| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Thứ Ba 15/10/2024 , 08:33 (GMT+7)

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Phát triển du lịch để bán đặc sản cá sông Đà

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình khẳng định: Đề án 966 vừa được UBND tỉnh phê duyệt là cơ sở pháp lý, định hướng chiến lược để quản lý, phát triển khai thác tiềm năng, lợi thế về thủy sản lòng hồ Hòa Bình đến năm 2030. Tỉnh xác định, du lịch là "đầu kéo" để nâng tầm giá trị của thương hiệu tôm cá sông Đà, lấy chất lượng làm chiều sâu chứ không chạy theo số lượng, sản lượng.

Ông Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình: Tỉnh Hòa Bình xác định, du lịch là 'đầu kéo' để nâng tầm giá trị của thương hiệu tôm cá sông Đà, lấy chất lượng làm chiều sâu chứ không chạy theo số lượng, sản lượng. Ảnh: Trần Doanh.

Ông Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình: Tỉnh Hòa Bình xác định, du lịch là "đầu kéo" để nâng tầm giá trị của thương hiệu tôm cá sông Đà, lấy chất lượng làm chiều sâu chứ không chạy theo số lượng, sản lượng. Ảnh: Trần Doanh.

"Vùng lòng hồ thủy điện có 5 mục tiêu lớn, tầm quan trọng được sắp xếp theo thứ tự: phòng chống thiên tai (cắt lũ); phục vụ sản xuất nông nghiệp (thủy lợi cho đồng bằng Bắc Bộ); phát điện; nguồn cung cấp nước sạch cho thủ đô Hà Nội; phát triển du lịch kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Như vậy, thủy sản chỉ là một nhánh "ăn theo" của mục tiêu thứ năm trong số các nhiệm vụ trọng yếu nói trên.

Do đó, việc định hướng phát triển thủy sản của tỉnh Hòa Bình trong lòng hồ cần tính toán, cân nhắc để đảm bảo hài hòa các mục tiêu, nhiệm vụ, trong đó đảm bảo an ninh nguồn nước, giữ môi trường sinh thái hồ Hòa Bình là mục tiêu then chốt, lâu dài”, ông Hải nói.

Vẻ đẹp nên thơ của vùng lòng hồ rộng 8.900ha trên sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Vẻ đẹp nên thơ của vùng lòng hồ rộng 8.900ha trên sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Định hướng này cũng phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển và Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình; Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển thủy sản gắn với du lịch theo định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển chuỗi liên kết bền vững để tạo ra các sản phẩm thủy sản đặc trưng, đặc hữu, có thương hiệu.

Để thực hiện được điều này cần có sự chủ động của địa phương, người dân, doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, làng nghề, phong tục tập quán truyền thống đặc sắc ở nông thôn để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng có thương hiệu hấp dẫn du khách. Trong đó, chính quyền đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất…

Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình hiện có 16 dự án đầu tư được cấp phép hoặc giấy chứng nhận đầu tư. Tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.444 ha; tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư khoảng 3.304 tỷ đồng. Kể từ thời điểm Nghị quyết số 14 ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch được ban hành, Hòa Bình đã thu hút đầu tư về du lịch được 11 dự án, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 757ha, với tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư khoảng 3.201 tỷ đồng.

Thành phố Hòa Bình nhìn từ chân đập thủy điện. Ảnh: Kiên Trung.

Thành phố Hòa Bình nhìn từ chân đập thủy điện. Ảnh: Kiên Trung.

Những dự án trọng điểm về du lịch mà Hòa Bình kỳ vọng có thể nhắc tới những cái tên: Dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson (tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng); Dự án Khu nghỉ dưỡng và sinh thái hồ Hòa Bình (vốn đăng ký đầu tư 800 tỷ đồng); Dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa (vốn đăng ký đầu tư trên 474 tỷ đồng); các khu, điểm du lịch sinh thái đã thành hình như Mai Chau Hideaway, Ba Khan Village Resort, đảo Dừa; các điểm du lịch cộng đồng xóm Ké, Đá Bia, Ngòi Hoa, Mó Hém, Bích Trụ... là cơ sở đề hình thành các tour, tuyến du lịch lòng hồ trên bản đồ du lịch của Hòa Bình.

Ngành du lịch Hòa Bình đang đưa ra nhiều lựa chọn cho du khách như tour du lịch khám phá hang động Hoa Tiên (huyện Tân Lạc); hang Hổ Vàng, hang Sông, hang Sưng (huyện Đà Bắc); tuyến du lịch đường thủy di chuyển bằng tàu trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; mở tuyến du lịch đi bộ, đạp xe dọc hai bờ sông Đà thuộc huyện Tân Lạc, Mai Châu và Đà Bắc thuộc khu du lịch hồ Hòa Bình…, và tôm cá sông Đà luôn là sản vật theo suốt hành trình.

Bán thương hiệu cá sông Đà chứ không bán thủy sản sông Đà

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình nhận định, điểm yếu nhất của du lịch Hòa Bình đó là cơ sở vật chất, hạ tầng. Do gần với thủ đô Hà Nội, số lượng du khách ở lại lưu trú là rất ít, trong khi đó du lịch muốn có nguồn thu, mấu chốt là phải giữ được chân du khách ở lại.

Khu du lịch hồ Hòa Bình hiện có 107 cơ sở lưu trú với tổng số 1.383 buồng phòng; khoảng 300 phương tiện vận chuyển khách trên sông; có khoảng trên 20 hộ nuôi trồng thủy trên hồ Hòa Bình đã đăng ký loại hình hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái. Các hộ dân chủ động kết hợp vừa nuôi cá, vừa đầu tư thuyền du lịch để phục vụ dịch vụ đưa đón khách vào các điểm tham quan trong quần thể khu du lịch hồ Hòa Bình.

Vùng lòng hồ thủy điện cho phép phát triển kinh tế du lịch, đồng thời cũng cho phép làm du lịch bằng chính cá tôm sông Đà. Ảnh: Kiên Trung. 

Vùng lòng hồ thủy điện cho phép phát triển kinh tế du lịch, đồng thời cũng cho phép làm du lịch bằng chính cá tôm sông Đà. Ảnh: Kiên Trung. 

Ngoài tham quan cảnh đẹp sông nước, du khách còn được tới các nhà bè nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương và tham gia đánh bắt thủy sản (câu cá, kéo lưới, kéo vó...), học tập, trải nghiệm nuôi trồng thủy sản, thưởng thức ẩm thực, các món ăn chế biến từ thủy sản…

“Chu trình nuôi thủy sản sông Đà rất dài, thời gian 2 - 3 năm mới cho thu hoạch do đó chất lượng, giá trị tôm cá rất cao nhưng cũng đồng nghĩa với việc giá thành cũng cao hơn nhiều lần thủy sản nuôi thông thường. Với sản lượng trên dưới 10.000 tấn/năm, thủy sản sông Đà không có để bán ra ngoài chợ dân sinh, chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng ở các thành phố lớn và phục vụ khách du lịch tại chỗ.

Chúng tôi hy vọng, du lịch sẽ đi trước, mở đường và sẽ là đầu tàu để kéo thủy sản phát triển đồng thời du lịch sẽ là kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Khách du lịch sẽ là người tiêu thụ tôm cá sông Đà. Tôm cá sông Đà sẽ từ lòng hồ lên bàn ăn và sẽ thu được giá trị cao hơn rất nhiều. Vì thế, định hướng của tỉnh về lâu dài, bền vững đó là khai thác giá trị thương hiệu tôm cá sông Đà chứ không phải là sản xuất thủy sản sông Đà”, ông Hải lập luận.

Đây cũng là lý do Hòa Bình chủ trương phát triển có hạn mức lồng bè trong lòng hồ. Dự kiến tới năm 2030, số lượng lồng nuôi ở mức 10.000 cái, có kiểm soát về chất lượng, quy trình nuôi để phù hợp với không gian du lịch lòng hồ.

Ngoài manh mún, phân tán, tự phát, thực trạng nuôi thủy sản lòng hồ vẫn thiếu hạ tầng cơ bản, chưa có điện, nước… Các hộ kéo bè ra hồ từ nhiều năm trước đã nhận hết các vị trí đẹp, gần đường giao thông, gần khu dân cư để thuận tiện đi lại, kinh doanh. Những khu vực sâu, xa hiện vẫn bỏ trống do chưa có điện, nước… để phục vụ sản xuất.

Hòa Bình đã xây dựng được bản đồ du lịch trên lòng hồ, đủ hấp dẫn để giữ chân du khách. Ảnh: Kiên Trung.

Hòa Bình đã xây dựng được bản đồ du lịch trên lòng hồ, đủ hấp dẫn để giữ chân du khách. Ảnh: Kiên Trung.

Tới đây, địa phương sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với du lịch như: Hệ thống điện cấp cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản; Lắp đặt hệ thống phao định vị, báo hiệu vùng nuôi trồng thủy sản, neo đậu lồng bè kết hợp giải trí và du lịch; Nâng cấp, xây dựng các cảng, bến thuyền, điểm neo đậu tàu thuyền hoạt động thủy sản và du lịch…; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho người dân, đặc biệt các điểm sản xuất thủy sản gắn với các tour, tuyến... du lịch.

“Hồ Hòa Bình có rất nhiều nhiệm vụ. Thủy sản chỉ là chức năng cuối cùng, do vậy phát triển vùng nuôi trồng thủy sản lòng hồ cần chậm, chắc, phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của địa phương, không xung đột tới các chức năng, nhiệm vụ khác của vùng hồ. Chúng tôi chọn phương án khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà làm hướng đi thay cho việc phát triển nóng về số lượng, sản lượng. Nếu không quản lý tốt, tới một giai đoạn vùng nuôi trồng quá dày đặc dẫn tới ô nhiễm môi trường nước sẽ gây ra các hệ lụy, nhất là khi đây là nguồn nước đầu vào sản xuất nước sạch của thủ đô Hà Nội”, ông Hải nhấn mạnh.

Xem thêm
Chống lãng phí

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Bảo vệ tài nguyên nước góp phần quan trọng vào phát triển bền vững

Trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, chuyên gia đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường khi thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tiền Giang sắp đón đợt triều cường cao nhất năm

Tiền Giang Mực nước triều cao nhất ở các trạm vùng hạ lưu sông Tiền trong đợt triều này xuất hiện vào các ngày 18-19-20/10 (tức là ngày 16, 17, 18 tháng 9 âm lịch).

Bình luận mới nhất