"Đường dây nóng" giữa Moscow và Washington được thiết lập vào năm 1963 để giảm thiểu những hiểu lầm đã gây ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 bằng cách kết nối liên lạc trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga.
"Chúng tôi có một đường dây đặc biệt để liên lạc giữa hai Tổng thống Nga và Mỹ. Hơn thế, đường dây này có thể kết nối hai nhà lãnh đạo qua cuộc gọi video", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn TASS. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu kênh này hiện đang được sử dụng hay không, ông trả lời là "Không".
Theo Điện Kremlin, cuộc điện đàm cuối cùng của Tổng thống Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Joe Biden là vào ngày 12/2/2022, chỉ vài ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Moscow cho rằng việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS, tên lửa tầm xa nhất mà Washington viện trợ cho Kiev cho đến nay, là một tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi Washington và các đồng minh NATO cho phép sử dụng tên lửa tầm xa, cho rằng loại vũ khí này là cần thiết để phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và hậu cần quan trọng của Nga.
Moscow khẳng định rằng Ukraine không thể sử dụng những vũ khí như vậy mà không có sự hỗ trợ hoạt động trực tiếp của Mỹ và việc này sẽ khiến Washington trở thành một bên tham chiến trực tiếp trong cuộc xung đột, buộc Nga có động thái trả đũa.
Các nhà ngoại giao Nga nói rằng cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Washington hiện nay có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 khi hai siêu cường thời Chiến tranh Lạnh đã ở rất gần một cuộc chiến tranh hạt nhân và phương Tây đang phạm sai lầm nếu nghĩ rằng Nga sẽ nhượng bộ trong vấn đề Ukraine.
Điện Kremlin cho biết Nga coi vũ khí hạt nhân là một phương tiện răn đe và học thuyết hạt nhân mới được sửa đổi của Moscow nhằm khiến cho các bên muốn đối địch nước này nhận thức được rằng một cuộc tấn công trả đũa là không thể tránh khỏi nếu họ tấn công Nga.
Ngày 20/11, ông Peskov nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng phương Tây đang tìm cách khiến Nga chịu một thất bại chiến lược bằng cách cho phép Kiev tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí do Mỹ sản xuất.
"Và tất nhiên, họ sử dụng Ukraine như một công cụ trong tay để đạt được những mục tiêu này", ông Peskov nói.