| Hotline: 0983.970.780

Nơi cho tôi cái nghề

Thứ Hai 07/12/2015 , 06:13 (GMT+7)

Tôi vốn làm văn nghệ, ít dịch chuyển, cuộc sống mơ mơ màng màng đã quen, khi chuyển sang làm báo phải cọ xát thực tế hằng ngày là bước ngoặt lớn.

Đã thế, 40 tuổi mới bắt đầu làm báo, lại chẳng được học hành bài bản, tác nghiệp với tư thế không chính danh nên càng bị trở ngại.

Tờ báo tôi đầu quân là Nông nghiệp Việt Nam, hết ra đồng đến lên rừng, xuống biển, di chuyển đến “chóng mặt”, cứ ngỡ mình sẽ không kham nổi.

Thế nhưng sự trợ giúp nhiệt tình của anh em trong cơ quan như một động lực “bẩy” tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó tôi đã gắn bó với tờ báo "tam nông" đến nay đã hơn 15 năm.

Tôi có thể nói mà không ngượng miệng rằng, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã cho tôi cái nghề. Chân ướt chân ráo vào làng báo, làm anh “nhà báo không thẻ” đi tác nghiệp chẳng dễ dàng gì, nhất là khi đi làm bài điều tra.

Gặp cơ sở xởi lởi, trình cái giấy giới thiệu của cơ quan cũng có thể làm việc; gặp địa phương “căng thẳng”, không thẻ nhà báo coi như không có thông tin.

Tôi nghĩ, để khắc phục hạn chế này, trước tiên mình phải tự cứu mình. Cách “tự cứu mình” của tôi là phải đi nhiều, viết nhiều, cố gắng tìm những đề tài nóng, đề tài xã hội đang quan tâm để “quen thuộc hóa” cái tên mình với người đọc, với cơ sở.

Bí đề tài, anh em tòa soạn gọi điện định hướng, lại đi, lại viết. Báo Nông nghiệp Việt Nam phát hành khá rộng rãi, bạn đọc thường xuyên thấy tên tôi trên báo, thành quen, chuyện tác nghiệp của tôi coi như phần nào được gỡ khó.

Nhưng nếu Nông nghiệp Việt Nam không phải là tờ báo chịu đăng những vấn đề “gai góc”, và là tờ báo có hiệu ứng xã hội tốt thì chưa chắc tôi đã làm được gì.

Xin kể vài chuyện để minh chứng. Lần ấy tôi về 1 xã khu Đông thuộc huyện Tuy Phước (Bình Định), đúng vào thời điểm xã này tổ chức đấu giá diện tích đất ruộng nhiễm mặn năng suất thấp, chuyển sang làm hồ nuôi tôm.

Khi ấy nghề nuôi tôm đang ăn nên làm ra, nên dù xã này tổ chức đấu giá công khai nhưng đó chỉ là hình thức, nội tình đã sắp sẵn, cuối cùng diện tích này đã thuộc về ông Bí thư và Chủ tịch xã.

Tôi thu thập thông tin, viết bài nêu sự bất công. Bài đăng, chỉ 2 ngày sau Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bình Định điều tra làm rõ, xử lý. Vì chuyện này mà con đường “hoạn lộ” của 2 ông lãnh đạo xã nói trên bị “tắt”. Dân tình phấn khởi, mỗi khi nhắc đến chuyện này thường kèm theo tên tôi.

Hoặc như vào tháng 3/2010, tôi viết mấy bài phản ánh tình hình cảnh sát giao thông của tỉnh láng giềng với Bình Định chặn ngay cửa ngõ giáp ranh, không cho nông dân ở đây chở mía bán cho nhà máy đường Bình Định, buộc phải chở về bán cho nhà máy đường đóng tại địa phương, nếu kiên quyết chở đi thì phạt quá khổ, quá tải.

Dân kêu trời, vì nếu bán cho máy đường đóng tại địa phương thì giá thấp, lại bị trừ tạp chất nhiều nên chẳng còn lời lãi gì. Sau nhiều ngày “nằm vùng” tìm hiểu, tôi viết liền 2 bài. Nhà máy đường kia có văn bản phản hồi.

Lãnh đạo Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên Nguyễn Mạnh Thường (giờ là Tổng Biên tập báo) hỏi tôi chứng cứ có chắc không? Tôi báo cáo chắc. Thế là tôi được chỉ đạo viết tiếp.

Sau loạt bài đó, người trồng mía được “tháo gông”, mừng vô kể. Nông dân vui một, tôi vui mười, vì được lãnh đạo, được tòa soạn tin cậy...

Làm báo bao nhiêu năm nhưng lúc nào tôi cũng thấy “đói” đề tài, đề tài “độc” lại càng khao khát. Thời điểm ngư dân đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa thường bị tàu Trung Quốc hiếp đáp, hầu hết các báo đều khai thác mạnh đề tài này.

Thế nhưng qua theo dõi, tôi chưa thấy có phóng viên báo nào theo ngư dân ra biển dài ngày. Tôi nghĩ bụng, nên chăng mình làm 1 chuyến ra biển Đông cùng ngư dân ắt sẽ có loạt bài “độc”.

3142630849
Tác giả bên tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Trong cuộc họp định kỳ tại Văn phòng đại diện miền Trung-Tây Nguyên, tôi đề xuất ý kiến. Lãnh đạo văn phòng đồng ý cái rụp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi thực hiện chuyến công tác dài ngày. Tôi mừng rơn, về chuẩn bị tư trang, liên lạc với tàu cá hẹn ngày vươn khơi.

Ra đến biển Đông, có lẽ do háo hức quá nên dù sóng to gió lớn nhưng tôi không hề say sóng, chỉ đi lại không được vì đứng lên là cứ muốn ngã. 10 ngày đầu, muốn di chuyển trên tàu để tác nghiệp tôi phải… bò.

Nhưng tôi hăng hái lắm, mỗi ngày bám sát công việc của ngư dân để ghi nhận, chụp hình, tối đến tranh thủ trò chuyện với họ tìm hiểu tâm tư tình cảm.

Thế nhưng bước sang ngày thứ 11, sau 1 đêm vật vã với cơn bão số 3, mệt quá tôi ngủ thiếp đi. Qúa nửa đêm, những con sóng dữ đập vào mạn tàu đánh thức tôi dậy.

Lúc ấy, tôi rơi vào tâm trạng khủng hoảng rất khó tả, cái suy nghĩ không còn được đặt chân lên bờ, không còn được thấy người thân cứ bám riết lấy tôi.

Nỗi sợ ngày càng lớn khiến người tôi run lên. Đến khi thấy các ngư dân không chút dao động, vừa bình thản đùa vui vừa lèo lái con tàu vượt qua sóng gió, lòng tôi mới tìm lại chút bình yên.

Sau gần 1 tháng lênh đênh trên biển cả, ghé thăm các đảo tiền tiêu, tôi về bờ mang theo dạt dào vốn sống về biển. Chuyến đi này tôi thực hiện được loạt phóng sự 9 kỳ.

Tuy nhiên vẫn chưa nói hết những điều muốn nói. Đến bây giờ, mỗi khi đụng đến đề tài biển đảo, những cảm xúc cũ lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Hồi tưởng lại những kỷ niệm buồn vui trong quãng đời làm báo, lòng tôi cứ bồi hồi và thầm cám ơn Báo Nông nghiệp Việt Nam, vì chính tờ báo này đã cho tôi cái nghề, cho tôi những trải nghiệm quý báu mà không phải ai muốn cũng có được.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm