| Hotline: 0983.970.780

Nguyễn Quang Sáng& Dòng sông thơ ấu

Thứ Sáu 12/02/2010 , 08:46 (GMT+7)

Dòng sông thơ ấu của lão nhà văn Nam Bộ là nguyên mẫu dòng sông Tiền chảy qua làng Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang. Từ ngày ông viết văn thì dòng sông cũng trở thành một dạng nhân vật.

Tôi gọi điện cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng bày tỏ ý định muốn thực hiện một bài phỏng vấn. Ông bảo: “Thôi, mày tha cho tao. Năm nay tao tám chục rồi. Mày thiếu gì đề tài, viết về tao chi cho mang tiếng gà què ăn quẩn cối xay!”.

Tôi sực nhớ lão nhà văn Nam bộ này sinh ngày 12/1/1932 nhưng vẫn thuộc năm Tân Mùi, nên đến Tết Canh Dần thì đã tròn 80 cái xuân xanh. Tôi nài nỉ: “Đây là bài do tòa soạn giao, không hoàn thành có khi rách việc!”. Lập tức ông đổi giọng: “Bị giao thiệt không? Quan trọng thiệt không? Mà tao nói có ai thèm nghe không mà nói?”.

Tôi thêm tí lửa nhiệt huyết: “Ông là bậc trưởng thượng trong giới cầm bút, sức ảnh hưởng lớn lắm!”. Cá tính Nguyễn Quang Sáng lập tức xuất hiện theo kiểu… Nguyễn Quang Sáng: “Mày học thói mồm mép màu mè hồi nào dzậy? Được rồi, tao cứ nói tào lao, còn mày muốn viết sao thì viết!”

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bắt đầu câu chuyện bằng một sự giao kèo: “Tao bây giờ già rồi, nhớ nhớ quên quên lẫn lộn. Tao già, tao có quyền ra luật lệ. Chỗ nào xưng “tui” thì tính, còn chỗ nào xưng “tao” thì coi như nói chơi, không được đưa lên báo!”. Tôi chấp thuận: “OK”. 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Thưa nhà văn Nguyễn Quang Sáng, vừa rồi tôi có đọc lại cuốn Dòng sông thơ ấu của ông. Nói thật nhé, trong 4 tiểu thuyết của ông, thì Dòng sông thơ ấu không thể nào so được với Nhật ký người ở lại, Đất lửaMùa gió chướng. Thế nhưng, tôi lại thích Dòng sông thơ ấu vì cái không khí của dòng sông, ông ạ!

Đó là nguyên mẫu dòng sông Tiền chảy qua làng Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang của tui. Năm 14 tuổi, tui ra khỏi nhà, đi theo cách mạng, và từ ngày tui viết văn thì dòng sông cũng trở thành một dạng nhân vật.

Bao trùm lên Dòng sông thơ ấu là tính sử thi những ngày hào hùng tháng 8/1945 nhưng hồn vía tiểu thuyết lại là nếp ăn, nếp ở của con người sống bên dòng sông. Có nhiều trang miêu tả tỉ mỉ và tinh tế như một cuốn sách phong tục đấy! Nhân vật hay nhất trong Dòng sông thơ ấu không phải là Hai Quang hay Tư Ghe mà là bác Hai Thợ Bạc..

Ha…ha…ha… Dĩ nhiên, làng Mỹ Nghiệp của tui có nghề thợ bạc mà. Bức tranh quê hương trong tiểu thuyết sở dĩ sinh động vì đều là những hồi ức có thật. Tui theo kháng chiến 30 năm, mỗi khi nghe trên thế giới có dòng sông cạn thì tui lại nghĩ không biết dòng sông bên nhà mình ra sao. Dòng sông thời nhỏ của tui trải qua hai cuộc chiến tranh vẫn tràn trề sức sống. Ban đầu, tui viết dòng sông đó trong Đất lửa, Nguyễn Tuân chê “hiền quá”. Sau ngày miền Nam giải phóng, tui đưa Nguyễn Tuân về ngồi nhậu trước nhà tui ngó ra dòng sông. Chỉ nghe loáng thoáng vài câu chuyện sông nước thôi, Nguyễn Tuân đã nhắc: “Dòng sông là nguồn cảm hứng của văn chương Nam bộ đấy, viết tiếp đi!”. Tui nghe lời, năm 1980 tui viết những chữ mở đầu tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu.

Ngoài giá trị văn chương, dòng sông luôn tác động trực tiếp đến tính cách con người cũng như tạo nên truyền thống vùng miền nhỉ?

Lúc tóc chỉ mới có một chỏm trên đầu, tui đã nhảy xuống sông để tập bơi lặn ngụp như con rái cá. Rồi chiến tranh, tui lại tập bơi nhẹ nhàng để không tạo sóng, khỏi bị địch phát hiện. Dòng sông bồi đắp con người dữ lắm. Chỉ một cái cù lao Giêng nằm giữa sông Tiền đã sinh ra chí sĩ Ung Văn Khiêm, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch và nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Trong một lần cùng với tui đi về quê Chợ Mới, Hoàng Hiệp đã viết Trở về dòng sông tuổi thơ là tả dòng sông Tiền của tụi tui: “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà, con sông quê gắn bó suốt tuổi thơ đời tôi…”

Ông có buồn không, nếu tôi thưa thật rằng, vẻ đẹp của sông Tiền trong Dòng sông thơ ấu hiện nay không còn được bao nhiêu…

Đúng! Tính từ cột mốc tui xa sông Tiền là năm 1946, thì 30 năm sau tui quay lại thấy không còn xe ngựa, và 20 năm sau nữa thì không dễ gì kiếm được cá tôm ngay dòng sông trước mặt nhà. Ngày xưa về quê muốn nhậu, nhảy ùm xuống sông, không cá lớn thì cũng có cá bé. Môi trường ô nhiễm rồi, bây giờ không ai còn dám lấy nước sông để nấu ăn nữa. Tôi sợ đến một ngày, người dân quê không còn dám tắm sông nữa.

Các dòng sông đang thay đổi vì hệ quả của biến đổi khí hậu…

Khoảng năm 2000, sau một chuyến đi đồng bằng sông Cửu Long, ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) gặp tui có tỏ ra lo ngại về sự tàn phá thiên nhiên gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan và sức khỏe người dân. Tui thử tìm hiểu và sửng sốt vì nhiều người dân sống hai bên bờ sông bị bệnh ung thư. Đáng báo động quá chớ!

So với thời ông viết Dòng sông thơ ấu thì mực nước sông hôm nay có gì khác biệt không?

Khác biệt nhiều lắm. Ví dụ, cái dòng sông Tiền bên này là An Giang bên kia là Đồng Tháp, mỗi năm đều có một mùa nước nổi, nhưng bây giờ khái niệm “mùa nước nổi” đang trở nên mơ hồ. Đúng ra, theo âm lịch, tháng sáu nước quay, tháng bảy nước nhảy lên bờ, rằm tháng chín thì nước chan đồng, sau đó thì nước rút.

Nghĩa là không chỉ Dòng sông thơ ấu đã xa xôi, mà ngay cả hai kịch bản phim Mùa nước nổi Dòng sông hát của ông muốn dàn dựng lại cũng khó!

Muốn ngắm một dòng sông, muốn yêu một dòng sông mà chỉ có thể tìm thấy trong văn học hay trong điện ảnh thì mỗi người phải hỏi lại chính mình, có phải chúng ta đang gây ra tội ác cho thế hệ sau không!

Sự lo lắng về dòng sông của ông khiến tôi liên tưởng đến nhân vật bác Hai Thợ Bạc trong Dòng sông thơ ấu thường hay mượn dòng sông để ví von: “Nỗi nhớ của con người có lúc nó nằm yên rồi chợt gặp một dáng đi, giọng nói của ai đó, hoặc gặp một bài hát mà nó hay hát, nỗi nhớ lại dâng lên cuồn cuộn như sóng. Và kỷ niệm như những con thuyền trăn trở không yên. Nỗi nhớ như con sông vẫn chảy mãi trong đời người”. Thời ấy, ông viết những câu văn thật đẹp!

Vì sông Tiền thời đó thực sự rất hùng vĩ, rất đẹp!

Ông tiếp tục cứu vãn vẻ đẹp dòng sông ấy bằng cách… viết văn?

Thì tui là nhà văn, không viết văn thì biết làm gì?

Ngoài thời gian viết văn là… nhậu?

Giỡn mậy! Tao dạo này siêng tập thể dục lắm, để còn sức khỏe lặn lội 180 cây số về thăm lại dòng sông thơ ấu của tao ở làng Mỹ Luông chớ!

(Câu cuối cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng xưng “tao”, theo đề nghị của ông đáng lẽ “coi như nói chơi”, nhưng tôi xin “ăn gian” đưa vào đây để kết thúc bài viết này!) 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm