| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 06/05/2013 , 10:05 (GMT+7)

10:05 - 06/05/2013

Quyết định bằng... cảm tính

Mức chi “nhỏ giọt” của doanh nghiệp Việt Nam cho công tác nghiên cứu thị trường hiện đang thấp nhất khu vực.

Mức chi “nhỏ giọt” của doanh nghiệp Việt Nam cho công tác nghiên cứu thị trường hiện đang thấp nhất khu vực khiến nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin cần thiết về lĩnh vực mà mình đang đầu tư kinh doanh.

Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... nghiên cứu thị trường từ lâu đã trở thành yếu tố tiên quyết và là cơ sở để các ông chủ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đầu tư trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp coi trọng việc nghiên cứu thị trường hơn tiếp thị, quảng cáo, khuyến mại và các hình thức quảng bá hình ảnh khác.

Sở dĩ nghiên cứu thị trường có vai trò quan trọng như vậy bởi hoạt động này sẽ cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin về nhu cầu thực tế của người tiêu dùng: Họ đang sử dụng những sản phẩm, dịch vụ có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào; họ có hài lòng về các sản phẩm, dịch vụ đó không; họ muốn thay đổi, sản phẩm dịch vụ đó theo hướng nào?

Nghiên cứu thị trường cũng có thể cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin quan trọng về các đối thủ cạnh tranh và các dự báo quan trọng về xu hướng tiêu dùng của thị trường trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.


Ảnh minh họa

Dựa vào các thông tin này, doanh nghiệp có thể xây dựng một chiến lược đúng đắn từ công đoạn đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ đến quảng cáo, tiếp thị và phân phối, hậu mãi, góp phần thúc đẩy lợi nhuận và thị phần của doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thị trường trước khi tiến hành đầu tư đã được cộng đồng doanh nghiệp thế giới công nhận từ lâu nhưng dường như ít được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới nơi tới chốn. Bằng chứng là chi phí dành cho công tác nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ sau nhiều năm hội nhập kinh tế thế giới và đang ở mức thấp nhất cả trong phạm vi khu vực lẫn trên thị trường toàn cầu.

Cụ thể, mức chi phí trung bình để nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 0,12 USD/người dân/năm, theo số liệu được công bố tại hội thảo “CEO và đa dạng hóa trong chiến lược kinh doanh” diễn ra hôm cuối tuần trước tại Hà Nội. Con số tương đương của các quốc gia trong khu vực như Malaysia là 1,25 USD, Thái Lan là 0,6 USD, Philippines là 0,38 USD và Trung Quốc là 0,3 USD. 

Mức chi phí nghiên cứu thị trường thấp nhất khu vực cũng đồng nghĩa với việc số lượng và chất lượng thông tin cần thiết về thị trường và nhu cầu tiêu dùng mà doanh nghiệp có được chỉ ở mức độ tối thiểu. Vậy, các ông chủ doanh nghiệp Việt Nam ra quyết định đầu tư, phát triển sản phẩm, quảng bá hình ảnh dựa vào căn cứ nào? Phải chăng họ ra quyết định dựa theo… cảm tính?

Thực chất, việc đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường ở mức thấp không phải là một hành động khôn ngoan và có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Ngược lại, việc thiếu thông tin về thị trường và nhu cầu tiêu dùng của nhóm khách hàng tiềm năng sẽ khiến doanh nghiệp đầu tư chệch hướng, quảng bá hình ảnh không trúng đích và phải trả giá đắt như thua lỗ, giảm thị phần hoặc thậm chí là phải đóng cửa.

Thực tế cũng cho thấy, việc “tiết kiệm” chi phí nghiên cứu thị trường cũng làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang ngày càng hội nhập sâu vào thị trường thế giới. Nếu tình trạng thiếu thông tin, đầu tư một cách cảm tính vẫn tiếp tục được duy trì thì e rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ hoàn toàn bị thua thiệt trên chính sân nhà khi thời điểm Việt Nam dỡ bỏ hoàn toàn các hàng rào thuế quan theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2015 đang đến rất gần.

Tất nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận rằng, bên cạnh việc thiếu thông tin về thị trường, các doanh nghiệp trong nước còn vấp phải nhiều khó khăn như thiếu vốn đầu tư, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, nhân lực chưa được đào tạo bài bản… Tuy nhiên, thay vì ngồi chờ đợi các yếu tố cùng “chín muồi”, doanh nghiệp có thể chọn việc tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường để có được các thông tin cần thiết. Căn cứ vào đó, các ông chủ doanh nghiệp sẽ có thể đưa ra quyết định về việc cần bao nhiêu vốn đầu tư, đầu tư vào lĩnh vực nào, thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng nào và đào tạo nhân công những kỹ năng gì?

Như vậy, chỉ khi nào các ông chủ doanh nghiệp chấm dứt việc ra quyết định đầu tư bằng cảm tính thì mới có thể hy vọng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội sẽ được tăng cường!