* Rà soát lại các đầu tư công
Ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành trọn vẹn phiên khai mạc thứ 18 để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội, ngân sách năm 2012 và tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách những tháng đầu năm 2013.
Suy giảm kinh tế ngày rõ
Theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo. Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.
Thế nhưng đánh giá thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng, niềm vui chưa kéo dài bởi bước sang năm 2013 dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét hơn. Tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nợ xấu, tồn kho, khó khăn thị trường bất động sản và khả năng hấp thụ đầu vào của khu vực sản xuất chưa được cải thiện.
Việc thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đem lại kết quả rõ rệt, chính sách kích thích tăng trưởng bị giới hạn bởi thâm hụt ngân sách trong khi thị trường vốn và tăng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế vẫn ở mức quá thấp.
GDP quý I/2013 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012; tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 4,93% (mức thấp nhất của quý I các năm trong suốt giai đoạn 2010-2013). Tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng khi tồn kho cả toàn ngành công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó, hàng loạt sản phẩm nông sản xuất khẩu bị sụt giảm mạnh như thủy sản giảm 4,8%, cà phê giảm 13,7% và cao su giảm 20,6% so với cùng kỳ. Sản xuất cá tra, cá ba sa tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố không thuận kéo dài từ năm 2012 với giá thành sản xuất vẫn lớn hơn giá bán và gặp khó khăn về thị trường.
Khó khăn tiếp tục thể hiện ở việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khi mới chỉ thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước.
Dự báo từ nay đến hết năm, kinh tế tiếp tục gặp khó, lao động thiếu việc làm
Vì vậy, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời chưa ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động.
Cũng chung nhận định với ông Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, để đạt mức tăng GDP 5,5% cho năm nay là hết sức khó khăn. Với tăng trưởng tín dụng 4 tháng chỉ 1,44%, trong khi đó mức huy động là trên 5%, ông Hiển lo ngại khi dòng tiền vào nền kinh tế đang mất cân đối, hấp thụ vốn rất kém, trong khi các doanh nghiệp hoạt động dựa vào vốn ngân hàng là chủ yếu.
Nhằm giảm bớt “điểm xấu” của nền kinh tế năm 2013, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mặc dù mức tăng trưởng GDP quý I năm 2013 không cao như kỳ vọng, nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc thực hiện các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động được triển khai đồng bộ, có nhiều tiến bộ.
Cách gỡ nào khả thi?
Để bức tranh kinh tế năm 2013 có nhiều “điểm sáng”, hàng loạt giải pháp được các đại biểu đưa ra. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mở đầu bằng nhận xét: ngay kỳ họp tới QH không có quyết sách thì rất khó cho nhiệm vụ phát triển kinh tế những tháng cuối năm bởi huy động vốn vẫn hơn 5% mà cho vay chỉ tăng hơn 1% thì quá là báo động. Nhất là tình trạng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn thì không giải quyết được vấn đề gì đâu.
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chính phủ cần tập trung vào chính sách tiền tệ, nhất là vấn đề tiết kiệm chống lãng phí, đề cập đến các chương trình mục tiêu quốc gia mà cả đại biểu và cử tri đều phê là chồng chéo, lãng phí. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng đồng quan điểm với bà Doan. Với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì “phải tạo đà cho doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn mới có nguồn thu".
Dưới góc độ kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu kiến nghị: Thời gian tới, Chính phủ nên thận trọng, linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá. Thêm vào đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất và mở rộng thị trường; chú trọng công tác điều hành giá theo lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ công, tránh gây biến động mạnh chỉ số giá, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng và tạo việc làm.
Đặc biệt, cần rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công các dự án đầu tư xây dựng cơ bản để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương.
Ngoài những dự án buộc phải thực hiện cắt giảm theo chủ trương của Chính phủ, cần yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chủ động rà soát để giảm việc đầu tư từ vốn nhà nước vào các dự án chưa thực sự cần thiết hoặc tính toán lại qui mô đầu tư để bảo đảm nguồn vốn nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả.
Theo báo cáo của Chính phủ ngày 14/5, tai nạn giao thông tuy có chiều hướng giảm về số vụ, nhưng số người chết vẫn tăng so với cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, nhất là cho sản xuất nông nghiệp. Tình trạng thiếu đói xuất hiện ở một số địa phương, đáng chú ý là khu vực đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện các thành phố lớn diễn ra tràn lan, nhân lực y tế tại các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng.