| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm - nghề đặc biệt

Thứ Ba 22/05/2012 , 10:26 (GMT+7)

Thật khó có thể hình dung 1 cán bộ kiểm lâm giữ hàng hàng ngàn ha rừng mà thu nhập vẻn vẹn chỉ 1-2 triệu đồng/tháng...

Có một lực lượng gian khổ và nguy hiểm không kém lực lượng vũ trang, đó là kiểm lâm. Nhưng nếu nói về lương, sẽ có hàng ngàn, hàng vạn chiến sỹ kiểm lâm, lực lượng BVR tủi thân. Thật khó có thể hình dung 1 cán bộ kiểm lâm giữ hàng hàng ngàn ha rừng mà thu nhập vẻn vẹn 1-2 triệu đồng/tháng...  

Ông Nguyễn Văn Minh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Huế: Kiểm lâm thành phố cũng… khổ

Là người làm khá lâu trong ngành kiểm lâm, cá nhân tôi cũng đã “thấm” hết những nhọc nhằn của nghề này. Bởi thế, hồi đi học, nhiều sinh viên lâm nghiệp khi chuẩn bị ra trường đều được các giảng viên “khuyến cáo” kiểm lâm là một nghề đặc biệt, ngoài kiến thức cơ bản còn phải có sức khỏe, lòng dũng cảm và một trái tim sắt đá. Các kiểm lâm viên của hạt ngoài lương được trả theo hệ số và phụ cấp 0,2% lương cơ bản (chỉ 210 nghìn đồng/tháng) nên đời sống của anh em rất khó khăn.

Trong khi đó, khối lượng công việc lại rất lớn, nhất là vào mùa nắng nóng. Phụ trách gần 400 ha rừng đặc dụng, rừng trồng ở TP. Huế, nhưng chỉ có 6 kiểm lâm viên địa bàn của hạt, nhiều lúc mình thấy anh em quá vất vả, phải căng mình ra mà làm việc bởi đa số các cánh rừng ở thành phố đều là rừng thông, rất dễ gây cháy; rừng lại gắn với các di tích, điểm du lịch, cụm dân cư. Bước vào mùa khô hạn và những ngày lễ là thời điểm rất dễ xảy ra cháy rừng, anh em phải thay nhau túc trực ngày đêm, vận động bà con chủ rừng, công ty lâm nghiệp triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Với khối lượng công việc như thế nhưng lương cho anh em kiểm lâm viên chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, nhiều đồng chí bảo với mức lương đó không đủ lo cho bản thân chứ đừng nói đến vợ con nên bám trụ với nghề phải có thêm tình yêu, trách nhiệm đối với rừng.

Làm kiểm lâm những rủi ro trong nghề lại rất lớn, nhiều anh em khi tuần tra, chữa cháy rừng gặp tai nạn bị thương cũng chỉ biết động viên, hỗ trợ nhau trong hoạn nạn mà thôi. Làm kiểm lâm thành phố cũng khó mọi bề chứ đừng nói đến kiểm lâm ở các vùng là “điểm nóng” khác. 

Duy Phiên (ghi) 

Ông Lê Viết Ngọc Vinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới, TT-Huế: Mức lương chưa tương xứng với công việc

Những năm gần đây mặc dù ngành kiểm lâm về mặt chính sách đã nhận được sự quan tâm của nhà nước, đặc biệt là chế độ phụ cấp ưu đãi ngành kiểm lâm, đã trở thành niềm cứu cánh cho nhiều anh em làm việc. Thế nhưng, nhìn chung với mức lương cơ bản và phụ cấp như thế so với khối lượng và tính chất công việc lại chưa tương xứng bởi kiểm lâm là một nghề đặc biệt nên đa số đời sống anh em kiểm lâm viên còn nhiều khó khăn.

Tôi ví dụ nhé, cùng tốt nghiệp đại học, ra trường cùng làm việc là công chức nhà nước như nhau, nhưng làm trong ngành kiểm lâm lại gian nan, hiểm nguy hơn nhiều so với một số ngành khác. Thử so sánh nhé, kiểm lâm không là lực lượng vũ trang, nhưng so với mức lương trong lực lượng vũ trang thì… quá xa vời. Hạt kiểm lâm A Lưới có 23 kiểm lâm viên (trong đó đã biên chế 21 người) nhưng phụ trách đến trên 90.000ha rừng (chiếm 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh), nghĩa là bình quân một kiểm lâm phụ trách gần 4.000 ha rừng, với khối lượng công việc như thế và mức lương cơ bản cộng phụ cấp 50% lương, anh em không khó khăn sao được. Cá nhân tôi thấy khó khăn nhất là các kiểm lâm viên vùng sâu vùng xa, đặc biệt vùng rừng núi không có dân cư, chính quyền.

Hiện tại, ở hạt có 8 kiểm lâm viên ở trạm Che Lịnh, đây là khu vực nằm khá xa, phải đi bộ đường rừng, hầu hết anh em kiểm lâm trong khu vực này rất khó khăn, ngày đêm phải đối diện với các đối tượng phá rừng nên tính chất công việc của họ rất nguy hiểm. Cũng do địa bàn hoạt động xa nên đa số các kiểm lâm viên rất ít khi được về với gia đình. Ngoài lương cơ bản và phụ cấp, hàng năm kiểm lâm còn được cấp quần áo, giày đi rừng chứ không còn nguồn thu nào khác nên nhìn chung hoạt động trong ngành kiểm lâm đời sống anh em rất vất vả, chưa tương xứng với tính chất và khối lượng công việc mà họ phụ trách.

Duy Phiên (ghi)

 

Ông Lê Chí Tấn - Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ Ba Rền - Quảng Bình: Chúng tôi chẳng có chế độ gì đâu...

Nhà nước giao cho chúng tôi làm chủ rừng và nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý, BVR trên diện tích rừng đã giao. Vậy nên, chúng tôi cũng phải được xem là lực lượng BVR chuyên trách. Cùng chức năng, nhiệm vụ đầy cam go, vất vả đó, nhưng lực lượng BVR của các BQL rừng phòng hộ như đứng “ngoài rìa” các chế độ đãi ngộ cho công việc có tính đặc thù riêng biệt này. Bởi lẽ, ngoài lương sự nghiệp được hưởng theo hệ số nhà nước ban hành chung ra, chúng tôi không hề có được một khoản thu nhập mang tính đãi ngộ nào khác. Không có phần trăm đặc thù công việc, không có chế độ thâm niên. Thử hỏi, như vậy làm sao yên tâm công tác?

Nhiệm vụ chúng tôi cũng rất nặng nề. Trung bình mỗi tháng, anh em trong đơn vị phải có ít nhất 20 ngày ăn ở trong rừng. Vì nhiệm vụ tuần rừng là phải thường xuyên, liên tục. Trung bình mỗi ngày phải đi từ 9-10 km đường rừng. Làm không kể ngày nghỉ cuối tuần, ngủ đêm trong rừng cũng thường xuyên. Thế nhưng, chế độ của chúng tôi "mạt” lắm. Một cán bộ tốt nghiệp ĐH, có trên 10 năm công tác gắn bó với rừng, mỗi tháng nhận được nhỉnh hơn 3 triệu đồng tiền lương.

Trong khi đó, nếu được nhận công tác ở lực lượng vũ trang thì thu nhập gấp 2, 3 lần so với chúng tôi rồi. Chi phí cho bản thân cũng chưa đủ thì nói chi đến chuyện nuôi vợ, con. Đặc thù công việc nên mà chúng tôi chi phí gấp nhiều lần các công chức, viên chức khác. Nhiệm vụ thường xuyên đi rừng nên áo quần nhanh hỏng. Rồi phải thường xuyên bị sứt chân, đứt tay chảy máu nên phải thuốc kháng sinh, bông băng, gạc. Ngay cả việc ăn chúng tôi cũng phải ăn nhiều hơn. Đi rừng ăn phải gấp đôi người ở đồng bằng thì mới có sức mà đi. Chưa kể những cơn sốt rét rừng, đau ngã nước rừng... Ốm nặng thì đi BV có BHYT cũng đỡ. Đằng này, ốm vặt nên chỉ tự điều trị thôi. Tất thảy chi phí đó đều được trích từ lương của mình.

Nhiều lần, anh em vào rừng đẩy đuổi lâm tặc. Quần thảo một hồi nhìn lại thì mình cũng... không khác chi lâm tặc cả. Vì quần áo lấm lem và chẳng có màu sắc của trang phục BVR. Không có sắc phục riêng, không có kinh phí để mua sắm công cụ hỗ trợ nên khi vào rừng chỉ có nói “tay bo” với lâm tặc nên họ cũng chả sợ.

Tâm Phùng (ghi)

Ông Võ Văn Thanh - Trưởng phòng Tổ chức - Chi cục KL Quảng Bình: Thiếu gần nửa biên chế, làm sao giữ được rừng? 

Nếu theo NĐ 119/CP của Chính phủ thì cứ 1.000 ha rừng tự nhiên có 1 biên chế KL và 500 ha rừng đặc dụng, khu bảo tồn có 1 biên chế KL thì với gần 550.000 ha rừng tự nhiên Quảng Bình hiện thiếu ít nhất gần 200 biên chế (hiện Chi cục KL Quảng Bình có 127 công chức và 19 viên chức). Lực lượng mỏng như vậy nên khi có yêu cầu nhiệm vụ thì Chi cục thường xuyên điều động quân từ các Hạt, Đội cơ động tăng cường nhằm bảo đảm hiệu quả công việc. Khi giao ban hàng tháng, anh em lãnh đạo từ các Hạt, Đội “mổ” chúng tôi dữ lắm. Câu chất vấn nghe mãi mà cũng chịu: “Chi cục cứ điều động lực lượng của chúng tôi như vậy thì lấy đâu ra người bảo đảm các hoạt động chuyên môn của đơn vị?". Biết làm sao được, người ít, việc nhiều, quân số cứ điều động chạy như đèn cù.

 

Ngay cả lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng không có người để bố trí. Nhiều KL viên địa bàn phải phụ trách một lúc địa bàn của 2-3 xã. Vậy thì làm sao mà có hiệu quả công việc được? Trong lúc đó những chuyện lớn như để rừng bị phá, bị cháy rừng thì dư luận, cấp trên cứ nhè vào lực lượng KL mà quy trách nhiệm.

Quang Bình (ghi)

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

TP.HCM nghiên cứu lập đề án phủ kín rừng phòng hộ Cần Giờ

TP.HCM nghiên cứu Đề án phủ kín và mở rộng rừng phòng hộ Cần Giờ. Từ đó, tạo ra giá trị lớn hơn, hướng tới bán tín chỉ carbon, thu lợi từ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất