| Hotline: 0983.970.780

Mạnh tay với ‘giặc lửa’ trong phòng chống cháy rừng

Thứ Tư 13/03/2024 , 11:53 (GMT+7)

11 địa phương ở Sóc Trăng thuộc vùng cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V, nên kiểm lâm kiên quyết không để xảy ra tình trạng sử dụng lửa trong rừng dưới mọi hình thức.

Theo thông tin cảnh báo cháy rừng mới nhất của Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), trên cả nước có 134 vùng cảnh báo cháy cấp IV và 114 vùng cảnh báo cháy cấp V (cực kỳ nguy hiểm). Trong đó, một số huyện, thị thuộc các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ghi nhận nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng cấp V.

Do đang là cao điểm mùa khô, các cánh rừng ở Sóc Trăng đang nằm trong vùng nguy cơ cháy rừng cấp V. Ảnh: Kim Anh.

Do đang là cao điểm mùa khô, các cánh rừng ở Sóc Trăng đang nằm trong vùng nguy cơ cháy rừng cấp V. Ảnh: Kim Anh.

Ghi nhận thực tế tại phân trường Thạnh Trị ở xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, đa phần trồng cây tràm, nền đất hiện có nhiều lá cây, lau sậy khô. Trong khi đó các tuyến kênh mương dẫn nước vào những cánh rừng nhiều ngày qua cũng khô cạn.

Ngay từ đầu mùa khô 2023 - 2024, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng cùng các đơn vị có liên quan đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra hiện trạng rừng, công tác phòng cháy chữa cháy, đồng thời lên phương án chủ động bảo vệ diện tích rừng tràm trước “giặc lửa”, tránh bị động, bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra.

Qua thống kê, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 3.200ha rừng sản xuất. Do đó, ngành kiểm lâm tỉnh xác định, công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng và chữa cháy rừng cho các tổ bảo vệ rừng cũng như người dân sống ven rừng rất quan trọng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cùng các cơ quan chuyên môn kiểm tra hiện trang và công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2023 – 2024. Ảnh: Kim Anh.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cùng các cơ quan chuyên môn kiểm tra hiện trang và công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2023 – 2024. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ, khoa học giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng thông qua những buổi diễn tập nên người dân trở nên thành thạo hơn trong việc xử lý tình huống. Ban quản lý các phân trường có cơ sở đánh giá chính xác hiện trạng các dụng cụ, trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác chữa cháy rừng tại đơn vị.

Phó Giám đốc Phân trường Thạnh Trị - ông Phạm Thanh Tùng cho biết, hiện đơn vị đã lập ra 5 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng gồm 27 thành viên. Nhiệm vụ của các tổ là túc trực xuyên suốt 24/24 để đảm bảo phát hiện và kịp thời ngăn chặn nếu có tình huống cháy rừng phát sinh. Đặc biệt là kiểm soát việc sử dụng lửa, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sử dụng lửa trong rừng dưới mọi hình thức. Các tổ bảo vệ rừng sẽ luân phiên tuần tra hàng ngày, hàng tuần, vừa đôn đốc, nhắc nhở nhau hạn chế mang các vật dụng dễ cháy vào rừng.

Cơ quan chuyên môn phối hợp cùng Ban quản lý các phân trường và người dân Sóc Trăng diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Kim Anh.

Cơ quan chuyên môn phối hợp cùng Ban quản lý các phân trường và người dân Sóc Trăng diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Kim Anh.

Nhờ sự đồng lòng và ý thức trách nhiệm cộng với sự hưởng ứng tích cực của người dân sống ven rừng, đáng mừng nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng chưa ghi nhận sự cố cháy rừng nào.

Về lâu dài, để phát huy hơn nữa hiệu quả trong công tác và chữa cháy rừng, ngoài thực hiện theo đúng phương châm "4 tại chỗ", Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo các chủ rừng hạn chế người ra vào rừng, đốt lửa trong rừng hoặc đốt đồng ở khu vực giáp ranh với rừng.

Hiện nay, tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, đơn vị đã bố trí cán bộ túc trực 24/24, kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật để tiếp nhận thông tin cảnh báo hoặc sự cố phát sinh từ các địa phương.

Tăng cường nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Tăng cường nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh các giải pháp đã và đang được ngành chuyên môn triển khai, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến khích người dân tăng cường tham gia các lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, chung tay cùng với địa phương bảo vệ an toàn cho các cánh rừng.

Theo quyết định công bố hiện trạng rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng của tỉnh đạt trên 10.300ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 của tỉnh đạt 2,53%. Cũng trong năm ngoái, diện tích rừng trồng mới, trồng lại rừng sau khai thác tăng gần 274ha, rừng trồng đủ tiêu chí thành rừng tăng gần 189ha.

Theo mục đích sử dụng, diện tích rừng được chia thành 3 loại: rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

Xem thêm
Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất