| Hotline: 0983.970.780

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Thứ Hai 04/03/2024 , 15:49 (GMT+7)

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có tổng diện tự nhiên là 5.640 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung của 502 hộ đồng bào người Mông với hơn 2.500 nhân khẩu. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng mái nhà chung ấy bao đời nay đã được người Mông đồng lòng gìn giữ bằng những luật tục truyền từ đời này sang đời khác.

Rừng là một phần trong đời sống của người dân xã Nà Hẩu. Ảnh: Hùng Khang.

Rừng là một phần trong đời sống của người dân xã Nà Hẩu. Ảnh: Hùng Khang.

“Người Mông Nà Hẩu coi rừng là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Đồng bào nơi đây đã đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng, được cộng đồng tôn trọng như những luật tục. Rừng là nơi để người Mông Nà Hẩu thực hành nghi lễ tín ngưỡng cúng rừng, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp họ có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bình yên, cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển”, ông Vũ Xuân Bá, Bí thư Đảng uỷ xã Nà Hẩu chia sẻ.

Theo đó, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm, người dân ở các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu rừng cấm, rừng thiêng để cùng tổ chức “lễ cúng Thần rừng” hay còn gọi là “Tết rừng”. Đây là phong tục độc đáo được đồng bào người Mông lưu truyền qua nhiều thế hệ.

“Chúng tôi ai cũng rất phấn khởi, chờ đợi đến ngày Tết rừng để bà con dân bản cầu mong những điều may mắn trong năm mới, mưa thuận gió hòa, năm mới có sức khỏe mới, làm gì cũng yên tâm”, ông Giàng A Châu, người dân xã Nà Hẩu chia sẻ.

Người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức lễ cúng thần rừng vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm. Ảnh: Hùng Khang.

Người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức lễ cúng thần rừng vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm. Ảnh: Hùng Khang.

Các thôn bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm, rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ thần rừng.

Mở đầu là nghi lễ rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ diễn ra trước cửa rừng, dưới gốc cây táu mật cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản. Lợn đen được giao cho hai chàng trai và hai cô gái khiêng từ UBND xã lên khu rừng cấm.

Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về bốn phía gõ mõ và khấn mời thần linh về chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy cúng cùng một số thanh niên trong xã thực hiện việc cắt tiết gà, tiết lợn, lông của gà được phết máu và dán lên gốc cây cổ thụ.

Đây là phong tục độc đáo, là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn đến thần rừng, cầu chúc một năm mưa thuận gió hòa, bà con no ấm. Ảnh: Hùng Khang.

Đây là phong tục độc đáo, là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn đến thần rừng, cầu chúc một năm mưa thuận gió hòa, bà con no ấm. Ảnh: Hùng Khang.

Sau lễ hội Tết rừng, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần rừng đã che chở, nuôi sống đồng bào bao đời nay. Trong thời gian này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ theo luật tục. Đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo….

Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, góp phần bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc mà còn góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nói riêng và trên địa bàn huyện Văn Yên nói chung. 

Đây cũng là dịp để xã Nà Hẩu quảng bá những nét đẹp văn hóa địa phương, phát triển du lịch cộng đồng, từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của các thác nước và hang động, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của đồng bào người Mông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm