| Hotline: 0983.970.780

Những “vòng tay lớn” trên biển

Thứ Tư 08/06/2011 , 10:25 (GMT+7)

Trước bối cảnh bị tàu cá Trung Quốc hiếp đáp như hiện nay, ngư dân Bình Định nhận ra mô hình liên kết chính là sức mạnh.

Tàu tuần tra của Chi cục BVNL thủy sản cà Bộ đội Biên phòng Bình Định sẵn sàng bảo vệ ngư dân

Trước bối cảnh bị tàu cá Trung Quốc hiếp đáp như hiện nay, ngư dân Bình Định nhận ra mô hình liên kết chính là sức mạnh. Sức mạnh này không chỉ giúp ngư dân tiết giảm được chi phí, tăng hiệu quả kinh tế; hạn chế được rủi ro trên biển mà còn là  “vòng tay lớn” tạo ra tổng lực giữ vững ngư trường trước sự lấn chiếm lãnh hải của tàu cá Trung Quốc.

Nhỏ lẻ, lắm rủi ro

Nhiều ngư dân lão thành ở Bình Định cho biết, trước đây cách đánh bắt truyền thống của các tàu cá tại địa phương là mạnh ai nấy tìm ngư trường. Gặp luồng cá lớn là lặng lẽ làm, không chia sẻ thông tin, không gọi tàu bạn. Với cách làm này, nếu tàu nào “vào cầu” là “trúng to” bởi chẳng có tàu khác tranh giành luồng cá. Thế nhưng cũng có không ít trường hợp khi gặp rủi ro trên biển đành chịu cảnh đơn độc. Biển trời mênh mông, sức chống chọi của con người có hạn, vì thế không ít rủi ro đã xảy ra.

Ngư dân Nguyễn Văn Việt (1954) ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn-Bình Định) kể lại những bất lợi trong cách hoạt động trước đây của ngư dân: “Nghề đi biển là nghề kiếm ăn trên đầu sóng ngọn gió nên thiên tai ập đến lúc nào không ai có thể lường được. Với cách làm ăn riêng lẻ, ngư dân chẳng mấy ai có ý thức cộng đồng, sẵn lòng giúp nhau khi tàu bạn gặp nạn. Mục tiêu của họ là khoang tàu của mình có đầy cá. Gặp tàu bị nạn, nếu không phải là người thân trong gia đình chưa chắc họ đã chịu dừng chuyến biển để giúp nhau”.

Lặng đi một chặp, ông Việt nhớ lại những chuyện buồn đã qua: “Vào mùa đông năm 2010, trong lúc chiếc tàu của tôi (số hiệu BĐ 91017 TS) đang đánh bắt tại vùng biển Trường Sa thì nhận được hiệu tín cấp cứu từ 1 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vừa bị tàu cá Trung Quốc đâm thủng tại 1 vùng biển cách nơi tàu tôi đang hoạt động gần 300 hải lý. Vì đang ở quá xa nên không thể đến cứu tàu bạn, qua bộ đàm tôi kêu gọi những tàu khác đang đánh bắt ở vùng biển gần đó nhưng ai cũng hoạt động đơn lẻ nên không đến kịp. Cũng may sau đó được sự trợ giúp kịp thời của Hải quân Việt Nam, nếu không thì mười mấy con người trên tàu kể như theo hà bá. Rồi mới đây, vào tháng giêng năm nay, 1 tàu cá của ngư dân Bình Định bị tàu cá Trung Quốc đâm thủng tại vùng biển Đông Trường Sa, các tàu bạn phải vất vả mãi mới đến trợ giúp được nhưng chỉ cứu được người, con tàu gặp nạn đành bó tay”.

Liên kết, bớt bị ăn hiếp

Thế nhưng từ khi Bình Định thành lập những “Tổ cộng đồng khai thác thủy sản”, ngư dân đã biết chung tay giúp nhau trên biển trong những trường hợp lao động bị bệnh, tàu bị hư hỏng máy móc giữa biển. Ngoài ra, những con tàu thành viên trong tổ còn chia nhau trách nhiệm vào bờ để bán sản phẩm chung cho cả tổ, đội tránh để lâu ngày lênh đênh trên biển cá sẽ bị kém chất lượng, bán giá thấp. Còn tàu cập bờ sẽ có trách nhiệm mang ra cung ứng đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết của những tàu còn ngoài khơi. Cách làm này đã làm giảm rủi ro của ngư dân trên biển, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Đặc biệt, khi hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân đã mang tính cộng đồng thì sức mạnh tập thể được hình thành, có thể đối phó với mọi rủi ro, nhất là tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu cá Trung Quốc uy hiếp để tranh giành ngư trường như hiện nay.

Ngư dân Lê Reo, chủ tàu BĐ 95627 TS và là tổ trưởng một tổ liên kết ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn-Bình Định) cho biết: “Tàu cá của Trung Quốc to lắm, hầu hết là tàu sắt, còn tàu cá của mình toàn tàu gỗ nên khi bị uy hiếp thường lép vế. Thế nhưng khi chúng tôi thành lập tổ liên kết, khi đánh bắt phải giữ cự ly gần để sẵn sàng hỗ trợ. Khi tàu bạn bị tàu cá Trung Quốc đuổi bắt, chúng tôi đồng loạt lên máy bộ đàm thông tin cho nhau, mạnh miệng khẳng định trên bộ đàm rằng chúng tôi đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ cho tàu bạn đang bị uy hiếp. Thấy có sự đoàn kết, các tàu cá Trung Quốc cũng dè chừng, bớt manh động hơn”.

Ngư dân Nguyễn Văn Việt: “Được sự hỗ trợ của các cấp ngành chức năng và với sự đoàn kết chặt chẽ của cộng đồng, ngư dân chúng tôi quyết không rời biển dù trước áp lực nào. Chúng tôi đã vào giai đoạn cuối của vụ cá Bắc, vụ chính trong mùa đánh bắt cá ngừ đại dương. Sau khi tu bổ lại tàu thuyền chúng tôi sẽ lại ra khơi với mùa cá Nam, kéo dài đến tháng 10 ÂL”.

Ngư dân Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: “Tàu cá Trung Quốc nhiều khi xâm lấn vào vùng biển Việt Nam cả trăm hải lý, chủ yếu họ làm nghề mành chụp đánh bắt mực xà với các phương tiện khai thác rất hiện đại. Mỗi khi tàu cá Trung Quốc lên đèn, cách xa 20-30 hải lý chúng tôi vẫn nhìn thấy ánh điện sáng choang. Trong khi đó ngư dân Việt Nam chỉ câu mực xà bằng thuyền thúng nên hầu như bị mất đứt nguồn thu nhập”.

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định cho biết: “Cách đây 1 năm, Bình Định đã sớm triển khai thực hiện 6 mô hình các tổ, đội hợp tác, liên kết trong khai thác, đánh bắt thủy sản tại huyện Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn. Các tổ, đội này được Nhà nước trang bị các phương tiện, trang thiết bị thông tin hiện đại nhằm giúp việc khai thác, đánh bắt thủy sản có hiệu quả đồng thời có thể hỗ trợ, ứng cứu lẫn nhau khi gặp các tình huống xấu do thời tiết hoặc bị tàu cá Trung Quốc gây bất lợi. Hiện Bình Định đang tiếp tục nhân rộng các mô hình tổ, đội đoàn kết, liên kết trong khai thác thủy sản, tăng cường hỗ trợ các thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh, máy định vị, thiết bị Icom… cho các ngư dân”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm