| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM nghiên cứu lập đề án phủ kín rừng phòng hộ Cần Giờ

Thứ Năm 09/05/2024 , 14:22 (GMT+7)

TP.HCM nghiên cứu Đề án phủ kín và mở rộng rừng phòng hộ Cần Giờ. Từ đó, tạo ra giá trị lớn hơn, hướng tới bán tín chỉ carbon, thu lợi từ rừng.

UBND TP.HCM có công văn gửi Bộ Tài Nguyên - Môi trường đề cử khu rừng phòng hộ Cần Giờ trở thành khu Ramsar. Hiện rừng Cần Giờ đáp ứng 4/8 tiêu chí của tổ chức công ước Ramsar. Ảnh: Nguyễn Thủy.

UBND TP.HCM có công văn gửi Bộ Tài Nguyên - Môi trường đề cử khu rừng phòng hộ Cần Giờ trở thành khu Ramsar. Hiện rừng Cần Giờ đáp ứng 4/8 tiêu chí của tổ chức công ước Ramsar. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Gần 140 hộ dân tham gia bảo vệ "lá phổi xanh" Cần Giờ

Rừng phòng hộ Cần Giờ có diện tích 34.000ha, chiếm đến 97% tổng diện tích rừng của TP.HCM. Với hệ thực vật đa dạng và phong phú, hệ thống sông, rạch đan xen trong toàn bộ diện tích rừng. Trong đó, một số đai rừng phát triển trên đất cao, ít ngập triều với thành phần là cây dễ cháy, tập trung tại một số tiểu khu. Tại các khu vực rừng trồng và các khu vực trồng cây chà là tự nhiên, là những khu vực rất nhạy cảm, dễ cháy, nhất là vào cao điểm mùa nắng nóng.

Hiện trên địa bàn huyện Cần Giờ, duy nhất xã Bình Khánh không có rừng. Rừng phủ gần kín địa bàn của huyện Cần Giờ và năm 2000, UNESCO công nhận rừng Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. 

Trong công tác phòng, chống cháy rừng, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, huyện tổ chức triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của thành phố, làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng theo phương châm “5 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, trong đó phòng là chính. Kết quả, năm 2023 không để xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, hai tuyến đường Rừng Sác vào mùa khô, một số loại thực bì, cây cỏ khô dễ cháy, rất nhạy cảm với mồi lửa, rất dễ dẫn đến cháy, nhưng với việc bố trí lực lượng bảo vệ tại chỗ đã ứng phó kịp thời, không để cháy lan vào rừng.

Lực lượng kiểm lâm tích cực tuần tra tại khu vực trong và ngoài rừng phòng hộ Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lực lượng kiểm lâm tích cực tuần tra tại khu vực trong và ngoài rừng phòng hộ Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Triển, công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong năm 2023 trên địa bàn đạt được hiệu quả là nhờ vào mối liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã, thị trấn có rừng, các đơn vị nhận khoán, các đơn vị liên quan đến bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, mô hình tổ tự quản bảo vệ rừng ngày càng đi vào chiều sâu, nhận thức của người dân địa phương về pháp luật bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng ngày càng nâng cao; công tác tổ chức, nhân sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các quy định, chỉ đạo của UBND thành phố.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 12 đơn vị tham gia bảo vệ rừng, gần 140 hộ dân giữ rừng, với mức khoán cao nhất cả nước là 1.156.000đồng/1ha. “Huyện xây dựng những chốt trực để người dân tham gia giữ rừng đóng chốt, tạo điều kiện để họ vừa giữ rừng, vừa có thể canh tác, thu hoạch hưởng lợi từ rừng, từ tôm, cá, cua, ốc...Đồng thời, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, góp phần để lực lượng tham gia giữ rừng an tâm công tác”, ông Triển nói.

Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Cần Giờ được UBND TP.HCM cho phép đầu tư 5 dự án trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên.

Vì một Cần Giờ mãi xanh

Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, nhờ các phương tiện công nghệ đã giúp Cần Giờ nhận ra những “điểm lởm chởm da beo, những điểm lỗ chỗ” giữa 34.000ha rừng phòng hộ.

“Diện tích này khoảng 1.000 ha. Trước đây, khu vực này người dân canh tác sản xuất muối. Đặc biệt, một số vị trí đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong rừng phòng hộ. Đây cũng là một trong những vấn đề đặt ra cần giải quyết đối với rừng Cần Giờ để hướng tới phát triển xanh trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nói và cho biết thêm, Chủ tịch UBND TP.HCM đã lập một tổ công tác do Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường làm tổ trưởng để nhận diện, tháo gỡ những khó khăn này.

Các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia trồng rừng nhằm phủ xanh rừng Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia trồng rừng nhằm phủ xanh rừng Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, là một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển xanh, TP.HCM đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Do đó, một trong những giải pháp là tăng cường trồng rừng, mở rộng rừng của thành phố, từ đó tạo ra giá trị đáng sống cho người dân và du khách khi sống và trải nghiệm tại thành phố xanh. Trong đó, xây dựng Cần Giờ là huyện xanh và rừng Cần Giờ sẽ tạo ra giá trị bằng tiền là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Trước yêu cầu cấp bách đó, ông Hoan đề nghị, Sở NN-PTNT TP.HCM phối hợp UBND huyện Cần Giờ và các đơn vị liên quan nghiên cứu lập đề án phủ kín rừng Cần Giờ. Trong đề án này sẽ di dời dân ra ngoài, tổ chức quản lý, bố trí lại dân cư, bố trí lại sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp để đảm bảo cuộc sống người dân tốt hơn, để họ không len lỏi trong rừng. “Rừng Cần Giờ không thể để tình trạng người dân sản xuất bên trong. Họ vẫn có thể tham gia quản lý rừng, nhưng không khai thác muối ở trong rừng”, ông Hoan nói.

Lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị Sở NN-PTNT phối hợp huyện Cần Giờ nghiên cứu Đề án phủ kín rừng phòng hộ Cần Giờ cộng với Đề án mở rộng rừng phòng hộ sẽ tạo ra giá trị lớn hơn cho rừng Cần Giờ, phát huy giá trị đa dụng từ hệ sinh thái rừng, từ đó sẽ phát hành được chứng chỉ carbon, tạo nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.

UBND huyện Cần Giờ đã ban hành kế hoạch phối hợp xây dựng chương trình hành động “Vì một Cần Giờ xanh”, trong đó, đề cập sâu đến đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon. 

Giai đoạn 2024-2025: trồng mới 180ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 200ha; chăm sóc 150ha rừng trồng giai đoạn 2016-2020.

Giai đoạn 2026-2030: trồng mới 280ha rừng, khoanh nuối xúc tiến tái sinh tự nhiên 200ha; chăm sóc 150ha rừng trồng giai đoạn 2024-2025.

Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ dữ liệu về trữ lượng, hệ số chuyển đổi carbon của các loài cây rừng ngập mặn tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ - TP.HCM. Qua đó, nhằm góp phần triển khai nội dung xác định khả năng hấp thu khí nhà kính trên địa bàn TP.HCM cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng tín chỉ carbon theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM giai đoạn 2024-2026.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.