Một nỗ lực để ký kết một thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia Nam Mỹ trong khối Mercosur (bao gồm Brazil, Argentina, Bolivia, Paraguay và Uruguay) đã khiến nhiều nông dân châu Âu tức giận về việc cạnh tranh không lành mạnh, các quy định nghiêm ngặt của EU và thu nhập từ nông nghiệp thấp.
Sau khi liên đoàn nông nghiệp lớn nhất của Pháp, FNSEA, tổ chức hơn 80 cuộc biểu tình hôm 18/11, bao gồm các cuộc biểu tình trước các tòa nhà chính phủ và thắp lên "ngọn lửa giận dữ" trên các cánh đồng suốt đêm, liên đoàn Điều phối Nông thôn đã tham gia vào cuộc biểu tình hôm 19/11 để lên án thỏa thuận này là "sự kết thúc của ngành nông nghiệp Pháp".
"Hành động của chúng tôi sẽ ngày càng quyết liệt hơn vì đây là vấn đề sống còn và chúng tôi muốn những người trẻ tuổi có một tương lai tốt đẹp hơn", Chủ tịch liên đoàn Điều phối Nông thôn Veronique Le Floc'h nói với BFMTV.
Một số thành viên của liên đoàn đoàn đã di chuyển đến khu vực biên giới với Tây Ban Nha để kiểm tra hàng hóa đến từ nước này, và sau đó đổ rượu vang trắng từ một chiếc xe tải ra đường, truyền thông Pháp cho biết.
Liên đoàn này cũng chất lốp xe và đổ chất thải trước các tòa nhà chính phủ ở Limoges ở miền trung nước Pháp, trong khi ở Agen ở phía tây nam, một điểm nóng cho các cuộc biểu tình tương tự hồi đầu năm, nông dân đã phun bùn vào một văn phòng an sinh xã hội nông nghiệp.
Nhóm này cũng đe dọa sẽ chặn các cảng và trung tâm phân phối bán lẻ để siết chặt nguồn cung cấp thực phẩm nếu chính quyền không có các biện pháp hành động ngay lập tức.
FNSEA hoan nghênh thông báo hôm 19/11 của chính phủ rằng họ sẽ để Quốc hội tranh luận và bỏ phiếu về tương lai của thỏa thuận EU-Mercosur. Tổng thống Emmanuel Macron đã tái khẳng định lập trường phản đối của ông đối với một thỏa thuận như vậy trong chuyến công du Nam Mỹ vừa qua và cho biết Pháp đang kêu gọi sự ủng hộ từ các nước EU như Italy và Ba Lan.
Nông dân Anh cũng biểu tình hôm 19/11 để yêu cầu xóa bỏ thuế thừa kế đất nông nghiệp, điều mà họ cho là sẽ hủy hoại các trang trại gia đình và đe dọa chuỗi sản xuất lương thực.