Với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Đồng Nai đang khẩn trương đẩy mạnh việc di dời hơn 3.000 trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Hiện, địa phương này đang tập trung chuyển hướng ứng dụng công nghệ cao trong quy trình chăn nuôi, xử lý chất thải nhằm đáp ứng về bài toán đảm bảo môi trường bền vững.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong xu hướng chăn nuôi mang tính toàn cầu hiện nay, không riêng các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang dần chuyển dịch đầu tư chăn nuôi sang các vùng quốc tế.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Để đầu tư triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cần phải có diện tích lớn từ 100 đến cả ngàn ha đất là rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi biết ở một số quốc gia như Úc hay Canada đang sẵn sàng kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trang trại chăn nuôi, trồng trọt trên đất nước họ”.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng khẳng định, thực tế hiện nay quỹ đất dành cho chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai không còn, hơn nữa tỉnh cũng đang rất chú trọng về bảo vệ môi trường. Do đó, nhiều chủ trang trại ở Đồng Nai đang tìm kiếm quỹ đất từ các tỉnh lân cận để chuyển dịch vùng chăn nuôi.
Thậm chí, một số thành viên trong Hiệp hội cũng đã chuyển hướng sang đầu tư các trang trại chăn nuôi bò, heo, gà, cũng như mô hình trồng trọt quy mô lớn tại tỉnh bang Saskatchewan (Canada) và họ hoạt động khá hiệu quả.
"Mới đây, chúng tôi đã tiếp đoàn Lãnh sự quán Canada tại Việt Nam và Văn phòng tỉnh bang Saskatchewan đến làm việc với Hiệp hội nhằm trao đổi chia sẻ về những hình thức chăn nuôi tiên tiến nhất hiện nay, giải pháp giảm phát thải khí Carbon trong chăn nuôi. Hiệp hội chúng tôi sẽ đưa các thành viên, doanh nghiệp sang Bang Saskatchewan để tìm hiểu thêm về những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi cũng như môi trường đầu tư chăn nuôi tại tỉnh bang này trong thời gian tới", ông Công khẳng định.
Vào nghề chăn nuôi được hơn 20 năm, nhưng mấy năm gần đây việc chăn nuôi của gia đình bà Trần Thị Thu Thủy, chủ trại chăn nuôi có quy mô khoảng 3.000 con heo thịt ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom gặp rất nhiều khó khăn. Do bị dịch tả heo Châu Phi tàn phá khiến trại heo của bà hiện đang phải tạm ngưng.
Qua tìm hiểu về xu hướng đầu tư chăn nuôi sang vùng quốc tế thấy có nhiều thuận lợi nên bà muốn thử sức trong môi trường mới. Bà Thủy chia sẻ: “Hiện, tôi đã đặt cọc tiền và chuẩn bị sang đầu tư mở trang trại chăn nuôi heo bên Canada vì thấy môi trường bên đó đất đai rất rộng lớn, các trang trại cách xa nhau và môi trường chăn nuôi an toàn sinh học rất cao nên cũng yên tâm. Chứ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như mình nếu ở trong nước thì rất khó duy trì được nghề nuôi”.
Ông Nguyễn Đình Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NBee Feed, thành viên Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, hiện doanh nghiệp ông cũng đang phát triển liên kết với bên tỉnh bang Saskatchewan (Canada) để khai phá thêm thị trường mới, cung cấp các nguyên liệu nông sản trong sản xuất thức ăn chăn nuôi vào thị trường này, trong đó có rất nhiều các trang trại chăn nuôi của người Việt Nam tại Canada.
Canada là một trong những quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, cung cấp lương thực chính cho thế giới nhờ có nền nông nghiệp, chăn nuôi phát triển. Đất nước này cũng nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu lương thực nhờ đi đầu trong việc đổi mới và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Điều này mở ra rất nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam cũng như là điểm đến hấp dẫn thu hút các đầu tư sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.