| Hotline: 0983.970.780

Gia cảnh éo le của cô tân sinh viên sư phạm

Thứ Năm 17/10/2024 , 09:05 (GMT+7)

Bố mất sớm, mẹ bị suy thận giai đoạn 4 phải điều trị tại nhà. Em trai còn đang đi học là sự éo le mà số phận đã gieo vào cô gái bé nhỏ.

Tôi tranh thủ gặp Quỳnh (Nguyễn Thị Quỳnh, 18 tuổi, thôn Yên Dương, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) sau một ngày em làm việc không tăng ca. Căn nhà cũ, tường vôi tróc lở, dây điện loằng ngoằng rối rắm là nơi 3 mẹ con Quỳnh nương tựa vào nhau trong gần 15 năm qua. Nhà chẳng có tài sản gì giá trị, ngoài chiếc giường, chiếc bàn inox, vài chiếc ghế nhựa xanh... và chiếc máy giặt được hỗ trợ ở nhà dưới. Lúc tôi đến, mẹ Quỳnh đang lau bàn ghế, còn em đang lúi húi giặt quần áo.

Nghị lực "xương rồng"

Gần 15 năm trước, bố Quỳnh mất, cuộc sống gia đình đảo lộn. Cô Thúy (Sái Thị Thúy, 40 tuổi) – mẹ Quỳnh, trở thành lao động chính trong nhà. Khi đó Quỳnh mới lên 5, còn Tiến Anh – em trai Quỳnh mới lên 2. Cô Thúy phải làm đủ mọi việc để có tiền lo cho 2 con ăn học.

Hè năm lớp 10 lên 11, gia đình Quỳnh đột ngột nhận tin dữ khi mẹ em mắc bệnh suy thận giai đoạn 2. Quỳnh kể: “Hơn 1 tháng sau, mẹ em chuyển sang giai đoạn cuối do không kiêng cữ được. Mẹ phải điều trị tại nhà, em trở thành lao động chính trong gia đình…”.

Mẹ Quỳnh được chuyển về bệnh viện huyện để chạy, lọc thận thường xuyên (tuần 2 lần). Cô Thúy thường tự đến viện, ngày nào mệt, không thể lái xe thì 2 chị em Quỳnh chở mẹ đi. Những lúc cả Quỳnh và em trai đi học, thì hàng xóm là những người giúp mẹ Quỳnh đi chạy thận.

Khi mẹ đổ bệnh, những người hàng xóm trở thành 'điểm tựa' cho gia đình Quỳnh. Ảnh: Minh Toàn.

Khi mẹ đổ bệnh, những người hàng xóm trở thành "điểm tựa" cho gia đình Quỳnh. Ảnh: Minh Toàn.

Thương mẹ, Quỳnh tranh thủ thời gian nghỉ hè đi làm để phụ giúp mẹ. Nghỉ hè, em xin làm ở các công ty trên địa bàn. Hiện em đang làm công nhân thời vụ (từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều) tại Khu công nghiệp Bình Xuyên cách nhà 20km, lương được 4,3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng thời gian nghỉ hè có hạn. Hết 3 tháng hè, Quỳnh phải trở lại với sự học. Nhờ thành tích xuất sắc Quỳnh đã nhiều lần giành học bổng. Số tiền ấy, Quỳnh dùng để trang trải tiền chữa bệnh cho mẹ và các khoản sinh hoạt của gia đình.

Trung bình 2,3 triệu đồng là số tiền mỗi tháng gia đình phải chi trả tiền viện phí, tiền thuốc cho mẹ. Quỳnh cho hay, số tiền 4,3 triệu/tháng là không đủ để vừa chữa bệnh cho mẹ, vừa trang trải các khoản sinh hoạt, nhưng em luôn ưu tiên việc chữa bệnh cho mẹ. Các khoản sinh hoạt phí khác có thể cắt giảm nhưng việc chữa trị của mẹ là không thể chậm trễ.

Nhiều tháng thiếu tiền chữa trị, Quỳnh sử dụng tiền học bổng để trang trải. Thầy giáo của Quỳnh đã đứng ra kêu gọi quyên góp giúp đỡ gia đình em. Ngoài ra bản thân em và gia đình cũng từng nhận được số tiền hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Tuy nhiên, số tiền đó vẫn không thấm vào đâu để em có thể vừa trang trải viện phí và sinh hoạt gia đình.

Góc học tập của Quỳnh trở thành nơi để thuốc men và những vật dụng thiết yếu khác của gia đình. Ảnh: Minh Toàn.

Góc học tập của Quỳnh trở thành nơi để thuốc men và những vật dụng thiết yếu khác của gia đình. Ảnh: Minh Toàn.

Quỳnh bộc bạch: “Bác bên ngoại thỉnh thoảng cũng cho tiền để trang trải. Các bác, các cô hàng xóm cũng giúp nhà em nhiều, người thì cho gạo, người thì cho mớ rau… Những lúc hết tiền em cũng chỉ biết xin các bác và hàng xóm chứ cũng không thể nào xoay xở được…”. Thậm chí, những thời điểm khó khăn gia đình Quỳnh chỉ biết trông vào những sự hỗ trợ từ bà con hàng xóm.

Tủi thân vì gia cảnh éo le khi biết mẹ mắc bệnh, Quỳnh từng cô lập bản thân trên lớp, không muốn giao tiếp với ai. Nhưng rồi được các bạn động viên, an ủi Quỳnh mới có thể hòa đồng trở lại. Khi ấy, “em chỉ biết vùi đầu vào học thôi, vì em biết chỉ có học mới giúp được mình, giúp được mẹ…” – Quỳnh chia sẻ.

Viết tiếp ước mơ

Cơm lo từng bữa, viện phí tính từng đồng… nhưng cái khó, cái nghèo không làm Quỳnh chùn bước trên chặng đường thoát nghèo – sự học. Chính sự éo le về gia cảnh lại trở thành động lực khiến Quỳnh vững bước hơn.

Thời điểm ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng là thời điểm mẹ em nằm viện điều trị tích cực, chạy thận để duy trì sự sống. Quỳnh rơm rớm nước mắt: “Khi đó, em đã muốn buông xuôi, nhưng nghĩ nếu mình buông thì mẹ và em trai sẽ không còn chỗ dựa nữa. Mẹ là điểm tựa tinh thần của mình, mình cũng phải trở thành điểm tựa cho em trai…”.

Khi đó, hàng xóm đã động viên, tạo điều kiện để Quỳnh có thể tiếp tục đi học. Bà Nguyễn Thị Thạch (61 tuổi, thôn Yên Dương) nói: “Cháu cứ lo đi học đi, hôm nào được nghỉ thì vào nghé mẹ chút rồi về chăm em. Các cô sẽ thay phiên nhau trông nom mẹ cháu. Dù có thế nào cũng phải học, học cho cố thì mới thoát được cái cảnh này…Nhà đã không còn gì để bán rồi thì phải cố mà học”.

Quỳnh từng đứng giữa lằn ranh bỏ học để giúp mẹ, giúp em đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: Minh Toàn.

Quỳnh từng đứng giữa lằn ranh bỏ học để giúp mẹ, giúp em đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: Minh Toàn.

Trước đó, Quỳnh chỉ muốn học cho nhanh, cho xong để đi làm kiếm tiền chăm mẹ. Việc gì cũng được, miễn là có tiền trang trải cuộc sống nhưng khi thấy mẹ nằm viện như vậy, Quỳnh mới quyết tâm học đại học vì “em biết đây mới là con đường thoát nghèo, đi làm công nhân chỉ là tạm thời thôi…”.

Vừa phải chăm mẹ ốm, vừa phải lo cho em trai nhưng thành tích học tập của Quỳnh vẫn tiến bộ không ngừng. Quỳnh đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện 3 năm liên tiếp, năm lớp 11 đoạt giải Ba, lớp 12 đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh. Thậm chí, trong kỳ thi THPT vừa qua, với sự cố gắng của mình Quỳnh đã trở thành thủ khoa khối C00 của tỉnh với tổng điểm 29.50, trong đó Ngữ văn 9.50; Lịch sử 10; Địa lí 10.

Quỳnh hiện là tân sinh viên ngành sư phạm Văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Một trong số những lý do để Quỳnh chọn gắn bó với nghề giáo là bởi cơ chế hỗ trợ học phí của trường. Em cho biết, lên đại học sẽ vừa học vừa làm để có thể gửi tiền về cho em trai chăm mẹ và mỗi tuần cố gắng về một lần để thăm nom mẹ.

'Tiện lúc nào em học lúc đó, có khi vừa làm việc nhà em vừa nhẩm lại bài học trong vở ghi hoặc trong sách giáo khoa. Riêng môn Văn, cứ mỗi khi chăm mẹ, nghĩ đến mẹ là cảm xúc trong em lại trào ra…' – Quỳnh chia sẻ. Ảnh: Minh Toàn.

“Tiện lúc nào em học lúc đó, có khi vừa làm việc nhà em vừa nhẩm lại bài học trong vở ghi hoặc trong sách giáo khoa. Riêng môn Văn, cứ mỗi khi chăm mẹ, nghĩ đến mẹ là cảm xúc trong em lại trào ra…” – Quỳnh chia sẻ. Ảnh: Minh Toàn.

Dù đỗ đại học thế nhưng Quỳnh vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có cơ hội thoát nghèo, lo vì không có ai chăm mẹ. Xa nhà, Quỳnh đã truyền dạy lại em trai một số kỹ năng cơ bản để chăm sóc mẹ. Tuy nhiên, Tiến Anh vẫn ngại lúc tắm cho mẹ. Nỗi sợ lớn nhất của Quỳnh khi chuẩn bị đi học xa nhà là “sợ bận quá, không có thời gian về thăm mẹ…”.

Vừa mừng, vừa lo không phải chỉ là tâm trạng của riêng Quỳnh mà còn là của cô Sái. Mừng vì con được học, được mơ. Lo vì con phải tự bươn trải ở giữ thủ đô mà bản thân không giúp được gì. “Tôi bảo cháu là, cứ học đi, lo học thôi, không phải gửi tiền về cho mẹ. Mẹ có đau ốm, bệnh tật thì có các bác giúp…”.

Căn bệnh quái ác có thể cướp đi sức khỏe của cô Thúy nhưng không thể cướp đi một người mẹ của Quỳnh. Hơn ai hết, cô Thuý là người hiểu rõ sự thiệt thòi, thiếu thốn khi không có mẹ. "Đời tôi chưa một ngày nào được sống giống con người. Mẹ mất sớm, bố lấy vợ mới. Chồng tôi mất năm tôi mới 26 tuổi, một nách hai con đến bây giờ thì thế đấy...", cô Thuý nói.

Người mẹ khắc khổ này luôn cố giấu đi sự mệt mỏi của mình để tạo chỗ dựa tinh thần cho con, để Quỳnh không rơi vào nghịch cảnh vì hiểu là có khoẻ thì con cái cũng yên tâm hơn...

Từ những lời động viên, khích lệ của mẹ, Quỳnh “có mệt cũng phải cố”. Quỳnh cho biết, sắp tới Tiến Anh sẽ vào lớp 10, họp phụ huynh Quỳnh sẽ xin cô giáo miễn giảm học phí để em trai an tâm đi học.

Tôi mạnh dạn hỏi Quỳnh: “Nếu không phải lo cơm, áo, gạo, tiền thì ước mơ của em là gì?”. Quỳnh ấp úng hồi lâu rồi nói: “Em muốn học xong xin được việc làm ổn định rồi có thể giúp đỡ được nhiều người…”

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm huyện đảo Cồn Cỏ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Cồn Cỏ thành khu vực phòng thủ vững chắc.

Thủ tướng: Sử dụng ngay ngân sách để hỗ trợ bà con ảnh hưởng do sạt lở

Chiều 16/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri là đại diện hội viên nông dân, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bình luận mới nhất