| Hotline: 0983.970.780

Ô nhiễm kinh hoàng ở một khu dân cư

Thứ Năm 20/12/2012 , 09:39 (GMT+7)

Hơn 10 năm qua, người dân ở 2 khu phố 4 và 5, P. Đông Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM) phải sống chung với ô nhiễm kinh hoàng từ bụi than, khói độc của hơn 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thải. Mặc dù, họ kêu cứu nhiều, nhưng vô vọng.

Hơn 10 năm qua, người dân ở 2 khu phố 4 và 5, P. Đông Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM) phải sống chung với ô nhiễm kinh hoàng từ bụi than, khói độc của hơn 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thải. Mặc dù, họ kêu cứu nhiều, nhưng vô vọng.

NHÀ NHÀ CỬA ĐÓNG THEN CÀI

Qua khỏi cầu Tham Lương, đường Trường Chinh, chúng tôi rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, Q.12. Mặc dù mới nghe chỉ đường qua điện thoại, nhưng đi chừng 3 cây số, tôi có cảm giác là mình đã đến nơi. Bởi, đến khu vực này, bầu không khí chợt đặc quánh, khó chịu. Tôi dừng lại hỏi thăm và quả nhiên là đúng.

Dẫn chúng tôi đi vào con hẻm nhỏ chừng 30 m, anh Nguyễn Công Trường, 43 tuổi, ở khu phố 4, nói: “Tôi không cần nói gì cả, vào từng nhà ở đây các anh sẽ thấy”. Anh Trường vừa nói xong cũng là lúc tôi hắt hơi liền mấy cái khi luồng không khí xộc vào mũi, mắt cay cay. Tại nhà bà Nguyễn Thị Tâm, 50 tuổi, dưới nền nhà, nền sân, trên bàn ghế… tất cả đều đóng một lớp bụi than. Bà Tâm đưa ra một bịch ni lông chứa đầy bột, nói: “Đây là bụi than, tôi quét từ sáng đến giờ đấy”. Nói rồi, bà Tâm bế đứa cháu nhỏ 3 tuổi và chìa đôi bàn chân trần đen sì của cháu cho chúng tôi xem, nói tiếp: “Cháu mới bỏ dép ra có một lúc thôi mà đã đen như thế này rồi. Thử hỏi cả ngày thì làm sao chịu nổi”.


Khói từ các cơ sở SX đang tuôn

Nhiều gia đình có người thân mắc bệnh viêm mũi dị ứng, suyễn, chảy máu mũi... liên quan đến không khí độc hại. Người dân âm thầm chịu đựng, gửi đơn khiếu nại đi nhiều nơi, nhưng cho tới nay tình trạng ô nhiễm vẫn vậy… Hầu hết người dân sống tại khu phố 4, 5 (P. Đông Hưng Thuận) đều trữ sẵn thuốc điều trị hô hấp. Ông Nguyễn Văn Đoan (hẻm 464, khu phố 4) cho biết: “Trong nhà tôi luôn có sẵn Xisat, nước muối sinh học… Ngay khi dùng hết phải mua thêm liền".

Chị Hà Thị Tuyết Minh ở tổ 4, khu phố 4, cũng thường xuyên đưa con nhỏ 2 tuổi điều trị suyễn tại bệnh viện. Chỉ vào cháu trai Nguyễn Hoàng Anh, chị nói: “Trông cháu vậy thôi, chứ bị suyễn không thở được. Có khi lên cơn người tím tái. Tôi vừa đưa cháu từ bệnh viện về. Khi 5 tháng tuổi cháu đã bị bệnh rồi. Bác sĩ dặn không nên để cháu sống gần môi trường ô nhiễm. Nhưng tôi biết làm sao bây giờ”.

Cửa nhà lúc nào cũng đóng im ỉm. Thế mà bụi vẫn len vào bám đầy nhà, trên nóc tủ bụi đen như trải thảm. Xe dựng trong nhà chỉ cần 1 ngày không đụng tới là bụi bám đen như thể đã để im hàng chục năm. Quần áo giặt xong phải phơi trong nhà, nhà nào chật chội không có chỗ phơi thì khi phơi phải luôn phủ thêm một tấm vải. Nước sinh hoạt phải luôn được che đậy kỹ, chỉ cần một buổi để bên ngoài thì có sạch mấy cũng biến thành nước đen.


Chừng nửa buổi là có thể quét trong nhà được một bịch bụi than như thế này

Khổ nhất là vào mỗi bữa cơm. Đĩa bún hay chén cơm, nếu mở cửa nhà mà ăn không kịp thì biến thành cơm đen là bình thường. Nấu canh nếu không cẩn thận thì khỏi phải… rắc tiêu. “Chuyện phải đem cơm canh đi đổ vì sơ ý không đậy nắp kỹ là chuyện thường xảy ra”, chị Thi ở tổ 17, KP.4, vừa ho vừa nói. Vì vậy, người dân sống nơi đây mới có truyền thống là đóng cửa ăn cơm. Bất kể trời mát hay nóng cũng phải đóng cửa. Quả thật như vậy, phóng viên được người dân rót mời một tách trà. Mải nói chuyện, chỉ mươi phút sau, cả khay trà đã lấm tấm đen như vừa được rắc tiêu.

CHỊU ĐỰNG ĐẾN BAO GIỜ?

Chúng tôi chạy xe vào hẻm 11, đường Nguyễn Văn Quá, KP.4, P. Đông Hưng Thuận, nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở giặt nhuộm và sản xuất bao bì. Ở đây có khoảng 20 cơ sở hoạt động rầm rộ ngày đêm. Quan sát trong khoảng 15 phút, có không dưới 10 chuyến xe tải chở hàng hóa và nguyên liệu chạy vào. Vào sâu hơn trong hẻm, đến trước khu vực chùa Má La (chùa Hòa Ngọc), chúng tôi thật sự choáng trước hàng chục ống khói cao ngất chĩa lên từ các xưởng sản xuất xập xệ, tạm bợ được gia cố bằng những vách tôn cũ kỹ.

Hai bên đường chất đầy củi, hàng trăm bao tải chứa mạt cưa và những chất đốt có màu đen thui, mùi hăng hắc. Những ống khói này thi nhau tuôn ra những luồng khói đen ngòm bao phủ cả bầu trời. Khói bay lên không trung, gặp gió lại tỏa xuống, bay là là trên mặt đất. Lúc này chỉ mới khoảng 4 giờ chiều mà cảm giác như trời đã sắp về đêm.


Nước dưới kênh cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh: nước ngập từ kênh Tham Lương)

“Tôi đã từng nhiều lần xuống thực địa, đã thấy tình trạng ô nhiễm. Do các doanh nghiệp sử dụng chất đốt là vỏ hạt điều, mùn cưa để giảm chi phí nên bụi than, khói rất nhiều. Mỗi lần xuống đó, chính tôi cũng thấy khó chịu. Bà con bức xúc lắm. Kế hoạch di dời các cơ sở, công ty gây ô nhiễm môi trường từ nay đến năm 2015 đã có. Tuy nhiên, di dời tới nơi nào thì chúng tôi cũng chưa biết” - ông Phan Trung Nam, Phó Chủ tịch UBND P. Đông Hưng Thuận, Q.12.

Theo báo cáo của đại diện UBND P. Đông Hưng Thuận thì trên địa bàn phường có tổng cộng 52 công ty, cơ sở sản xuất. Nhưng tập trung nhiều nhất ở 2 khu phố 4 và 5 với 35 DN, cơ sở (2 khu phố này có gần 3.200 hộ dân, hơn 12.400 nhân khẩu). Ngành nghề nhiều nhất là dệt, nhuộm, giặt tẩy… có lượng khí thải, chất thải vượt chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường.

Vừa qua, phường đã lập biên bản xử phạt 7 cơ sở sản xuất kinh doanh về hành vi hoạt động sai nội dung cấp phép, như: Cơ sở Song Thành (khu phố 5); cơ sở Việt Phát (khu phố 5); cơ sở Vũ Văn Rạng (khu phố 4)… Tuy nhiên, cấp phường chỉ phạt “gãi ngứa”, mỗi biên bản chỉ ở mức 200.000 đồng. Trước đó, tháng 5/2010, cấp thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Cty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến. Tháng 7/2011, công ty này tiếp tục bị Thanh tra Sở TN-MT TP.HCM xử phạt. Ngoài ra còn một số công ty khác từng 1 - 2 lần bị phạt.

Tháng 2/2011, Cty Tân Phú Cường bị UBND TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động do xả khí thải vượt chuẩn quy định. Sau đó, công ty được phép hoạt động trở lại. Nhưng sau đó không lâu, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã bắt quả tang công ty này xả nước thải dệt nhuộm ra kênh Tham Lương. Bên cạnh đó, các lò đốt của công ty xả khói, bụi qua hai ống khói gần 10 m, bao trùm bán kính hơn 1 km; công ty không có chỗ lưu giữ chất thải đúng quy định.

“Bất kể ngày đêm, họ cứ xả khói đen mù mịt kèm theo mùi khét lẹt nên con tui thường xuyên bị viêm họng. Sống trong cảnh này không bị bệnh mới là chuyện lạ”, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (nhà ở tổ 3, khu phố 4), đang vội ôm con ra đầu hẻm để tránh khói bụi, mùi hôi bay ra từ các cơ sở sản xuất, giọng bức xúc. Những hộ không có nơi lánh nạn, đành phải sống chung với khói bụi, mùi hôi. Nhiều người muốn bán nhà chuyển đi nơi khác nhưng rao hoài chẳng ai mua.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm