| Hotline: 0983.970.780

Bí mật Trung Nam Hải

Thứ Hai 26/08/2013 , 09:38 (GMT+7)

Tòa nhà Trung Nam Hải được coi là biểu tượng quyền lực của Trung Quốc hiện đại giống như Nhà Trắng của Mỹ hay điện Kremlin của Nga.

Tòa nhà Trung Nam Hải được coi là biểu tượng quyền lực của Trung Quốc hiện đại giống như Nhà Trắng của Mỹ hay điện Kremlin của Nga. Đằng sau bức tường màu đỏ với dòng chữ “Vì nhân dân phục vụ” ẩn chứa những quyết sách tối cao của Trung Quốc.

 

Tối mật

Trung Nam Hải là tên gọi chung của khu vực Trung Hải và Nam Hải, ngoài ra còn có một “Hải” nữa là Bắc Hải (nay là Công viên Bắc Hải) nằm tại phía tây của tòa thành cổ mang tên Cố Cung tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trung Nam Hải có diện tích tổng cộng 1.500 ha, trong đó diện tích mặt nước là 700 ha.

Trung Nam Hải được xây từ thế kỷ 12 và tiếp tục được tu bổ vào thời nhà Nguyên, Minh và có hình dáng như hiện tại từ thời nhà Thanh. Theo các tài liệu được chính phủ Trung Quốc công bố, khu Trung Nam Hải rộng hơn 100 ha, có khoảng 150 lầu, và các tòa nhà được xây dọc theo ba chiếc hồ nhân tạo và nối với nhau bằng hai chiếc cầu.

Khu vực xung quanh chiếc hồ ở phía bắc được mở làm công viên Bắc Hải dành cho công chúng, trong khi hai chiếc hồ Trung Hải và Nam Hải, tạo nên “biểu tượng quyền lực tối cao” Trung Nam Hải. Những lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đều có văn phòng ở đây, bao gồm các thành viên Bộ Chính trị nước này.

Điều kỳ thú là cái tên Trung Nam Hải bắt nguồn từ tiếng Mông Cổ trong thời nhà Nguyên trị vì Trung Quốc với ý nghĩa “vùng nước”.


Cửa chính vào Trung Nam Hải, trên đề chữ: Tân Hoa Môn. Bên trong là dòng chữ: Vì nhân dân phục vụ

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, cái tên này vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Nhiều lãnh đạo nổi tiếng Trung Quốc từng sống tại tòa nhà này như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ ...

Một nhà báo Nhật Bản từng viết trên tờ Asahi Shimbun rằng: “Địa thế đẹp, kiến trúc độc đáo nhưng vì tính chất tối mật được đặt lên hàng đầu nên Trung Nam Hải đến nay vẫn là một bí ẩn trong mắt du khách.

Ngoài bức tường bao màu đỏ, du khách có thể thả sức chụp ảnh lưu niệm, nhưng bên trong bức tường, đó chính là nơi ra đời những quyết sách quan trọng nhất chèo lái đất nước Trung Quốc trở thành một tâm điểm phát triển của thế kỉ 21”.

Điều độc đáo nhất trong kiến trúc ở Trung Nam Hải chính là “trong vườn có vườn” với sự kết hợp độc đáo của các hồ nước, các ngọn giả sơn để tạo cảm giác bình yên, cổ kính với những bức tường, gạch lát có lịch sử hàng trăm năm.

Biểu tượng quyền lực

Lần ngược lại lịch sử, Trung Nam Hải bắt đầu trở thành khu vực làm việc của lãnh đạo từ năm 1912. Đó là khi hoàng đế Phổ Nghi nhà Thanh thoái vị, Viên Thế Khải lên nắm quyền và thành lập Trung Hoa dân quốc. Họ Viên gọi khu nhà này là Tổng thống phủ của Bắc Dương chính phủ do Viên lập ra.

Sau này, Viên Thế Khải xưng đế và gọi đây là Tân Hoa cung, với hàm ý đây là cung điện của nhà nước Trung Hoa mới.


Những bức tường cao với đèn lồng đỏ ở Trung Nam Hải

Đến thời Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, họ Tưởng dời đô về Nam Kinh, đặt nơi này dưới quyền quản lý của quân khu Bắc Bình. Toàn bộ khu vực Trung Nam Hải khi đó được mở cửa cho dân chúng tham quan.

Năm 1949, khi nhà nước Trung Quốc hiện đại chính thức tuyên bố thành lập, Trung Nam Hải được chọn làm nơi làm việc, họp bàn của Đảng và Chính phủ Trung Quốc.

Do các lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đều làm việc tại đây nên Trung Nam Hải trở thành biểu tượng quyền lực của đất nước đông dân nhất thế giới.

Trung Nam Hải là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất Trung Quốc, tách biệt với công chúng. Giai đoạn từ năm 1977-1985, nơi đây từng mở cửa một số phần cho người dân tham quan nhưng sau đó đóng cửa hoàn toàn với những người không được phép tiếp cận.

Bao quanh Trung Nam Hải là bức tường có chu vi hơn 100m, cao 6m với lượng camera an ninh dày đặc, đảm bảo không ai có thể thâm nhập trái phép.

Quanh tường là hàng cây xanh với đèn lồng đỏ, phối hợp cùng màu đỏ của tường tạo ra cảm giác lịch sử sâu xa.

Cháu gái nhà lãnh đạo Chu Ân Lai, bà Chu Bỉnh Đức nhớ lại: “Lúc mới vào Trung Nam Hải, tôi khá thất vọng bởi nơi này không nguy nga như tưởng tượng. Trái lại, các lãnh đạo đều ăn uống kham khổ như người thường”.

Bà Chu kể rằng trong một lần được ăn cơm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, đầu bếp làm thêm món ăn cho bà, nhưng cũng chỉ theo đúng công thức: bốn thức ăn, một canh.

Bà Chu nói bát canh đó cũng đơn giản như canh của những gia đình Trung Quốc bình thường, có khác đôi chút là trong canh có thêm mấy con cá nhỏ bắt được trong những hồ nước ở Trung Nam Hải.


Các vệ sĩ ở Trung Nam Hải

Ấn tượng sâu đậm nhất về Trung Nam Hải với cô gái nhỏ Chu Bỉnh Đức khi đó là Thủ tướng Chu Ân Lai thường xuyên ăn với thực đơn “bốn thức ăn, một canh”. Thậm chí bà Chu nói bà vô cùng kinh ngạc khi biết đó là tiêu chuẩn ăn uống của Thủ tướng.

Báo chí Trung Quốc nói truyền thống ăn uống đó vẫn duy trì cho đến ngày nay, các lãnh đạo Trung Quốc khi tiếp khách vẫn theo công thức ăn uống tiết kiệm như thế.

Từ thời mới thành lập, Trung Nam Hải đã chứng kiến những quyết sách mang tính vận mệnh với Trung Quốc. Nơi này diễn ra kỳ họp đầu tiên của chính quyền Trung Quốc sau khi giành độc lập năm 1949.

Cũng chính tại đây, bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” trở thành quốc ca Trung Quốc và cái tên Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa cũng được định ra sau những cuộc họp bàn bên trong Trung Nam Hải.

Một điều nữa được coi là bí mật ở Trung Nam Hải, chính là hệ thống đường hầm chưa từng được các lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến công khai.

Theo báo Asahi Shimbun của Nhật Bản, một cựu quan chức quân đội giấu tên từng nói với báo này về một đường hầm bí mật nối Trung Nam Hải với Đại lễ đường nhân dân – nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội Trung Quốc.

Nguồn tin của Asahi Shimbun nói còn có một số đường hầm được xây dựng để chống bom nguyên tử. Ý tưởng này được nói là của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông đưa ra trong thời kỳ quan hệ Trung – Xô trở nên xấu đi vào cuối những năm 1960.

Vài năm trước, khi đường hầm trú ẩn ở một số khu vực tại Bắc Kinh được hé lộ cho công chúng tham quan, tin đồn về đường hầm bí mật ở Trung Nam Hải càng được cho là đáng tin hơn.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.