| Hotline: 0983.970.780

Nhạc Trịnh - Cafeteria (Tiếp theo& hết)

Thứ Sáu 01/04/2011 , 08:15 (GMT+7)

NNVN đã có cuộc trò chuyện với hai gương mặt tiêu biểu hát “phủi” chốn Thủ đô, một là Nguyệt Ca và một MC quen mặt của truyền hình, Nguyễn Hữu Chiến Thắng...

Ca sĩ "phủi" Nguyệt Ca
Trong dòng chảy của nhạc Trịnh - Cafeteria, có nhiều thế hệ ca sĩ vô danh đã đến và đi, gặp gỡ, giao lưu để “nương theo lời ca, gặp những tâm hồn đồng điệu”. NNVN đã có cuộc trò chuyện với hai gương mặt tiêu biểu hát “phủi” chốn Thủ đô, một là giáo viên tiếng Anh – Bạch Thùy Linh (nghệ danh phòng trà: Nguyệt Ca) và một MC quen mặt của truyền hình, Nguyễn Hữu Chiến Thắng, họ là những giọng ca được nhiều khán giả phòng trà, cà phê yêu mến khi nói về nhạc Trịnh. 

>> Nhạc Trịnh - Cafeteria

Anh/chị thấy nhạc Trịnh vang lên ở đâu là hay nhất và những trải nghiệm về nhạc Trịnh?

Nguyệt Ca (NC): Người giàu thì vào Nhà hát Lớn sang trọng. Người trầm lắng thì thích nghe nhạc Trịnh ở nhà, một mình. Nhưng có lẽ đa số người nghe nhạc Trịnh đều phải công nhận một điều rằng, nơi nhạc Trịnh vang lên hay nhất chính là “vỉa hè”, một nơi bình dị nhất, với những giọng ca nghiệp dư và một cây guitar gỗ. Tôi từng được nghe nhạc Trịnh từ những bác xích lô, lái taxi, từ chị bán hàng ngoài chợ. Trong một lúc hứng lên, họ cất lên những câu hát vu vơ, mà phần lớn là sai về lời hoặc nhạc.

Khánh Ly là một huyền thoại. Ngoài ra, Trịnh Vĩnh Trinh hay Thái Hòa cũng là những giọng ca hát nhạc Trịnh thành công, bởi họ không chỉ đam mê nhạc Trịnh và chỉ hát nhạc Trịnh, mà còn có cơ hội là người thân, người gần gũi Trịnh Công Sơn khi ông còn sống, nên họ cảm được ca từ cũng như tinh thần Trịnh hơn bất kì ai. Để chọn một bài hát giới thiệu cho mọi người, có lẽ phải kể đến “Để gió cuốn đi”, với tinh thần nhân văn thấm đẫm.

Nguyễn Hữu Chiến Thắng (NHCT): Khi vui hay khi buồn tôi đều tìm thấy những niền vui, nỗi buồn của mình trong nhạc Trịnh Công Sơn. Khi vui, nhạc Trịnh làm niềm vui của tôi đằm hơn. Khi buồn, nhạc Trịnh khiến nỗi buồn của tôi được an ủi. Nói tóm lại, với nhạc Trịnh, tôi thấy đời đáng sống hơn và vì thế tôi yêu đời sống này hơn. Những giai điệu nhạc Trịnh văng vẳng trong tâm thức của mình, trong tâm hồn, trong trái tim người Việt Nam, đó là nơi nhạc Trịnh vang lên hay nhất.

Mỗi người Việt Nam đều sở hữu một hình ảnh Trịnh Công Sơn của riêng mình, ai hát cũng có cái hay riêng của mình, chỉ chừng đó thôi ta có thể thấy nhạc Trịnh Công Sơn phủ bóng rộng rãi đến nhường nào trong cuộc đời này. Làm sao tôi có thể nói được tôi yêu thích bài nào nhất. Bởi mỗi một thời đoạn của cuộc đời mình tôi đều tìm thấy những điều tâm đắc trong nhạc Trịnh Công Sơn.

Anh/chị được xem là người hát “phủi”, có khi nào anh/chị nghĩ, dùng nhạc Trịnh để tiến thân, kiếm tiền?

NC: Tôi hầu như chưa bao giờ được trả cát-xê khi hát nhạc Trịnh, thậm chí còn phải tự bỏ tiền túi ra “bù lỗ” cho việc tổ chức chương trình hay các chi phí đi lại, liên lạc khác, vì bản thân tôi không coi mình là một ca sĩ. Ban đầu, tôi đến với nhạc Trịnh với tư cách một người mê nghe nhạc. Chín năm trước, tôi hát nhạc Trịnh bằng tâm thế của cô thiếu nữ 17 tuổi sớm già dặn, ưu tư hơn các bạn cùng lứa, nhưng vẫn không thoát khỏi sự trong trẻo hồn nhiên của tuổi. Thời gian qua đi, hát nhạc Trịnh với tôi như duyên số. Vậy thì làm sao tính toán được thiệt, hơn? 

NHCT: Tôi chưa bao giờ vỗ ngực mình là một ca sỹ. Tôi chỉ biết yêu việc ca hát như yêu một niềm xác tín. Tôi chỉ muốn được nương theo những lời ca của ông TCS vào đời để gặp những tâm hồn đồng điệu. Cũng bởi tôi không lo mưu sinh bằng nghề hát nên tôi có cơ hội không lựa chọn âm nhạc làm con đường tiến thân.

Điều gì làm những người hát “phủi” luôn hấp dẫn, khiến khán giả kéo đến chật các phòng trà?

NC: Giữa ca sĩ chuyên nghiệp và ca sĩ “phủi”, điểm khác biệt duy nhất là ở kĩ thuật thanh nhạc. Nhưng ở môn nghệ thuật nào cũng vậy, kĩ thuật chỉ là công cụ giúp ta truyền tải tốt hơn tinh thần tác phẩm chứ không phải là tất cả. Nhạc Trịnh được đồng cảm nhất là khi tiếng hát ấy được cất lên từ trái tim, và khi ấy, những khiếm khuyết về thanh nhạc lại được xếp hàng thứ yếu. Thử nghĩ, một đêm mưa buồn lạnh, chui vào một căn quán nhỏ, dựa lưng vào tường, nhâm nhi tách trà nóng, chia sẻ những tâm sự gửi gắm trong nhạc Trịnh qua một giọng ca chông chênh nhưng lại đầy tâm trạng, với tiếng guitar nhỏ đều, tự nhiên thấy mình đang trôi ở một cõi mênh mông nào đấy và được chia sẻ rất nhiều.

 NHCT: Tôi và những người hát “phủi” lại chọn cách hát cho mình nhưng dù thế nào thì cũng không thể bước qua được cái bóng mà Trịnh Công Sơn rải xuống cuộc đời này đâu. Đã đứng chung trong một cái bóng để cùng hát thì mọi so sánh đều là khập khiễng, huống hồ là đặt một người hát vô danh như tôi bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng thì quả thật tôi rất xấu hổ. Còn nếu được khán giả hằng đêm vẫn tới phòng trà để nghe những người vô danh như tôi hát nhạc Trịnh Công Sơn thì đó là ân huệ.

Anh/chị nhớ nhất câu nói nào, khán giả đã giành tặng cho mình?

NC: Cái tôi thường nhận được, là những cái ôm, nắm tay khe khẽ bằng ánh mắt ấm áp của các cô chú, các bác trung và lớn tuổi. Họ chỉ khẽ nói: “Cám ơn con”, vậy là đủ.

NHCT: Có khán giả nói với tôi rằng: “Không ngờ anh biết hát". Đối với tôi hai chữ “biết hát” là một lời khen tặng vô giá.

1/4 này, anh/chị hát ở đâu, chương trình gì?

NC:  Đó là một đêm nhạc Trịnh theo phong cách jazz nhẹ nhàng, có tên “Ca khúc Jazz vàng”, tổ chức vào đêm thứ Bảy ngày 2/4 tại phòng trà MF, Hà Nội. Ekip chúng tôi gồm tôi, nhà báo/ca sĩ Khôi Minh và nghệ sĩ piano Jazz Khang Nhi sẽ cố gắng đem đến cho khán giả những cảm nhận mới của một dòng nhạc không bao giờ cũ.

Tôi cũng bắt đầu làm Radio online để lưu giữ những tư liệu về Trịnh (các tản văn, tùy bút của Trịnh, các bài viết về nhạc Trịnh của nhiều tác giả khác nhau) dưới dạng audio để 5, 10 năm nữa khi công nghệ phát triển, khi người ta mất đi thói quen đọc sách giấy hay thậm chí chẳng có thời gian đọc trên internet, thì audio book biết đâu lại là một con đường tiếp cận mới.

 NHCT: Mùng 1/4 này tôi không hát mà sẽ chuẩn bị để tham gia vào chương trình của nữ ca sỹ Ánh Tuyết hát nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Có một ngày như thế” với vai trò là một MC và một vocalist. Hai đêm tại Hà Nội và sau đó chúng tôi sẽ có một tour diễn xuyên Việt, đó là một món quà hạnh phúc dành cho một người như tôi. 

Dành 1 lời tri ân tới nhạc Trịnh, anh/chị sẽ nói gì?

NC: Nhạc Trịnh đã cho tôi quá nhiều. Cho tôi sự sẻ chia khi tôi vui – buồn, cho tôi những người bạn tri kỉ cùng đam mê, cho tôi cơ hội được thể hiện và khám phá bản thân mình. Nhạc Trịnh còn cho tôi tình yêu, từ bạn bè, khán giả, và đặc biệt từ người bạn đời đã đến và đồng hành với tôi nhờ nhạc Trịnh.

NHCT: Nếu để cảm ơn ông Trịnh Công Sơn thì một lời cũng là thừa và 1.000 lời cũng là thiếu. Ông Trịnh Công Sơn đã hơn một lần tạ ơn đời đã cho ông được sống, được yêu và được viết lên những dòng nhạc cho những người Việt Nam còn mãi yêu thương nhau và mãi yêu thương đời. (Hết)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất