| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp An Giang nâng chất lượng sản phẩm

Thứ Sáu 16/03/2018 , 10:05 (GMT+7)

Nhằm chủ động ứng phó, giảm những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp An Giang đã tích cực đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bước đầu có hiệu quả rõ rệt.

nh-1-n-ging-dy-mnh-chuyen-doi-nn-theo-huong-nng-co-sn-phm124508456
An Giang đang tích cực đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL và trên cả nước, An Giang là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều như nắng nóng, hạn kéo dài, lượng mưa ít nhưng cường độ lớn, bất thường; triều cường thay đổi đột ngột…

Chỉ tính riêng năm 2017, ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng ngập úng, đổ ngã làm thiệt hại khoảng 16.914ha lúa, hoa màu và cây ăn trái; gây ra 54 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 4.171m; làm 2 người chết (do sét đánh ở huyện Châu Phú), 2 người bị thương; 350 căn nhà dân bị sập hoàn toàn và tốc mái. Ước tổng thiệt hại trên 300 tỷ đồng.

Trong đó, nông nghiệp là ngành chịu tác động trực tiếp làm giảm diện tích đất canh tác, giảm năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi gia tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Để giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, ngành nông nghiệp An Giang đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Tập trung chú trọng sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như trồng chuối cây mô, xoài 3 màu, nuôi heo công nghệ cao, kết hợp với tổ chức phát triển các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư.

Trong năm 2018, An Giang phấn đấu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích màu, cây ăn trái (dự kiến tăng từ 3.000 - 8.500ha) nhằm nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Tăng vụ đối với một số loại cây màu đang có thị trường và giá trị gia tăng cao (khoảng 2.000 - 3.000ha) diện tích trồng các loại cây như khoai cao, khoai mì, sen, đậu nành rau, bắp non, ớt, rau ăn lá…

Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, vận động các hộ nuôi cá thể thành lập các hợp tác xã hay chi hội thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, ổn định được đầu ra nguyên liệu, sản xuất theo kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp.

Đối với các hộ nuôi cá thể quy mô nhỏ không đủ điều kiện nuôi cá tra xuất khẩu, khuyến khích chuyển sang sản xuất ương giống tham gia các chi hội ương giống của hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản từ đó sẽ gắn sản xuất và tiêu thụ theo đề án liên kết sản xuất cá tra 3 cấp của tỉnh.

Trên cơ sở đó ngành nông nghiệp sẽ làm cầu nối để liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ ương giống, các hộ nuôi thương phẩm và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào Đề án liên kết sản xuất cá tra 3 cấp…

nh-2-phn-du-den-nm-2020-n-ging-se-l-trung-tm-nong-nghiep-cu-dbscl124507936
Phấn đấu đến năm 2020 An Giang sẽ là trung tâm nông nghiệp của ĐBSCL

"Rà soát lại những vùng trũng về năng suất lúa để có giải pháp tác động nhằm nâng cao lên bằng mức năng suất bình quân. Đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các mô hình, các giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa như: Phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, “3 giảm 3 tăng”, “ 1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái... trong đó tập trung nâng chất chương trình “1 phải 5 giảm”.

Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, chú trọng tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của địa phương.

Đồng thời sẽ hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước đưa các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch mà An Giang có thế mạnh sản xuất để tiếp cận thị trường, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu kết hợp phát triển du lịch”, ông Thư nói.

Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu An Giang sẽ là trung tâm nông nghiệp của ĐBSCL, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha vào năm 2020, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài nguyên, sức lao động, công nghệ...

"Cái khó hiện nay của địa phương là thiếu nguồn vốn đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và củng cố cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. An Giang đang tập trung thực hiện chính sách dài hơi, tạo nền tảng hạ tầng mang tính bền vững cho phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, song cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay gỡ khó cho các địa phương", ông Lâm Quang Thi.

 

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.