Cuối tuần qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (TT KNKN) Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Xử lý môi trường trong chăn nuôi”. Có khoảng 350 nông dân và đại diện ngành nông nghiệp của 31 tỉnh thành phía Nam đã cùng nêu thực trạng và kiến nghị các giải pháp cho vấn đề nóng bỏng này.
Ô NHIỄM NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có khoảng 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình, trong đó chỉ có 20% có công trình khí sinh học (hầm biogas), 10% hợp vệ sinh và chưa đầy 1% cam kết bảo vệ môi trường. Riêng trang trại chăn nuôi tập trung cũng có tới 18.000 trại, nhưng chưa đầy 14% có đánh giá tác động môi trường. Hàng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm của nước ta thải vào môi trường khoảng 79- 80 triệu tấn chất thải rắn. Đây là một trong các nguồn chất thải lớn đang gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn.
Đơn cử, theo TT KNKN Tiền Giang, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh này trên 68.000 trâu bò, 550.000 con heo và trên 6 triệu con gia cầm, ước tính mỗi ngày thải ra trên 4,3 triệu kg chất thải rắn, không tính chất thải lỏng và nước dọn vệ sinh chuồng trại, tắm rửa… Đáng lo ngại là nguồn nước thải chăn nuôi dù có qua xử lý bằng hố ủ đất, túi ủ nilon, hầm khí sinh học hay không vẫn đang xả trực tiếp ra đồng ruộng, sông ngòi; ô nhiễm nguồn không khí đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống. Trong tình hình này, công tác đánh giá về mức độ gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi hầu như không được thực hiện, vì thế đã dẫn đến chuyện tình hình dịch bệnh đã liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương như dịch tai xanh, LMLM, cúm gia cầm.
Còn tại Cà Mau, theo ông Phan Minh Khôi – TT KNKN Cà Mau, mỗi năm tỉnh này phải “đau đầu” đối phó với 868 tấn chất thải của chăn nuôi. Nguồn nước thải đang xả trực tiếp ra đồng ruộng, sông ngòi gây ô nhiễm rất lớn. Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 49% giá trị sản xuất nông nghiệp, qua khảo sát đã cho con số “giật mình”: 100% cơ sở chăn nuôi gia cầm không sử dụng chế phẩm sinh học trong hoạt động sản xuất. Hiện còn rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư nhưng không quan tâm xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Sở dĩ có điều này, nhiều ý kiến cho rằng, do bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi còn thiếu và sự phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu hợp lý, thiếu số lượng và hạn chế về năng lực. Minh chứng là duy nhất tại Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên có 1 cán bộ chuyên trách lo về vấn đề môi trường chăn nuôi, còn các nơi khác đều kiêm nhiệm. Đây chính là bất cập quá lớn và liên tiếp thời gian gần đây đã xảy ra các vụ việc DN chăn nuôi xả nước thải gây ô nhiễm lớn ở Bình Dương, Quảng Nam ...
GIẢM Ô NHIỄM THẾ NÀO?
Ngoài các kiến nghị đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung; xây dựng và tăng năng lực quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa phương; nhiều ý kiến đề xuất nhà nước cần phải có bước đi mang tính “đột phá” trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải chăn nuôi. Ông Nguyễn Thanh Sơn nêu ví dụ cụ thể: “Thành phố Hà Nội đã chủ động đi trước một bước khi mạnh dạn hỗ trợ 100% vấn đề xử lý nước thải cho các DN đầu tư tại khu chăn nuôi tập trung và đã phát huy hiệu quả”. Vì thế, Cục Chăn nuôi cũng đề nghị nhà nước cần quan tâm với mức hỗ trợ tối thiểu 50% chi phí xây dựng hạ tầng xử lý chất thải cho các trang trại, cơ sở giết mổ công nghiệp.
PGS.TS Dương Nguyên Khang – ĐH Nông Lâm TPHCM: Chúng tôi kiến nghị, xử lý chất thải chăn nuôi là đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường. Đây cũng là tiêu chí để xem xét đánh giá chất lượng sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường hay không. Hệ thống xử lý tốt, phù hợp, đạt tiêu chuẩn để nhà đầu tư nhỏ, vừa có thể đáp ứng cần phải được chính quyền địa phương, cán bộ quản lý quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển khí sinh học, kèm theo các chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi xây dựng hầm biogas. Hiện có hai biện pháp được đánh giá có nhiều ưu điểm là sử dụng công nghệ khí sinh học biogas và chế phẩm sinh học EM. Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi là biện pháp mang lại tác dụng lớn, tái tạo được nguồn năng lượng sạch. Hình thức này được gọi là “chăn nuôi xanh” nhằm giảm thiểu ô nhiễm đất và nước, giảm thiểu tác động đến hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo PGS.TS Dương Nguyên Khang – ĐH Nông Lâm TPHCM, trước mắt, chính quyền và cơ quan quản lý nên có những vùng thí điểm và tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu hệ thống xử lý chất thải sau khi qua biogas để khai thác được tiềm năng kinh tế, cân bằng phát thải của các vùng kinh tế như: Khu vực sản xuất nông nghiệp và khu vực công nghiệp. Đây chính là một trong những tiêu chí để tiến tới xây dựng các “chứng chỉ xanh” trên diện rộng trong chăn nuôi.
Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị nhà nước nên miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ công trình khí sinh học. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân đề nghị được ưu tiên vay vốn từ các quỹ bảo vệ môi trường, hoặc ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư theo điều lệ của quỹ bảo vệ môi trường.