| Hotline: 0983.970.780

Ukraine cáo buộc Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa liên lục địa

Thứ Năm 21/11/2024 , 16:42 (GMT+7)

Quân đội Ukraine cáo buộc Nga phóng tên lửa liên lục địa (ICBM) trong một cuộc tấn công vào thành phố Dnipro trong ngày 21/11.

Một xe phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga tại Quảng trường Đỏ trong cuộc diễu binh ở trung tâm Moscow hồi tháng 5/2024. Ảnh: AFP.

Một xe phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga tại Quảng trường Đỏ trong cuộc diễu binh ở trung tâm Moscow hồi tháng 5/2024. Ảnh: AFP.

"Một tên lửa đạn đạo liên lục địa đã được phóng từ khu vực Astrakhan của Liên bang Nga", không quân Ukraine cho biết trong một tuyên bố, song không cho biết Nga đã sử dụng loại ICBM nào.

Quân đội Ukraine cũng cho biết một tên lửa đạn đạo X-47M2 Kinzhal đã được phóng cùng với 7 tên lửa hành trình khác trong cuộc tấn công vào Dnipro.

Gần như toàn bộ các tên lửa hành trình đã bị bắn hạ, quân đội Ukraine tuyên bố. "Những tên lửa khác không gây thiệt hại đáng kể", tuyên bố cho biết.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "không có gì để nói" về cáo buộc của quân đội Ukraine về việc lần đầu tiên sử dụng ICBM. Trong một cuộc gọi với các phóng viên, ông Peskov đã từ chối bình luận. "Đó là một câu hỏi dành cho quân đội của chúng tôi", ông nói.

Nếu tuyên bố của Ukraine được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Nga sử dụng loại vũ khí tầm xa uy lực này trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 1.000 ngày.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) là một vũ khí tầm xa được bắn vào không gian và sau đó giải phóng một đầu đạn hoặc nhiều đầu đạn quay trở lại bầu khí quyển tấn công mục tiêu.

ICBM có tầm bắn đến đến 5.500km, nhưng một số loại ICBM có tầm bắn xa hơn rất nhiều, lên đến hơn 9.000km, theo Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí.

ICBM có thể được phóng từ tàu ngầm hoặc xe phóng và có thể được sử dụng nhiên liệu rắn hoặc lỏng. ICBM sử dụng nhiên liệu rắn được coi là nguy hiểm hơn vì chúng có thể di chuyển và phóng nhanh hơn so với ICBM nhiên liệu lỏng.

Tên lửa ICBM đầu tiên được phóng vào năm 1957 bởi Liên Xô. Mỹ sau đó cũng sở hữu loại vũ khí này vào năm 1959.

Vụ phóng tên lửa diễn ra trong bối cảnh cả Nga và Ukraine, cùng với các đồng minh phương Tây, đã thực hiện nhiều thay đổi chính sách lớn.

Hôm 17/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Ukraine đã ngay lập tức sử dụng loại vũ khí này để tấn công vào vùng Bryansk của Nga hôm 19/11. Kiev cũng đã lần đầu tiên đã phóng tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh và Pháp sản xuất vào lãnh thổ Nga trong ngày 20/11.

Hôm 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã duyệt học thuyết hạt nhân mới của nước này. Tài liệu quy định rằng một cuộc tấn công vào Nga bởi nước không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công chung của hai nước.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.