| Hotline: 0983.970.780

Những nông dân thích bám đất, ngửi hương của núi đồi

Thứ Sáu 29/11/2024 , 07:25 (GMT+7)

Hít hà hương thơm của núi đồi từ những vùng nông sản được canh tác theo hướng hữu cơ, nông dân xứ Tuyên thấy hạnh phúc khi vườn cây khỏe mạnh, trĩu trái.

Mô hình trồng cam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của gia đình anh Lê Anh Tuấn. Ảnh: Đào Thanh.

Mô hình trồng cam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của gia đình anh Lê Anh Tuấn. Ảnh: Đào Thanh.

Nuôi kiến vàng diệt sâu bệnh

Hơn 9 năm gắn bó với khu đồi nằm sát hồ thủy điện Chiêm Hóa để trồng cam, anh Lê Anh Tuấn, thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã thành công khi vườn cam rộng hơn 1ha của anh được công nhận đạt chuẩn hữu cơ. Giá bán cao gấp đôi so với cam trồng theo mô hình thông thường trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Anh Tuấn cho biết, anh chọn mô hình trồng cam hữu cơ bởi yêu thiên nhiên và khát vọng làm nông nghiệp tốt luôn là động lực thúc giục anh vượt qua mọi rào cản. Do đó, năm 2014, anh bắt tay vào trồng 600 gốc cam giống V2, sau một thời gian trồng, thấy cây sinh trưởng tốt, anh mở rộng diện tích lên hơn 1,3ha.

Để vườn cam khỏe mạnh, anh sử dụng 100% phân chuồng bón cho cây, bổ sung định kỳ phân cá ngâm ủ, trùn quế, đậu tương… Tạo mùn cho đất và tăng độ ngọt cho quả cam, hàng năm anh bón khoảng 10 tấn tro củi, tro lá cây.

Đi dưới vườn cam chín vàng rực rỡ, quả lúc lỉu căng mọng, anh Tuấn bảo với tôi: “Anh nhìn chỗ những cành có lá chụm lại thành tổ nhỏ. Đó là những tổ kiến vàng được tôi nuôi để bảo vệ vườn cam đấy”. Đây cũng chính là sự khác biệt lớn giữa vườn cam hữu cơ của anh với những mô hình khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Nhờ nuôi những tổ kiến vàng trên cây, vườn cam của anh Tuấn không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ sâu bệnh. Ảnh: Đào Thanh.

Nhờ nuôi những tổ kiến vàng trên cây, vườn cam của anh Tuấn không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ sâu bệnh. Ảnh: Đào Thanh.

 Anh Tuấn cười bảo, hàng vạn con kiến trong vườn cam từ lâu đã trở thành bạn giúp anh bảo vệ cây cam chống lại sâu bệnh. Nhờ chúng mà từ khi trồng cam đến nay, chưa khi nào anh phải sử dụng thuốc diệt trừ sâu bệnh, kể cả hóa chất và thuốc thảo dược.

Để có nguồn thức ăn nuôi “đội quân” của mình, dưới tán vườn anh tạo được thảm thực vật tốt giữ ẩm cho cây, chống xói mòn, tạo hệ sinh thái. Một số loại sâu hại không có chỗ trú ẩn dưới đất trèo lên cây thì sẽ bị đàn kiến tiêu diệt. Không cho cỏ xâm lấn vào dinh dưỡng của cây cam, anh chỉ để thảm cỏ mọc cao từ 10 đến 30cm, đủ giữ ẩm và nuôi thiên địch, khi chúng quá lớn sẽ cắt tỉa rồi ủ vào đất làm phân bón trở lại cho cây.

Cũng bởi canh tác theo hướng an toàn, sạch bệnh nên khi làm các thủ tục chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ, năm 2020 vườn cam của anh Tuấn dễ dàng được chứng nhận PGS, sản phẩm sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ. Cùng với đó, những quả cam từ vườn của anh đều được dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo uy tín cho người tiêu dùng.

Phong trào làm nông nghiệp hữu cơ ngày càng lan tỏa và phát triển ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Phong trào làm nông nghiệp hữu cơ ngày càng lan tỏa và phát triển ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, trung bình mỗi năm vườn cam của anh Tuấn cho thu khoảng 18 tấn quả, cam có độ ngọt thanh, ngọt hậu. Giá bán đạt hơn 30.000 đồng/kg, được thị trường đón nhận dễ dàng. Trừ các khoản chi phí đầu tư phân bón, thuê nhân công, anh Tuấn thu lãi khoảng hơn 300 triệu đồng.

Mở rộng phong trào bảo vệ sức khỏe cây trồng

Với mong muốn nâng cao giá trị của nông sản xứ Tuyên trên những thị trường khó tính, anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX chè Sử Anh, phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang là một trong những người tiên phong làm chè sạch. Sau hơn 20 năm nỗ lực, HTX của anh Sử gặt hái được những thành công, khi có 7 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP.

Anh Sử đưa chúng tôi đi thăm vườn chè hữu cơ rộng lớn, mềm mại uốn quanh chạy xa tít tắp theo những sườn đồi. Anh hít hà mùi thơm của chè, của đất, của cỏ cây rồi bảo, mỗi ngày đi dạo dưới những nương chè sạch, tâm hồn như được tiếp thêm năng lượng để phấn đấu cho ước mơ đưa cây chè của quê hương đi xa hơn nữa cả về giá trị và thương hiệu trên thị trường.

Hiện nay, HTX chè Sử Anh của anh Nguyễn Công Sử sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chè như chè xanh Ngọc Thúy, trà Ngọc Thúy (cấp đông), chè xanh Phú Lâm, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn, chè xanh Phú Lâm đinh và chè xanh Phú Lâm nõn...

Vườn chè sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt tại HTX chè Sử Anh của anh Nguyễn Công Sử. Ảnh: Đào Thanh.

Vườn chè sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt tại HTX chè Sử Anh của anh Nguyễn Công Sử. Ảnh: Đào Thanh.

Mở rộng phong trào làm nông nghiệp tốt, anh Sử tích cực vận động hội viên mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo vùng sản xuất chuyên canh. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, thu hái, bón phân để cây chè sinh trưởng phát triển tốt, cho chất lượng cao. Từ diện tích 10ha năm 2010, đến nay diện tích vùng chè nguyên liệu của HTX đã tăng lên trên 60ha, qua đó đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực của phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang.

Thành công tại mô hình trồng cam hữu cơ của hộ gia đình anh Lê Anh Tuấn hay HTX chè của anh Nguyễn Công Sử trở thành nguồn cảm hứng giúp phong trào làm nông nghiệp tốt, bảo vệ sức khỏe cây trồng thêm lan tỏa ở xứ Tuyên.

Như tại huyện Hàm Yên đã hình thành 1.612ha vùng trồng cây cam, chè, bưởi được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; 34,5ha cam, bưởi được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ.

Hay mô hình trồng bưởi hữu cơ sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn với diện tích 27,5ha/16 hộ tham gia đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và giúp các hộ thay đổi tư duy, tập quán sản xuất. Mô hình trồng chè shan tuyết với diện tích 21ha tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang và 38ha tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình... được công nhận đạt chuẩn hữu cơ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây...

Sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tốt, giúp nâng tầm thương hiệu nông sản xứ Tuyên. Ảnh: Đào Thanh.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tốt, giúp nâng tầm thương hiệu nông sản xứ Tuyên. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, hiện nay hình thức sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, GlobalGAP, Organic (hữu cơ); tiêu chuẩn ISO 22000: 2018, HACCP, Halal... đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm, áp dụng.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc phát triển nông nghiệp tốt không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của đất, của cây trồng mà chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh không ngừng được nâng lên. Đến nay tổng sản phẩm còn thời hạn chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là 221 sản phẩm, gồm 189 sản phẩm 3 sao, 31 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Các tổ chức, cá nhân tại địa phương đã xây dựng được 32 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn; có 107 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 4 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, năm 2024, đã có 7 sản phẩm nông sản đạt sao OCOP của tỉnh đủ tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu và thuyết phục được lòng tin của người tiêu dùng ở thị trường châu Âu.

Xem thêm
Cuộc cách mạng giữ môi trường chăn nuôi

ĐỒNG NAI Là thủ phủ chăn nuôi đầu tiên của cả nước, Đồng Nai quyết tâm ngưng hoặc di dời hàng ngàn cơ sở, trang trại không đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

QUẢNG BÌNH Đến nay, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 3 địa phương là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 3] Sức khỏe đất Hà Nội đang gặp hai vấn đề

Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hảo - Trưởng bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) cho biết kết quả đánh giá chất lượng đất Hà Nội.