| Hotline: 0983.970.780

Nóng bỏng đất đai nông, lâm trường

Thứ Sáu 28/08/2015 , 07:35 (GMT+7)

Tình trạng giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, sử dụng sai mục đích vẫn còn diễn ra khá lộn xộn. 

* Sẽ xử lý biệt thự trong vườn quốc gia?

Có ý kiến lo ngại trước việc giao đất, cho thuê đất nông, lâm trường dài hạn đối với các Cty, tập đoàn kinh tế sẽ có những tác động lớn đến việc làm và đời sống nông thôn của không ít người nông dân vốn dĩ quen với lao động chân tay.

Đó là những nội dung nóng được hầu hết các ĐBQH đặt ra trong phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức sáng 27/8 tại Hà Nội.

Còn buông lỏng quản lý

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, qua giám sát của UBTVQH cho thấy việc sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh hiện nay còn nhiều tồn tại, bất cập. Đặc biệt là vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, tình trạng tranh chấp vi phạm quy định Luật Đất đai xảy ra phổ biến. Hiệu quả kinh tế tại các nông lâm trường sau khi đổi mới, sắp xếp thấp…

Báo cáo từ đoàn giám sát cho thấy, sau sắp xếp, số lao động giảm mạnh cả bộ máy quản lý và người lao động trực tiếp từ 68.578 người xuống 16.651 người năm 2012 (giảm 75,5%); trong đó lao động quản lý giảm 83%, lao động hợp đồng giảm 73%.

Đoàn giám sát khẳng định rằng: Nhiều Cty mới thực hiện việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp. Điều kiện để Cty phát huy tính tự chủ còn hạn chế, nhất là các Cty lâm nghiệp quản lý rừng sản xuất chủ yếu là rừng tự nhiên. Nhiều Cty lâm nghiệp chưa phân định rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích.

Đặc biệt, phần lớn đất và rừng các Cty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính và quy hoạch sử dụng đất. Các Cty không có và thiếu kinh phí đo đạc, lập bản đồ, lập hồ sơ ranh giới nên tỷ lệ đất được cấp giấy chứng nhận và chuyển sang ký hợp đồng thuê đất còn thấp; chưa giải quyết dứt điểm những vướng mắc về đất đai đã kéo dài nhiều năm.

Đáng chú ý là tình hình tranh chấp, lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật trong các Cty nông, lâm nghiệp diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tại địa bàn của các Cty lâm nghiệp quản lý rừng tự nhiên. Việc giao khoán đất rừng còn phức tạp, buông lỏng quản lý Nhà nước. Có tình trạng khoán trắng, người nhận khoán tự chuyển nhượng hợp đồng giao khoán, xây dựng nhà ở kiên cố trên đất giao khoán.

Đơn cử, trong giai đoạn 2004 – 2014, tỉnh Bình Phước có 56.225ha đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm. Có đơn vị như BQLRPH Bù Đăng gần như phần lớn diện tích được giao quản lý bị lấn chiếm với diện tích lên đến 26.362ha. Tỉnh Đắk Nông, diện tích rừng bị chặt phá tại: Cty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Tín 969ha; Cty Quảng Sơn 1.900ha; Cty ĐăkR Măng 1.610ha và 1.960ha rừng giao khoán bị chặt phá.

Hay như tỉnh Đăk Lăk có 19.286ha rừng bị tranh chấp, lấn chiếm chưa được giải quyết dứt điểm. Tỉnh Gia Lai có trên 51.000ha đất SXNN của người dân xen kẽ, lấn chiếm, tranh chấp trong các lâm trường…

“Tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, đâu phải cứ có tiền mới giải quyết được. Chúng ta vẫn nói sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Nếu cứ giao đất cho các doanh nghiệp, cho các Cty nông, lâm nghiệp như lâu nay tôi lo ngại sẽ xuất hiện một tầng lớp địa chủ mới làm bần cùng hóa người nông dân” – ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lo lắng.

Cũng theo đánh giá của đoàn giám sát thì còn nhiều Cty nông, lâm nghiệp chưa gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có 22,2% Cty hoạt động không hiệu quả, thua lỗ. Một số chính sách tài chính chưa phù hợp thực tế hoặc chưa được áp dụng theo quy định cũng làm giảm hiệu quả của việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.

Nông dân vẫn kêu thiếu đất SX

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu thực tế, trong số 13 triệu ha rừng hiện nay, diện tích rừng giao trực tiếp cho các hộ dân chỉ chiếm 26%, giao cho cộng đồng quản lý là 2%. Theo quy định của pháp luật, UBND xã không phải đơn vị được giao quản lý đất rừng nhưng thực tế lại có 2,1 triệu ha đất rừng đang do UBND cấp xã quản lý, trong khi đó nhiều hộ gia đình không có đất, đặc biệt là hộ dân tộc thiểu số.

Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, thực tế, có rất nhiều hộ dân ở vùng đệm vườn quốc gia Ba Vì không có đất sản xuất nhưng nghịch lý lại có nhiều người ở nơi khác đến vùng này canh tác?

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) bức xúc trước tình trạng buông lỏng quản lý Nhà nước khi để xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở kiên cố, những căn biệt thự nguy nga tráng lệ trong các khu đất nông, lâm trường, vườn quốc gia. Đặc biệt, chủ sở hữu của những căn biệt thự này lại là quan chức và những người có tiền.

Trả lời các ý kiến này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, không phải giao 2,1 triệu ha đất rừng đó cho UBND xã quản lý mà thực tế không giao được cho ai nữa thì UBND xã phải quản lý theo địa giới hành chính thôi. Toàn bộ số diện tích này, đất đai rất xấu, cằn cỗi, sỏi đá, khô hạn, người dân cũng không sản xuất nổi. Mặt khác, phần lớn diện tích này đều ở xa dân, chứ không phải là không giao cho dân sử dụng.

Về ý kiến của ĐB Chu Sơn Hà và Trương Thị Huệ, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Mọi trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ở đây, có trách nhiệm của Bộ NN-PTNT chưa đôn đốc, kiểm tra các nông, lâm trường, vườn quốc gia một cách sát sao, thường xuyên. Việc quản lý của Bộ là bằng chủ trương, chính sách. Lẽ ra những vấn đề ĐBQH nêu trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo các nông, lâm trường, vườn quốc gia phải nắm được, có báo cáo, sớm chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Phía Bộ sẽ xử lý việc xây biệt thự trong vườn quốc gia nếu đúng như phản ánh của ĐBQH, bất kể người đó là ai”.

Liên quan đến câu hỏi của ĐBQH về vấn đề giao đất có thu tiền và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang thừa nhận: Hai tồn tại này đều có nguyên nhân chung là việc xác định ranh giới chưa được thực hiện triệt để, đất đai không được đo đạc, xác định ranh giới rõ ràng. Đa số diện tích đất chỉ được khoanh vẽ trên bản đồ mà không được rà soát xác định trên thực địa.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hỏi Bộ trưởng Quang có cam kết để giải quyết được dứt điểm việc cắm mốc, cấp bìa đỏ cho các nông, lâm trường. Bộ trưởng Bộ TN-MT trả lời ngắn gọn: “Cam kết có tiền là sẽ làm được”.

Về kinh phí, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhắc lại rằng: Theo yêu cầu Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Quyết định 118 của Chính phủ thì cuối năm 2015 cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2,1 triệu ha nên cần 1.015 tỷ đồng để đo đạc. Phó Thủ tướng yêu cầu là phải được 70% tức bằng 700 tỷ đồng. Bộ Tài chính đề nghị cấp 150 tỷ đồng vì không đủ vốn. Ông Ksor Phước hỏi: “Vậy đến giờ phút này 150 tỷ đó đã được cấp chưa?”.

Ông Nguyễn Hữu Chí – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Đã có tờ trình xin Chính phủ phê duyệt”.

Bên hành lang phiên họp, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) và ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, chủ trương tích tụ đất đai là đúng đắn nhưng làm thế nào để người nông dân không mất đất, không bị ra đứng đường phải tính toán kỹ, không thể làm ồ ạt được.

Chúng ta biết rằng toàn bộ tài sản của Nhà nước (đất đai), mồ hôi công sức do lớp lớp các nông trường viên nghe theo lời kêu gọi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Họ đã gây dựng nên bao nhiêu năm chẳng lẽ bị mất trắng khi không thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn, công nghệ cao?

Ông Sinh lo ngại trước việc, tài sản của Nhà nước bị thâu tóm mà công nhân nông trường trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất do họ gây dựng nên để rồi nhiều quyền lợi của họ bị chiếm dụng, thậm chí rơi vào cảnh phát canh thu tô.

 

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm