hỏi về các chi tiết, các nét chính sẽ có trong Đại lễ, Nguyễn Khắc Phục đã gạt phắt đi:

- Viết về lễ lạt làm gì, sớm muộn dân sẽ được biết, trực tiếp hay qua ti vi. Hãy nói về cái sống chết cần nói, cái mà dân cần biết vào lúc này.

Tôi chưng hửng, loay hoay tìm lối “vào” khác, nhân thể cũng to tiếng luôn:

- Lịch sử Lý Trần thì tôi đã đọc, nhiều đoạn còn thuộc lòng. Nhưng chỉ đến khi đọc Thăng Long ký, thì sự cắt nghĩa các biến cố và nhân vật lịch sử của ông đã khiến tôi nhận thức khác đi, đặc biệt là tinh thần dân chủ Đại Việt qua thể chế tam giáo đồng nguyên, lý thú vô cùng. Mấy năm nay ông lại chuyên tâm làm kịch bản đại lễ, vậy thì hẳn những ký ức dân tộc thức dậy trong tâm hồn ông cuồn cuộn. Ông cần nói chứ, cứ để cho dân chúng tôi xem qua ti vi, nó cứ nhoáng nhoàng nhoàng, ai mà hiểu ý nghĩa các trò diễn cho tường tận được?

Ông có dịu giọng lại, nhưng vẫn khư khư không chịu trả lời. Tôi bèn hỏi:

- Ông có đọc trên mạng nó đang huyên truyền vào dịp đại lễ sẽ sập cầu này cầu nọ, ông nọ ông kia sẽ chết; ông có lo không?

- Lo gì, mà lo làm sao được; cái gì phải diễn ra ắt sẽ diễn ra. Nhưng có nhiều lời loan truyền tức là tâm thế của người dân đang chụm về đại lễ. Đó là cái hay, chứ Nhà nước làm cái gì mà dân cứ dửng dưng thì lại là điềm dở. Thật ra, chúng ta bước vào Đại lễ với sự run rủi và một tâm thế đặc biệt, không thể tốt hơn. Nói run rủi, là vì làm vào đúng năm này, dịp này; chứ cụ Lý Công Uẩn mà dời đô sớm đi vài năm, hay muộn lại mấy năm, sẽ không hội đủ mấy cái hồng phúc cho Đại lễ. Là thế này:

Chúng ta đang ở trong một tình hình quốc tế đặc biệt. Việt Nam và khối Đông Nam Á đang được cả thế giới chăm chú theo dõi, nhất cử nhất động ở khu vực này lập tức được cả cộng đồng nhân loại biết ngay. Những tranh chấp tại Biển Đông, do trở nên thái quá và rõ ràng khiến thế giới giật mình và là giọt nước làm tràn ly khiến Mỹ có cớ trở lại châu Á. Giả dụ người ta khéo léo mưu sâu, cứ “ngụy quân tử” ru ngủ thiên hạ, thì mới là thậm nguy hiểm. Tóm lại, cũng như thời Việt Nam bị Mỹ đánh, cả thế giới lên án Mỹ và bênh vực Việt Nam; khi ở trong vòng chú ý của cả thế giới, chúng ta sẽ khó bị bắt nạt hơn, dù vì nhỏ yếu hay vì cả nể nhùn nhường. Chỗ này liệu có dám viết ra không, nó đụng chạm đến bang giao quốc tế vốn là nhạy cảm!

 - Có gì mà phải sợ ở đây? Vậy chứ đã là bạn bè và hữu nghị thì không được phê bình nhau, dẫu bằng nhời nhẽ thân ái và nhỏ nhẹ? Hơn nữa, mọi cái chúng ta đang nói tới đều đã được công khai, 6 tỷ người đều biết cả; điều chúng ta đang bàn lại công tâm và thiện ý. Tôi nhớ khi nhà thơ Thiếu Sơn trách Thế Lữ rằng Thế Lữ nói xấu thơ của mình; ông Thế Lữ bèn nói rằng: “Ông Thiếu Sơn cứ vu lên cho tôi công nói xấu thơ ông, chứ tôi nói xấu thơ ông đã làm gì bằng thơ ông nói xấu thơ ông?”

- Vậy thì tiếp tục. Sau suy thoái kinh tế, người ta sẽ không quá ảo tưởng về kinh tế thị trường - toàn cầu nữa. Mặt khác, nó nhấn mạnh để thấy rõ sự yếu kém năng lực khi quản lý một tài sản công khổng lồ, nó bục cái “hậu bối” Vinashin chỉ là một ví dụ. Từ lâu, chúng ta đã cùng lo cái hậu bối - những món nợ ODA con cháu sẽ phải trả. Khi nó bục ra như vậy, các nhà quản lý và lãnh đạo đất nước sẽ buộc phải xem xét lại các phương pháp trong kinh tế; nhằm vãn hồi sự lành mạnh cho xã hội. Việc dừng 5 cái cổng chào, việc phủ quyết dự án đường sắt cao tốc chính là các điều chỉnh kịp thời và rất được lòng dân.

Quá trình suy thoái đạo đức và văn hoá đã xuống đến đáy. Quan chức mua dâm vị thành niên, người yêu chặt đầu người yêu, con cái bạc đãi cha mẹ, trò đánh thầy. Làm Đại Lễ phải nhằm mục tiêu chấn hưng văn hóa. Ít nhất cũng là một dịp biểu dương ý chí, khát vọng của một đất nước đang phải đối mặt với những thử thách sinh tử trên mọi phương diện… Qua đó, khơi dậy mãnh liệt cảm hứng yêu nước, cảm hứng anh hùng, lòng tự tin. Một tín hiệu vui là vào đúng năm nay, là UNESCO công nhận Hoàng Thành Thăng Long là Di sản Văn hóa nhân loại. Vinh danh này có ý nghĩa hết sức lớn lao, là làm cho cả thế giới biết đến một quốc gia nhỏ bé, đang phát triển này có một Thủ đô đã 1.000 năm tuổi.

- Và, nhất là trong 10 thế kỷ tồn tại, nó chỉ bị “phế” đi có 7 năm triều Hồ Quý Ly cộng với 143 năm triều Nguyễn. Như tôi nhớ, Tokyo mới chưa tròn 300 tuổi và Bắc Kinh cũng mới chỉ ổn định là kinh đô từ nửa đầu nhà Minh, thế kỷ XV.

- Như thế, tôi cứ vững tin rằng, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ diễn ra trong những điềm lành, tôi nói run rủi và tâm thế đặc biệt là vì vậy.

- Đọc Thăng Long ký chương đầu, chương miêu tả các trò diễn dân gian đặc sắc trong lễ hội mùa xuân, những trò đánh phết, hát múa giao duyên và diễn xướng dân gian hết sức đa tình và phồn thực. Vua Lý Thái Tổ đã hoài thai trong một bầu khí quyển khác thường như thế. Phải chăng, đó chính là một dạng “dấu chân” mà bà mẹ Thánh Gióng đã ướm?

- Dấu chân hay văn hoá dân gian cũng là một với tâm thức Đại Việt. Với tâm thức ấy, thánh nhân phải ra đời khác với người phàm, nhưng không phải con của Xích Đế hay Tiên mắc lỗi mà xuống trần là tâm thức Đại Hán. Trong tiểu thuyết, tôi luôn nhấn một điều mà tôi cho là quan trọng: Vua Lý Thái Tổ là người được Thiền sư Vạn Hạnh và Lý Khánh Vân dạy dỗ kỹ lưỡng để làm vua, dù không phải là con vua.

- Tôi hiểu là giáo lý mà Lý Công Uẩn được hấp thụ từ tấm bé đều từ ba nguồn: Trí tuệ dân gian, Đạo Phật và Đạo Khổng mà trí tuệ dân gian – nhân dân là tiên khởi và trở thành hạt nhân. Nó cũng phù hợp với quan niệm Khổng giáo: Vua là con Trời, mà ý dân lòng dân là Trời vậy. Đó chính là hạt nhân để nhà vua thân dân, xác lập cho triều đại mình tam giáo đồng nguyên?

- Tôi cứ nghĩ, từ xưa dân mình đã thờ mấy vị Thánh, trong đó, theo tôi, ta có ba bậc Thánh vĩ đại nhất, siêu việt nhất, ấy là Đức Thánh Lý Công Uẩn, Đức Thánh Trần và Đức Thánh Hồ.

Cứ nghĩ lại mà xem, nếu Thánh không cho dời đô, cứ ở mãi trên mảnh đất Hoa Lư bé bằng bàn tay ấy thì hẳn chúng ta sẽ lạc hậu và lụi tàn vì địa hạt nhỏ thì không cho phép hút vào mình những cái khác lạ, khác thường để tiếp biến và hoá thân. Cứ xem nơi đất chật người đông sẽ thấy ngay, suốt ngày chỉ lo hàng xóm nó dịch cái bờ rào lấn mất của mình nửa gang đất, xích mích quanh năm; thì khi có ngoại xâm, quan lại và dân chúng có kịp sát cánh cùng nhau mà ra trận? Việc dời đô về Đại La Thành là một trong hệ thống chính sách thân dân, gần dân của Thánh, là ý thức vua tôi cùng giầu có lên, mở mang và tha hồ phát triển. Một nghìn năm qua mà phát triển chưa hết cái quy hoạch do nhà vua phác ra. Lại xem lòng vua thì biết. Thời phong kiến, hễ cứ làm vua thì từ vợ vua đến cung tần mỹ nữ đều do hệ thống quan lại kén chọn; ngay đến tình người cũng bị quan liêu hoá như thế, thì còn gì để bàn nữa?

- Khi đã quan liêu hoá, anh sẽ vướng vào các luật lệ và giáo lý do chính anh tạo ra, phải là trác việt lắm, như Hán Vũ Đế mới thoát ra khỏi cái tấm lưới quan liêu bùng nhùng giữa các thế lực. Ngay Càn Long cũng chỉ dám vi hành để xả hơi với mỹ nhân ngoài thứ dân, rồi lại quay về với sự sắp đặt của hệ thống quan liêu, tự chui đầu vào rọ.

- Lý Công Uẩn thì khác, Ngài đã xác lập tư tưởng thân dân cho triều đại mình. Lý Thánh Tông làm vua rồi vẫn tự mình đi “tìm hiểu” chốn nhân gian, gặp người đẹp ngoài nương dâu, nói thác rằng người đẹp dựa gốc lan mà đứng đắn không màng tới vua là để giữ thể diện cho người đẹp đấy thôi. Có thể nói, từ nhân gian mà ra, khi đã thành vua rồi, các vua Lý lại trở về nhân gian mà bồi bổ thêm khí lực và minh triết dân gian mà thành Người.

Làm vua mà vẫn là người thì được lòng người; được lòng người thì sẽ có nhiều người giỏi ở bên, sẽ là tập đại thành về trí tuệ: Những Lý Thường Kiệt, những Lý Đạo Thành mà chỉ một trong hai người ấy, đủ sức phò vua giúp nước cả trăm năm vững vàng.

- Thân dân thì khi nước lâm nguy, dân sẽ cùng vua tạo thành thế lực mạnh mẽ. Thời Lý, Tống yếu mà Chiêm mạnh, vua tự mình đi đánh phương Nam, giao xã tắc giang sơn cho một người  có lý lịch không rõ ràng, không qua bộ Lại sắp đặt, là Nguyên phi Ỷ Lan  coi giữ; tin dân xiết bao.

- Thân dân, xót máu xương của dân thì thắng giặc rồi nhưng không sinh kiêu ngạo; tướng giặc chưa kịp về nước đã sai sứ thần mang voi trắng với sừng tê sang chầu, dâng biểu tạ tội rằng bọn quan dân của thần nó phản kháng đám quan biên trấn ngạo ngược, nó tự nổi lên chống lại, thần cản lại nhưng chúng nó không nghe; vậy là thần có tội. Rồi khi Lý Thường Kiệt bị nhà Tống hận vì ông đã đánh cho họ tan tác, họ đòi vua phải chém ông để tạ tội với thiên triều. Vua đồng ý cốt cho sứ về nước, nhưng rồi chỉ giáng ông đi trấn thủ Thanh Hóa, vẫn giữ nguyên bổng lộc, vậy là yên; vừa giữ thể diện được cho nước lớn, vừa không mất lòng trung/ công thần.

Có thể nói, Lý Thái tổ là bậc Thánh, là Tập Đại Thành của văn hóa Đại Việt.

- Tôi thấy đúng. Còn Đức Thánh Trần?

 - Trần Quốc Tuấn cũng là một Tập Đại Thành văn hóa Đại Việt. Một trang tuấn kiệt nức tiếng kinh thành mà trên kính dưới nhường, là con vương cháu đế mà không mắc tính ăn chơi, từ tấm bé đã học giỏi cả văn lẫn võ, 20 tuổi đã hiểu tường tận các binh thư của Trung Nguyên. Sau này chính ông sẽ soạn bộ Vạn Kiếp tông bí truyền thư (bị thất lạc).Toát yếu tinh hoa của Người có lẽ đã được danh tướng Trần Khánh Dư đúc thành mấy lời trong lời tựa: “Người giỏi cầm quân thì không phải bầy trận, người giỏi bầy trận thì không phải đánh, giỏi đánh thì không thua, giỏi thua thì không chết…”

- Hỡi ôi! Không có dù chỉ một chữ thắng, càng xa lạ với các tính từ anh hùng, vô địch như về sau này. Ba lần đánh tan bọn đế quốc hung hãn nhất của thời đại mà binh thư không bàn đến chữ thắng, đủ thấy một nhân cách thượng thừa!

Cho nên mới nói tư tưởng của Đại Việt là khoan hòa, nhún nhường nghĩa là thật mềm; mềm mà quyết giữ nước cho bằng được, nghĩa là cứng cỏi và bất khuất nhưng lại biết cách nín nhịn để giấu đi. Không phải Thánh nhân không ứng xử được như vậy. Nhưng tiểu sử Trần Hưng Đạo còn cho biết một nét tính cách Đại Việt nữa. Cha ông, An Sinh vương Trần Liễu, là anh cả của Trần Cảnh. Không những không được chọn làm vua, lại còn bị đoạt vợ đang mang thai để gả cho Trần Cảnh, Trần Liễu mang quân bản bộ đánh lại triều đình. Bị Trần Thủ Độ đuổi gấp, Trần Cảnh nhảy vào thuyền vua (em), Trần Cảnh lấy thân mình che cho anh khỏi đà kiếm của chú ruột, rồi ôm nhau cùng khóc…

Còn Bác Hồ, người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nền cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam, Đông Bắc Á. Nhân dân cũng đã nhiều người gọi Người là Thánh, nhưng như tôi biết thì chưa có nhà văn nhà sử học nào chính thức gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đức Thánh Hồ, như ông?

- Về Bác Hồ, thiết nghĩ không cần biện giải gì nhiều, mọi chứng nhân lịch sử còn đó; tư tưởng và công đức của Người, phi bậc Thánh nhân không ai làm được. Nhưng vấn đề ở chỗ, lọc hết mọi những lý thuyết hiện đại, Người vẫn lại là Tập Đại Thành của Văn hóa Đại Việt như hai bậc tiên hiền mà chúng ta vừa nói. Ví dụ, tư tưởng chiến tranh nhân dân của Người chính là kết tinh của tư tưởng thân dân của Lý Công Uẩn, của binh pháp bỏ thành không kho rỗng cho giặc mà chạy về với dân của Trần Hưng Đạo, đúng hơn là của nhà Trần. Ngay một lời hiệu triệu - kêu gọi toàn dân kháng chiến, (gọi là kháng chiến, không gọi là chiến tranh) cũng bắt đầu bằng câu: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…” Xin nhớ, thực dân Pháp chứ không nói Chính phủ Pháp, như xưa vua Lý gọi tướng giặc là bọn quan biên trấn vậy thôi. Mạch văn vừa giữ thể diện cho nước lớn, vừa dành sẵn cửa cho giải pháp hòa bình, vừa hô hoán với toàn thể nhân loại rằng nó đang ức hiếp nước tôi quá đáng, buộc chúng tôi phải đánh lại còn dân tộc tôi vốn yêu chuộng hòa bình. Văn hóa Đại Hán ư? Mỗi khi muốn phát động chiến tranh, ai bàn ngang lập tức chém đầu tế cờ trong lễ xuất quân! Với Người Mỹ cũng vậy, tư tưởng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, lại có thể còn rải thảm cho Mỹ rút quân, chính là cách giữ thể diện cho nước lớn vậy. Người thì lo đánh xong là xong, Thánh nhân thì biết đánh nhau xong rồi thì vẫn còn phải bang giao, còn làm ăn buôn bán, năm 1947 chính Người đã cử ông Hoàng Minh Giám làm trưởng phái đoàn Đàm phán Thương mại Việt Mỹ. Nếu cơ trời vận nước đến, và nếu các học trò của Người hiểu thấu ý tứ của Người; thì ông Trương Đình Tuyển, ông Vũ Khoan đã chẳng phải khó nhọc đến thế.

