Huyện Châu Thành là một trong những vùng trồng lúa lớn nhất tỉnh Tây Ninh, vụ lúa đông xuân năm 2024 - 2025 toàn huyện xuống giống hơn 13.000ha. Hiện nay, nhiều cánh đồng đang bước vào đầu vụ thu hoạch.

Tây Ninh đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: Trần Trung.
Dọc cánh đồng ven dòng sông Vàm Cỏ Đông, những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất, tiếng máy nổ rền vang, xa xa, nông dân tất bật thu gom từng bao lúa nặng trĩu vừa gặt xong, liên tục đưa lên các tuyến đường ven sông để kịp bán cho thương lái.
Đang tất bật vận chuyển lúa lên bờ chờ thương lái đến thu mua, ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Trí Bình, huyện Châu Thành cho biết, vụ này gia đình ông canh tác khoảng 2ha lúa giống Đài Thơm 8. Năm nào cũng vậy, đông xuân là vụ chắc ăn nhất, đem lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân. Vụ này ước năng suất có thể đạt từ 10ha tấn/ha, với giá lúa như hiện tại từ 6.500 - 7.500 đồng/kg, vẫn đem về lợi nhuận 20 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Do năng suất cao, dù giá lúa giảm bà con vẫn có lợi nhuận khá. Ảnh: Trần Trung.
“Mặc dù giá lúa hiện không cao như thời điểm trước nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, ít dịch hại tấn công nên các diện tích lúa ở đây đều đạt năng suất khá. Với giá cả và năng suất như hiện tại, hầu hết người trồng lúa vụ đông xuân vẫn thu được lợi nhuận khá”, nông dân Nguyễn Văn Thanh phấn khởi.
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp An Bình (xã An Bình, huyện Châu Thành), các thành viên HTX cũng đang rất phấn khởi thu hoạch lúa. Ông Nguyễn Văn Luôn, Giám đốc HTX cho biết, HTX có trên 30 thành viên với tổng diện tích canh tác hơn 60ha. Vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, HTX triển khai thử nghiệm mô hình “Canh tác lúa thông minh tưới ngập - khô xen kẽ” (Alternate wetting and drying - AWD) với diện tích trên 32ha theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh.
Qua thực hiện cho thấy, mô hình này vừa tiết kiệm hơn 40% lượng nước sử dụng, chi phí sản xuất giảm hơn 5 triệu đồng/ha, năng suất lúa tăng khoảng 10 - 20%. “Vụ hè thu tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở rộng, vận động các thành viên tham gia mô hình đầu tư cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí, giúp nông dân có thêm thu nhập” ông Nguyễn Văn Luôn nói.

Mô hình tưới ngập - khô xen kẽ tiết kiệm hơn 40% lượng nước sử dụng, chi phí sản xuất giảm hơn 5 triệu đồng/ha, năng suất lúa tăng hơn 10 - 20%. Ảnh: Trần Trung.
Ông Nguyễn Văn Lành - hộ tham gia mô hình phấn khởi cho biết, gia đình ông có hơn 1,5ha canh tác giống lúa OM 5451, hiện giá lúa đang giảm, dao động từ 5.500 - 6.100 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ 1.000 - 1.500 đồng/kg, nhưng với cách làm theo mô hình, nông dân vẫn có lợi nhuận khá.
Theo Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh, tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất lúa nhờ nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông Vàm Cỏ, hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La và hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, giúp kiểm soát tốt lượng nước, bà con cũng không phải mất chi phí sử dụng nước. Hiện diện tích lúa tại Tây Ninh khoảng 150 ngàn ha (3 vụ), cây lúa có tỉ lệ cơ giới hóa cao nhất trong trồng trọt tại địa phương (100% ở khâu làm đất, 65 - 80% khâu chăm sóc, 95 - 100% ở khâu thu hoạch, vận chuyển).

Tây Ninh nhân rộng mô hình “Canh tác lúa thông minh tưới ngập - khô xen kẽ”. Ảnh: CTV.
Ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, lúa vẫn là cây trồng quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nói chung cũng như với Tây Ninh nói riêng. Hiện toàn tỉnh có 30 tổ chức kinh tế tập thể tham gia sản xuất lúa. Nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo, tỉnh đang tập trung thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.
“Các HTX có vai trò trung tâm, vận động nông dân hình thành những cánh đồng lớn, trong khi doanh nghiệp trợ lực bằng cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Đây chính là hướng đi bền vững giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của ngành hàng lúa gạo Tây Ninh trong tương lai”, ông Hà Thanh Tùng nhấn mạnh.