Quyết định này sẽ tác động trực tiếp đến giá lúa mì toàn cầu và gây ra lạm phát ở những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu như Ai Cập, vì Nga là nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Xu hướng này đã cho thấy một thách thức mới đối với kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin trong việc mở rộng xuất khẩu và củng cố vị thế siêu cường nông nghiệp của Nga, mang lại cho nước này nhiều ảnh hưởng hơn trên trường quốc tế trong bối cảnh mâu thuẫn với phương Tây về chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Sản lượng lúa mì của Nga dự kiến giảm xuống còn 83 triệu tấn trong năm nay do sương giá và hạn hán, giảm so với mức 92,8 triệu tấn năm 2023 và mức kỷ lục 104,2 triệu tấn năm 2022. Các dự báo mới cũng cho thấy triển vọng không mấy sáng sủa trong năm tới.
Mặc dù Nga đã xuất khẩu lúa mì với tốc độ gần chạm mức kỷ lục trong những tháng gần đây, xuất khẩu dự kiến sẽ chậm lại do mất mùa và các hạn chế xuất khẩu nhằm kiềm chế giá tiêu dùng trong nước tăng cao, bao gồm cả việc cắt giảm 2/3 hạn ngạch xuất khẩu từ tháng 1/2025.
Tại một trang trại ở vùng Omsk của Siberia, nơi hứng chịu nhiều trận mưa lớn trong đợt cao điểm mùa thu hoạch, nông dân Maxim Levshunov tận dụng một ngày nắng hiếm hoi để thu gom những gì còn sót lại trên cánh đồng.
Anh thất vọng khi nhặt những bông lúa mì nảy mầm sớm do độ ẩm cao. Bây giờ, hầu hết các loại cây trồng của ông chỉ phù hợp làm thức ăn chăn nuôi, có nghĩa là thu nhập từ trang trại sẽ giảm đáng kể so với dự kiến.
"Chúng tôi có thể sẽ bắt đầu không trồng lúa mì nữa. Vì vậy, chúng tôi đang suy nghĩ về những loại cây trồng có lợi nhuận hơn có thể trồng được ngay bây giờ", Levshunov nói.
Khi vụ thu hoạch kết thúc, nông dân Nga bắt đầu đánh giá thiệt hại nông nghiệp do thời tiết xấu và xem xét các bước tiếp theo trong bối cảnh lợi nhuận của lúa mì, mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Nga, giảm mạnh.
Vụ lúa mì mùa đông đã trở thành nạn nhân đầu tiên khi diện tích gieo trồng dự kiến sẽ giảm 10% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2019, theo dữ liệu từ Rusagrotrans, công ty vận chuyển ngũ cốc hàng đầu của Nga.
"Mỗi tấn bán ra đều lỗ. Giá bán không đủ bù đắp chi phí", Arkady Zlochevsky, trưởng nhóm vận động hành lang của ngành công nghiệp Liên minh Ngũ cốc Nga, cho biết. Ông dự đoán rằng thị phần của Nga trong thương mại lúa mì toàn cầu, hiện đang ở mức 26%, sẽ giảm.
Cây trồng có lợi nhuận cao hơn
Một số nông dân quyết định trồng ít lúa mì hơn vào năm sau. Nhiều người khác đang chờ xem giá lúa mì toàn cầu diễn biến như thế nào trong vài tuần tới trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
"Lợi nhuận từ các loại cây ngũ cốc đang gần bằng không. Công ty đã giảm 30% lượng gieo trồng lúa mì mùa đông. Đậu nành và hướng dương hiện là 2 nông sản chính", Dmitry Garnov, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Rostagro, cho biết.
Chi phí thiết bị và nhiên liệu tăng, thuế xuất khẩu cao, lãi suất chuẩn tăng lên tới 21% và việc xóa bỏ một số trợ cấp nông nghiệp cũng khiến lợi nhuận giảm.
"Rõ ràng là trong giai đoạn 2022 - 2024, giá thành gần như không thay đổi, trong khi chi phí sản xuất ngũ cốc đã tăng ít nhất 28%", Sergei Lisovsky, một hạ nghị sĩ Nga từ khu vực Kurgan, cho biết.
Ông Lisovsky lập luận rằng thuế xuất khẩu ngũ cốc cao, được đưa ra vào năm 2021, cũng như chi phí vận tải tăng đối với các khu vực không có cảng biển, cũng khiến lợi nhuận giảm.
"Do đó, đến nay, nông dân chưa trồng ngũ cốc không phải vì hạn hán mùa thu, mà vì họ đang chờ xem giá bán sẽ được bao nhiêu và vẫn chưa đưa ra quyết định", Lisovsky nói thêm.
Cây trồng ngắn hạn
Ở vùng Krasnodar màu mỡ nhất của Nga, lợi nhuận của lúa mì vẫn ở mức khoảng 10%, nhưng một số trang trại lớn của địa phương cũng đang cân nhắc thay đổi chiến lược khi hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn mỗi năm.
"Thời tiết đang dần ấm lên ở phía nam, và chúng ta cần suy nghĩ về việc thay đổi cơ cấu diện tích gieo trồng cho tương lai", Yevgeny Gromyko, giám đốc điều hành trang trại Tkachev Agrocomplex và là cựu Thứ trưởng Nông nghiệp Nga, cho biết.
Các loại cây trồng ngắn hạn có tiềm năng trở thành mặt hàng xuất khẩu hiệu quả với các đồng minh của Nga trong khối BRICS, hỗ trợ chính phủ đạt được mục tiêu của ông Putin là tăng gấp rưỡi xuất khẩu nông sản vào năm 2030.
Nga đã vượt qua Canada trong năm nay để trở thành nhà xuất khẩu đậu Hà Lan hàng đầu sang Trung Quốc trong khi Ấn Độ cũng đã bật đèn xanh nhập khẩu đậu lăng từ Nga.
Nga đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, sau khi từng phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong thời Liên Xô và phải nhập khẩu ngũ cốc từ các đối thủ trong Chiến tranh Lạnh như Mỹ và Canada.
Tuy nhiên, đối với những người nông dân đang gặp khó khăn, lợi nhuận liên tục giảm là điều đáng lo ngại chứ không phải vị thế trên trường quốc tế. "Nhiều trang trại chỉ chuyên trồng lúa mì đã thua lỗ trong năm nay và sẽ phải đối mặt với những khó khăn tài chính rất nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến phá sản", nông dân Levshunov nói.