Nhưng cái thế nước trứng để đầu đẳng vào năm 1945 – 46 mới là chỗ hiển lộ thiên tài chính trị của Đức Thánh Hồ.

- Vâng, quả là chỉ với 5.000 đảng viên, nếu tất cả mang súng ra trận thì không thể đủ súng; đủ súng đạn rồi thì thực lực vẫn còn chưa bằng tổng số lính canh nơi các công đường. Nếu vận dụng lý luận “súng đẻ ra chính quyền” thì có thể vẫn thắng, nhưng bao nhiêu xương máu dân sẽ đổ?

- Cho nên, Người mới thành lập Việt Minh, giao cho Trần Huy Liệu làm Tổng bộ (Tổng bí thư) – giao cho người từng là đảng viên Quốc dân Đảng là Người có chủ ý sâu xa. Người mới thành lập Chính phủ Lâm thời với đa số là các chí sỹ, đảng hoặc không đảng phái: Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, đảng viên Đảng Dân chủ Ung Văn Khiêm, Cù Huy Cận, Chủ tịch Đảng Xã hội Nguyễn Xiển, lại dành hẳn 70 ghế Quốc hội (không bầu) cho Quốc dân Đảng với đằng sau lưng họ là nhiều vạn quân Tầu Tưởng lăm le tư tưởng Đại Hán. Khi từ Tân Trào về Hà Nội, Người ở nhà ông tư sản Trịnh Văn Bô mà viết Tuyên ngôn. Ứng xử ấy làm nức lòng sỹ khí của dân, của trí thức và nhất là những công dân giầu có từng nghe nói về chủ nghĩa Cộng sản Stalin với ít nhiều hoang mang lo sợ. Ứng xử như thế, vừa có tiền cho kháng chiến, vừa tập hợp lòng người. Đặc biệt là khi sang Pháp để tìm kiếm hòa bình cho nền cộng hòa còn trứng nước, Người đã trao quyền Chủ tịch Nước cho cụ Huỳnh, giao ấn kiếm, giao cẩm nang và chỉ dặn một câu “Dĩ bất biến ứng vạn biến” nghĩa là giao toàn quyền.  

- Hỡi ôi! Lòng tin ấy vượt lên trên mọi định kiến, mọi lề luật của người đời, có thể gợi nhớ vua Lý Thánh Tông giao quyền nhiếp chính cho Nguyên phi Ỷ Lan lý lịch chưa rõ ràng mà đi đánh Chiêm Thành.

- Không phải người đời thì ắt là Thánh nhân vậy. Giữ được kế hòa hoãn với Pháp, Tầu Tưởng mới do dự trong thế lộng hành, kẻ chính trị non vốn mới vu cho Người thỏa hiệp với Pháp khi chính Pháp là nước duy nhất công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tính từ đó đến mãi tận năm 1950. Khi hết thời gian 3 tháng là khách của Chính phủ Pháp, Người còn nán lại Paris để vận động chính trường quốc tế, vận động Việt kiều toàn những bậc tài giỏi về với cố quốc.

- Tôi nhớ, Bác Hồ có đến ở nhà ông Âu – brac, một đại trí thức Pháp đấu tranh cho Tự do. Chính ông này về sau đã vận động Vatican kiên quyết đòi Mỹ rút ra khỏi Việt Nam và cũng chính ông mang các thông điệp hòa đàm của Lyndon Johnson đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng câu chuyện đã dài, ông chỉ uống có hai chai bia, cũng không dám phiền ông nữa. Xin hỏi một câu cuối cùng, những thông điệp nào sẽ được gửi đến cho một nghìn năm sau, trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội?

- Văn hóa Đại Việt. Đó chính là cái bất biến mà Đức Thánh Hồ giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và tin rằng, nó sẽ ứng phó với vạn biến thiên của thời vận, của chính trị lẫn kinh tế, của giáo dục văn hóa với đạo lý làm Người.

- Xin cảm ơn nhà văn. Xin kính chúc Ngày lễ lớn 2/9 và 10 ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội do ông thiết kế sẽ mưa nắng thuận hòa.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm