| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi lỗ... phát hoảng

Thứ Năm 06/10/2011 , 09:57 (GMT+7)

Chỉ hơn một tháng trở lại đây, thị trường thịt như bị “sặc nước” khi liên tục lao dốc không phanh. Nông dân thì ngơ ngác như từ thiên đường rơi xuống địa ngục.

Đầu tháng 8/2011, NNVN từng phản ánh người chăn nuôi lãi lớn vì giá thịt sốt điên sốt đảo. Vậy nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ hơn một tháng trở lại đây, thị trường thịt như bị “sặc nước” khi liên tục lao dốc không phanh. Nông dân thì ngơ ngác như từ thiên đường rơi xuống địa ngục. 

Lỗ dưới 1 triệu đồng/con là may mắn!

Còn nhớ hồi tháng 6, tháng 7/2011, giá lợn hơi siêu nạc tại miền Bắc xuất chuồng có giai đoạn leo lên đến 69 – 70 nghìn đồng/kg. Nhiều ông chủ trang trại còn lùng sục loại lợn nhỡ, tầm 40 – 50kg về nuôi vỗ béo “cấp tốc” để bán thịt kiếm lời. Thế nhưng đùng một cái, từ cuối tháng 8/2011 đến nay, giá lợn hơi bỗng dưng tụt dốc từ mức 67 – 68 nghìn đồng/kg xuống dưới 60 nghìn đồng/kg.  

Tại vựa chăn nuôi lớn nhất tỉnh Hà Nam là xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục) - nơi thường xuyên duy trì đàn lợn thịt khổng lổ trên 30 vạn con đã không còn cảnh thương lái sục sạo như thời điểm cách đây một vài tháng. Thống kê mới nhất của UBND xã Ngọc Lũ, trong vòng 2 tháng trở lại đây, mặc dù tình hình dịch bệnh khá yên ắng nhưng tổng đàn lợn thịt trong xã đã giảm ít nhất 3 – 5 nghìn con so với bình thường. Nguyên nhân chính là do người chăn nuôi bị lỗ quá nặng, phải giảm đàn hoặc thậm chí bỏ chuồng trống. 

Người chăn nuôi cho rằng, việc can thiệp hạ nhiệt giá thịt thời gian qua quá “mạnh tay”

Anh Nguyễn Văn Quyết (xóm 1, xã Ngọc Lũ) - một chủ trang trại thường xuyên duy trì 400 - 500 đầu lợn thịt  cho biết, giá lợn thịt siêu nạc xuất tại chuồng hiện đã giảm xuống chỉ còn 53 – 54 nghìn đồng/kg, và khả năng sẽ khó tăng trở lại trong thời gian tới. Anh Quyết tính toán: giai đoạn giá thịt lợn thượng đỉnh, giá lợn giống Tam Đảo siêu nạc cũng điên đảo theo, có thời điểm đã leo lên tới 88 – 89 nghìn đồng/kg. Tính ra, một con lợn giống siêu nạc có trọng lượng trung bình 40 - 45kg, riêng tiền giống đã lên tới khoảng 3,5 – 4 triệu đồng.  

Anh Quyết hạch toán: Với cỡ lợn xuất chuồng phổ biến khoảng 100kg, nghĩa là cần phải tăng thêm 70kg trọng lượng. Tính chi phí bình quân từ lúc vào giống đến lúc xuất chuồng, để tăng 1kg trọng lượng thịt phải mất từ 3 – 3,2kg thức ăn, nghĩa là chi phí thức ăn cho một đầu lợn đến lúc xuất chuồng phải vào khoảng 210 – 230kg, đem nhân với giá thức ăn hiện tại khoảng 11 - 12 nghìn đồng/kg sẽ tốn khoảng hơn 2,5 triệu đồng. Nếu cộng cả chi phí điện nước, phòng dịch thì những hộ nào vào lứa giống cách đây 3 tháng – đúng vào thời điểm giá thịt lợn đang “sốc” sẽ phải chi ít nhất 6,5 triệu đồng/con cho tới lúc xuất chuồng. Với giá lợn xuất chuồng hiện đang ở mức 53 – 54 nghìn đồng/kg, nghĩa là hộ nào lỗ dưới 1 triệu đồng/con là may mắn.

Chỉ cho tôi sang trang trại anh Nguyễn Văn Bích ở cùng thôn, anh Quyết bảo: “Tôi may mắn cuối tháng trước còn xuất trót lọt 500 con lợn thịt, giá được 56 – 57 nghìn đồng/kg nên xem như hòa vốn, không có công. Chứ như hộ anh Bích, mới xuất chuồng gần 200 con cách đây vài ngày, giá chỉ có 54 nghìn đồng/kg. Nghe đâu bảo lỗ 130 triệu, nhưng còn bảo như thế là may, chứ nhiều hộ khác lỗ nặng hơn”.

