| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 7] Tham vọng 500 tỷ/năm từ thủy sản lòng hồ

Thứ Hai 14/10/2024 , 06:00 (GMT+7)

Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 có 10.000 lồng nuôi cá trên lòng hồ được quy hoạch thành 8 vùng tập trung gắn với bản đồ du lịch.

Nuôi trồng thủy sản vẫn tự phát, manh mún

Hồ Hòa Bình có khu hệ sinh vật thủy sản đa dạng và phong phú với 123 loài thuộc 79 giống, 19 họ; trong đó có nhiều loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa về nghiên cứu khoa học. Vùng hồ nhân tạo này được coi là kho tàng quý giá về nguồn lợi sinh vật và nguồn lợi thủy sản.

Nghề khai thác thủy sản trên vùng lòng hồ khá sôi động với 1.480 thuyền, 1.300 lưới các loại và 440 cái vó đèn đang ngày đêm khai thác thủy sản. Đối tượng khai thác chủ yếu là cá tạp và tôm sông. Sản lượng khai thác thủy sản giai đoạn 2015 đến 2023 tăng trưởng trung bình 11,2%, từ 1.500 tấn (năm 2015) lên 2.400 tấn (năm 2023), tăng 900 tấn.

Dù số lượng lồng nuôi trên lòng hồ Hòa Bình hiện có gần 5.000 cái tuy nhiên, việc nuôi trồng của người dân vẫn manh mún, tự phát và chưa có quy hoạch. Ảnh: Kiên Trung.

Dù số lượng lồng nuôi trên lòng hồ Hòa Bình hiện có gần 5.000 cái tuy nhiên, việc nuôi trồng của người dân vẫn manh mún, tự phát và chưa có quy hoạch. Ảnh: Kiên Trung.

Tại Đề án 966 về phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện gắn với du lịch vừa phê duyệt, UBND tỉnh Hòa Bình thừa nhận: thực trạng khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ còn manh mún, chưa có vùng nuôi thủy sản tập trung, đầu tư bài bản. Các cơ sở nuôi cá lồng bè đa số chưa đăng ký và chưa được cấp mã số lồng bè. Đến năm 2023 mới có 4 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký lồng bè, đối tượng nuôi chủ lực. Chi cục Thủy sản mới cấp mã số cho 535 lồng cá (tương đương gần 10% số lồng hiện có).

Số cơ sở áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP đến năm 2023 mới có 14 cơ sở nuôi cá lồng với quy mô 1.067 lồng (chiếm tỷ lệ 1/5 tổng số lượng lồng nuôi). Chưa hình thành công nghiệp chế biến thủy sản, nhất là chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ; chưa có ứng dụng công nghệ cao để tạo đột phá từ đó nâng giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản.

Một điểm yếu của bức tranh nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ, đó là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào thủy sản còn rất ít, chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và HTX dẫn tới hiệu quả sản xuất chưa cao; chưa có sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa trở thành phổ biến.

Đối với các hộ nuôi cá thể, người dân còn thiếu kiến thức chuyên môn về nuôi trồng thủy sản, thiếu vốn sản xuất, không đủ cho nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, mua trạng thiết bị, con giống, thức ăn nên áp dụng công nghệ nuôi không được đồng bộ, khả năng rủi ro cao dẫn đến phát triển thủy sản thiếu tính ổn định và không bền vững.

Người dân nuôi trồng thủy sản vẫn dựa vào tự nhiên, ít đầu tư khoa học công nghệ...

Người dân nuôi trồng thủy sản vẫn dựa vào tự nhiên, ít đầu tư khoa học công nghệ...

Hình thức nuôi trồng thủy sản manh mún, tự phát chưa đẩy được giá trị của thủy sản lồng bè trên hồ Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Hình thức nuôi trồng thủy sản manh mún, tự phát chưa đẩy được giá trị của thủy sản lồng bè trên hồ Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Mặc dù có tiềm năng và hệ sinh thái tự nhiên phong phú, tuy nhiên, việc tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản tại một số địa phương vùng lòng hồ chưa được quan tâm, khiến cho nguồn lợi thủy sản trong hồ ngày càng bị suy giảm cả về số lượng và giống loài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình Lương Thanh Hải xác nhận, đến thời điểm hiện tại, địa phương vẫn chưa có số liệu thống kê diện tích nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ. Việc khai thác thủy sản tự phát của các hộ dân ven lòng hồ nhiều năm qua dẫn tới những loài quý hiếm, đặc thù ngoài tự nhiên như cá lăng, anh vũ, dầm xanh, cá chiên... đang có nguy cơ bị cạn kiệt.

Nhiều hộ dân đang nuôi thả lồng bè tại khu vực xã Thái Bình, Thanh Bình (thành phố Hòa Bình) cho biết, cá tự nhiên trên lòng hồ rất ít. Các tàu khai thác, đánh bắt cá bằng lưới cào chủ yếu bắt được các loại cá ở tầng nổi theo mùa như cá tép dầu, cá mương, rất hiếm khi bắt được cá chiên, lăng, anh vũ… Nếu may mắn đánh bắt được thì đó chủ yếu là cá từ các lồng nuôi thoát ra ngoài tự nhiên, từ đó trở thành cá… hoang dã.

Giải bài toán này, từ năm 2015 đế năm 2023, Sở NN-PTNT Hòa Bình đã phối hợp tổ chức thả hơn 246.000 con cá giống các loại (gồm trắm, chép, trôi, mè, rô phi, trê, lăng, chiên, bỗng, ngạnh, chạch chấu…) để tái tạo nguồn giống tự nhiên; tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật thủy sản tới tổ chức, cá nhân đang có các hoạt động về thủy sản; vận động người dân khia thác đánh bắt, cơ sở kinh doanh ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc ngư cụ để khai thác thủy sản trong lòng hồ.

Phát triển 8 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung

Tại Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch (Đề án 966), Hòa Bình chủ trương đến năm 2030 sẽ hình thành 8 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tuor, tuyến, điểm du lịch trong khu vực lòng hồ. Việc nuôi trồng thủy sản không tạo ra xung đột với các lĩnh vực khác như giao thông thủy, vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn, không tác động tiêu cực đến vận hành thủy điện. Số lượng tối đa các lồng nuôi ở mức cho phép là 10.000 lồng với mục tiêu sản lượng 16.000 tấn/năm.

Người dân đánh bắt cá tự nhiên theo hình thức thủ công trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: Kiên Trung.

Người dân đánh bắt cá tự nhiên theo hình thức thủ công trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: Kiên Trung.

Quy chiếu với bức tranh thực tại, số liệu thống kê mới nhất của Chi cục Thủy sản Hòa Bình, vùng hồ hiện có hơn 4.039 lồng bè với 1.100 hộ cá thế; 12 tổ chức, đơn vị theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là kết quả của việc thực hiện đường lối, chính sách phát triên nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ trong 10 năm qua.

Trong đó, khu vực tập trung chính, chủ yếu ở vị trí mặt nước thuộc địa bàn của thành phố Hòa Bình (hơn 700 lồng); huyện Đà Bắc (hơn 1.80 lồng); các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu mới dừng ở con số trên dưới 500 lồng. Những số liệu này cũng cho thấy sự manh mún, tự phát của thủy sản trong vùng lòng hồ.

Trong số những việc phải làm ngay, Chi cục trưởng Lương Thanh Hải cho biết đã báo cáo UBND tỉnh; Sở NN-PTNT lên kế hoạch tổ chức điều tra, đánh số lồng bè, lập hồ sơ lồng bè và xây dựng phương án sắp xếp lồng bè thành 8 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với các điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình.

Đối với các vùng nuôi tập trung sẽ định hướng phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với kinh doanh, dịch vụ, du lịch trên lồng, bè (các hoạt động tham quan, học tập, câu cá giải trí, trải nghiệm về nuôi thủy sản...). Phát triển nuôi cá lồng theo hướng công nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và giảm ô nhiễm môi trường với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá chép, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá diêu hồng, cá rô phi, cá tầm…; các loài cá da trơn (cá lăng, cá nheo, cá chình, cá chạch chấu…) và các loài đặc sản, loài bản địa, như cá bỗng, cá anh vũ, cá ngạnh, cá chiên, cá quất…

 
Trong 5 năm tới, Hòa Bình định hướng phát triển số lượng lồng nuôi tổng số 10.000 lồng, phân chia thành 8 vùng nuôi trồng tập trung gắn với du lịch. Ảnh: Kiên Trung.

Trong 5 năm tới, Hòa Bình định hướng phát triển số lượng lồng nuôi tổng số 10.000 lồng, phân chia thành 8 vùng nuôi trồng tập trung gắn với du lịch. Ảnh: Kiên Trung.

Đề án 966 đặt mục tiêu, nhiệm vụ: giá trị sản xuất thủy sản vùng lòng hồ đạt 500 tỷ đồng/năm. 100% cơ sở nuôi cá lồng được đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng, bảo vệ môi trường sinh thái và nghiệp vụ hướng dẫn, quản lý hoạt động du lịch; 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học tập, câu cá giải trí và trải nghiệm về nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn…; tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động với khoảng 1.600 lao động trực tiếp.

Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030 của tỉnh Hòa Bình sẽ quy hoạch 8 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với du lịch; không chạy đua tăng diện tích nuôi trồng và tập trung sản xuất theo chiều sâu để bảo vệ an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.