| Hotline: 0983.970.780

Hàng không giá rẻ và mối lo về an toàn

Thứ Ba 18/09/2007 , 11:22 (GMT+7)

Trong 5 năm qua, cuộc cách mạng về hàng không giá rẻ mở màn tại Mỹ, sau đó lan khắp châu Âu và đang "cất cánh" ở Đông Nam Á. Nhưng đi kèm với sự phát triển nhanh chóng này là liên tiếp các tai nạn máy bay trong khu vực.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Phuket chiều 16/9. Ảnh:
Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Phuket chiều 16/9. Ảnh: AP.

Thu nhập bình quân đang tăng nhanh ở Đông Nam Á, nơi có dân số khoảng nửa tỷ người, khiến số người muốn đi lại bằng đường hàng không tăng nhanh. Do đó, hàng chục hãng vận tải bằng máy bay đã thi nhau ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu mới.

Nhưng sự xuất hiện của các hãng hàng không như nấm sau mưa cũng bắt đầu làm tăng mối lo ngại về an toàn do một loạt tai nạn thảm khốc xảy ra trong những năm qua. Mới nhất là vụ chiếc MD-82 của hãng giá rẻ One-Two-Go Thái Lan đâm xuống đường băng, chiều qua, làm chết 88 người.

Nếu muốn hình dung về sự phát triển nhanh chóng và thực trạng của loại hình hàng không giá rẻ ở châu Á, hãy xem xét quết định đầu năm nay của Liên minh châu Âu về việc cấm toàn bộ 51 hãng hàng không Indonesia bay vào các sân bay của EU. Mới một thập kỷ trước, quốc đảo này có không quá một chục hãng.

Đúng ngày đầu năm mới 2007, một chiếc Boeing 737-400 của hãng hàng không giá rẻ Indonesia Adam Air lao xuống biển làm chết toàn bộ 102 người. Cho đến nay chỉ có một số mảnh vỡ nhỏ được tìm thấy và không một thi thể người xấu số nào được thu hồi. Chỉ hai tháng sau, một chiếc Boeing khác cũng của Adam Air bị gẫy lưng khi hạ cánh, may mắn không làm ai thiệt mạng.

Máy bay của hãng Adam Air. Ảnh: Reuters.
Máy bay của hãng Adam Air. Ảnh: Reuters.

Tương tự như vậy là sự nảy nở của các hãng hàng không mới diễn ra khắp vùng Đông Nam Á. Tất cả bắt đầu bằng "phát súng lệnh" tại Malaysia với sự khai sinh của Air Asia, 6 năm trước. Tony Fernandes, người từng làm việc cho tập đoàn Virgin Group, đã mua Air Asia bị phá sản và xây dựng lại thành một hãng hàng không giá rẻ.

Tony Fernandes bị thuyết phục bởi sự phân tích rằng, khu vực Đông Nam Á đã sẵn sàng cho một loại hình vận tải mới mẻ vốn đang phát triển rất tốt tại châu Âu và Mỹ. Thực tế chứng minh doanh nhân có tầm nhìn thức thời này đã đúng.

Vào thời điểm đó, Air Asia trở thành một hiện tượng của sự thành công. Các máy bay sơn màu đỏ đặc trưng của hãng đã vươn cánh tới gần 50 điểm đến trong nước và quốc tế. Chính Air Asia đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của các mô hình tương tự ở những nước khác trong khu vực.

Singapore thì có Tiger Airlines, Valuair và Jetstar, còn Indonesia khai sinh Adam Air, Lion, Wings cùng rất nhiều các hãng giá rẻ có quy mô nhỏ. Quốc gia nổi tiếng về ngành công nghiệp du lịch là Thái Lan cũng không chậm chân khi cho ra đời hàng loạt hãng hàng không giá rẻ Nok Air, Thai Air Asia, Phuket Air, One-Two-Go... 

Một chiếc máy bay của Phuket Air. Ảnh: Airliners.
Một chiếc máy bay phản lực cánh quạt của Phuket Air. Ảnh: Airliners.

Tất cả các hãng trên cùng có chung một công thức kinh doanh là không có các dịch vụ như những hãng truyền thống và thực hiện đặt chỗ trên mạng Internet không kèm theo điều khoản hoàn vé. Giá rẻ đánh đúng nhu cầu của hàng triệu người Đông Nam Á, vốn đã tích lũy thêm được khoản tài chính cho việc đi lại nhưng chưa đủ để trang trải những chuyến bay trên các hãng truyền thống.

Tuy nhiên, các hãng hàng không giá rẻ cũng làm nảy sinh mối lo ngại về vấn đề an toàn. Số liệu về vấn đề này của các hãng có chung mô hình tại châu Âu và Mỹ cho đến nay vẫn hết sức ấn tượng, nhưng tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng thì có phần kém hơn.

Một loạt tai nạn ở Indonesia trong hai năm qua đã dẫn tới việc EU ban lệnh cấm máy bay của nước này "bén mảng" tới châu Âu. Những thảm kịch liên tiếp khiến người ta nghi ngờ về các nguyên tắc an toàn của những sân bay Indonesia cũng như chế độ bảo dưỡng máy bay và đào tạo phi công.

Phải đến khi bị châu Âu cấm cửa, hàng không Indonesia mới sực tỉnh và tuyên bố họ đang nỗ lực hết mình nhằm đảm bảo sự giám sát khắt khe hơn đối với các hãng. Cùng chung cảnh ngộ với tất cả máy bay Indonesia là hãng hàng không giá rẻ Thái Lan Phuket Air, cũng bị cấm tới một số nước châu Âu từ năm 2005. 

Một chiếc MD-82 của hãng One-Two-Go. Ảnh: Airliners.
Chiếc MD-82 của hãng One-Two-Go. Ảnh: Airliners.

Xét về phương tiện thì ngoài Air Asia Malaysia và Tiger Airways Singapore, đội bay của những hàng hàng không giá rẻ Đông Nam Á nhìn chung mang đúng nghĩa của tên gọi, vì chúng "già" hơn nhiều so với máy bay của các hãng tương tự ở châu Âu và Mỹ. Chiếc phi cơ MD-82 của One-Two-Go vừa lâm nạn ở Phuket chiều qua được sản xuất từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Những chiếc máy bay trên được mua với giá mềm nhưng thực tế vận hành đang chứng tỏ các hãng phải trả giá đắt vì giá dầu leo thang không ngừng, trong khi động cơ của thế hệ máy bay cũ "uống" rất nhiều nhiên liệu. Ngoài ra chi phí bảo dưỡng liên tục cũng ngốn của các hãng một khoản đáng kể.

Sự phát triển nhanh chóng về số lượng các chuyến bay đang tạo ra sức ép lớn đối với những sân bay ở Đông Nam Á, trong đó nhiều phi trường có quy mô nhỏ và thiết bị lạc hậu. Tuy nhiên, tai nạn chiều qua tại Thái Lan không thể đổ lỗi cho cơ sở vật chất vì sân bay quốc tế Phuket khá lớn và hiện đại, hầu như không có lời phàn nàn nào từ giới phi công.

Theo Vnexpress.net

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.