Chúng tôi ngược lên khu chợ đầu mối thu mua lợn thịt lớn nhất tỉnh Hà Nam tại khu vực xã An Nội (huyện Bình Lục). Lợn theo chân thương lái tứ phương đổ về như nêm. Anh Cù Văn Quang, một chủ lò thu mua tại đây nhận định, việc giá lợn hơi tụt mạnh tới 10 – 13 giá trong thời gian qua là bởi nay đang vào thời điểm xuất chuồng “nước rút” của các lứa lợn vào giống cách đây 3 tháng (giai đoạn giá thịt “sốt” nhất). Hiện tại, lượng lợn thịt về đây mỗi ngày đã lên tới 50 – 60 tấn, tăng tới 40 – 50% so với bình thường.  

Anh Quang cho biết thêm, lợn từ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là “lợn sạch” của Cty Chăn nuôi CP cũng đang nườm nượp chở ra tiêu thụ phía Bắc với giá chỉ có 56 – 57 nghìn đồng/kg nên lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở phía Bắc đang rất khó tiêu thụ. “Lợn tập trung về đây, ngoài tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc thì 30% là xuất đi Trung Quốc. Với lượng hàng tuồn về chợ quá nhiều như hiện tại, nếu không có nguồn xuất đi Trung Quốc thì khả năng giá lợn hơi còn giảm xuống dưới 50 nghìn/kg chứ chả chơi” – anh Quang nhận định.  

Mời “nhậu” mới bán được gà 

Anh Trần Văn Hùng – chủ trại gà thịt xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng, Hải Dương): 

Trang trại tôi thường xuyên duy trì 5 – 7 nghìn gà thịt. Các lứa gà xuất chuồng thời điểm này đều phải chịu giá giống lúc vào lên tới 28 – 29 nghìn đồng/con – tương đương với 1kg gà thịt hiện nay. Tính ra, mỗi con gà trắng xuất chuồng 3kg, chúng tôi lỗ khoảng 15 – 17 nghìn đồng/con.  

Việc giá thịt tụt mạnh như thế, tôi chỉ nghe phong thanh trên đài báo nói là do đồng ý cho NK thịt từ nước ngoài về để kiềm chế giá. Tôi chẳng hiểu nhà nước kiềm chế giá thế nào, nhưng kiềm giá mà tới mức để nông dân lỗ… chổng vó như thế thì có vẻ mạnh tay quá.

Chung số phận với như dân nuôi lợn, những ông chủ trang trại nuôi gà thịt hiện cũng đang sống dở chết dở vì giá gà rẻ như cho mà chẳng thương lái nào thèm rước đi. Anh Nguyễn Tiến Thạo, một chủ trại gà có hơn 1.000 gà thịt tại xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng, Hải Dương) kể như mếu: cuối tháng 6/2011, giá gà đỏ xuất chuồng cỡ 2kg/con lên tới 58 – 60 nghìn đồng/kg nên các trang trại gà thịt trong xã ầm ầm vào giống. 

Giá gà giống lúc đó lên tới 10 nghìn đồng/con, cao hơn 2- 3 nghìn đồng/con so với bình thường. Với giá giống đó, cộng tiền thức ăn thì chi phí cho mỗi đầu gà thịt tới lúc xuất chuồng phải đội lên tới 47-48 nghìn đồng/con. Thế mà đùng một cái, tới đầu tháng 9 vừa rồi, lúc lứa gà nhà tôi chuẩn bị xuất chuồng thì giá gà thịt tụt xuống chỉ còn 45 nghìn đồng/kg. Tính ra mỗi con gà đã lỗ tới 3 – 5 nghìn đồng.  

Tai hại nhất là gà tới tuổi xuất chuồng nhưng chẳng thương thương lái nào thèm tới mua, hoặc mỗi lần chỉ lấy hàng nhỏ giọt 50 – 70 con, mà thậm chí anh Thạo còn phải ỉ ôi mời họ uống bia thì họ mới chịu mua. Thế nên đàn gà chỉ có 500 con nhưng phải mang ra chợ lẻ, bán ròng rã cả tháng trời mới hết, có con gà thịt quá tuổi, còn đẻ trứng sòn sòn. Trong vòng 1 tháng đó, gà chỉ tăng 1 – 200 gram trọng lượng/con, nhưng mỗi ngày vẫn phải nuôi “báo cô”, cho chúng ăn cám như thường.

“Lỗ vì giá gà hạ thì ít thôi, nhưng lỗ vì tiền cám nuôi phải “báo cô” cho gà quá tuổi xuất chuồng mới nhiều. Tổng cộng lứa vừa rồi, tôi lỗ hơn 10 triệu. Thế là còn ít vì tôi nuôi bé. Chứ như trại của ông Hùng, chuyên nuôi gà trắng, giá bây giờ chỉ còn 29 – 30 nghìn đồng/kg. Nghe bảo tuần trước mới xuất 7.000 con, lỗ gần 100 triệu”, anh Nguyễn Tiến Thạo nói như thở hắt ra.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm