Vực lại nghề trồng dâu nuôi tằm
Gặp nhiều khó khăn sau bão số 3, song người dân và chính quyền huyện Bảo Yên vẫn xác định phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm một cách bền vững nhằm tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con.
Ảnh hưởng bão số 3 đã làm 50% diện tích dâu tằm của huyện này bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ về giống, phân bón, chính quyền địa phương và người dân bắt tay ngay vào trồng dâu để có nguyên liệu nuôi tằm trở lại.
Gia đình ông Trần Quốc Đoàn ở xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên) có hơn 3ha cây dâu tằm bị ngập úng. Tuy nhiên, nhờ được cán bộ chuyên môn hướng dẫn đào rãnh tiêu úng, bứt lá, đốn tỉa cành, đến nay diện tích dâu tằm này đã xanh tốt trở lại. Gia đình ông hiện đã hái lá dâu để tiếp tục nuôi tằm, phục hồi nguồn thu nhập từ bán kén. Với giá kén hiện khoảng 170 nghìn đồng/kg, vòng tằm cuối năm thu được 200kg kén đã mang về cho gia đình ông 34 triệu đồng.
Xã Kim Sơn có gần 6ha cây dâu tằm, hiện bà con không chỉ khôi phục sản xuất trở lại trên diện tích cũ mà còn mở rộng thêm 8ha.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn, hiện nay, việc triển khai sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân đã giúp nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Những tín hiệu tích cực trong sản xuất dâu tằm sẽ giúp tạo động lực cho địa phương và người dân yên tâm gắn bó, chung sức đẩy mạnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trong thời gian tới.
Với mục tiêu khôi phục và trồng mới 42ha dâu tằm trên toàn huyện, tại các xã Việt Tiến, Kim Sơn, Cam Cọn, Bảo Hà, người dân đã được hỗ trợ cây giống và phân bón. Cán bộ ngành nông nghiệp cũng đã xuống tận nơi cầm tay chỉ việc cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu tằm trên đất bị bồi lấp sau mưa lũ. Đến nay, người dân đã trồng thêm và khôi phục được hơn 10ha dâu.
Theo kế hoạch phát triển và mở rộng sản xuất ngành dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Bảo Yên được xác định là vùng trọng điểm trồng dâu nuôi tằm. Với định hướng này và cơ chế hỗ trợ của tỉnh, sẽ giúp Bảo Yên đạt được mục tiêu xây dựng vùng dâu tằm 70ha vào năm 2025.
Cải tạo đất, tập trung cho vụ đông
Theo ngành nông nghiệp huyện Bảo Yên, bão số 3 đã khiến hơn 2.550ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại. Trong đó đất trồng lúa bị vùi lấp trên địa bàn huyện lên tới 331,67ha; diện tích đất lúa bị sạt lở mất đất là 30,53ha. UBND huyện và các địa phương đã thực hiện rà soát, phân loại mức độ vùi lấp để có biện pháp xử lý phù hợp, cải tạo đất sản xuất.
Qua thống kê sơ bộ, có khoảng 70% diện tích đất trồng lúa bị vùi lấp do bão số 3 đã thực hiện khôi phục để kịp thời trồng các loại cây vụ đông. Tuy nhiên, một số diện tích bị vùi lấp sâu trên 50cm, bề mặt phủ nhiều cát, sỏi, bùn đất không thể thoát nước nên chưa thể thực hiện cải tạo để sản xuất ngay.
Xã Xuân Hòa có hơn 207ha đất sản xuất nông lâm nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ, trong đó hơn 50% diện tích cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn không có khả năng khôi phục, ước thiệt hại hơn 130 tỷ đồng.
Ngay sau mưa lũ, chính quyền địa phương đã vận động, cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, hạn chế thấp nhất việc mất đất canh tác do thiên tai.
Ông Hoàng Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho hay, chính quyền xã đã thành lập các tổ công tác đến từng thôn, cánh đồng để tuyên truyền, hướng dẫn, cùng bà con tập trung thu dọn, vệ sinh môi trường, cải tạo đất, gieo trồng cây vụ đông. Đến nay, bà con trên địa bàn xã đã cải tạo và gieo trồng được hơn 101ha ngô và rau màu…
Mặc dù bị thiệt hại nặng nề về cây trồng, vật nuôi, song đối với người dân, còn đất là còn canh tác, không khuất phục trước khó khăn do mưa bão gây ra.
Tất bật xới luống, tưới nước cho ngô vụ đông, bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Mai Hạ, xã Xuân Hòa chia sẻ, tranh thủ trời khôi ráo, bà con đã gieo giống sớm cho kịp vụ ngô đông, đồng thời chăm bón cây sinh trưởng phát triển tốt để lấy thức ăn cho gia súc, gia cầm, hi vọng gỡ gạc những gì đã mất do mưa lũ.
Với tinh thần chủ động của chính quyền địa phương và người dân, nhiều diện tích đất canh tác trên địa bàn các xã của huyện Bảo Yên dần được khôi phục. Các diện tích rau màu, ngô, khoai vụ đông đã xanh trở lại, mang theo kỳ vọng của người dân.
Đảm bảo nước tưới cho cây trồng
Theo bà Nhữ Thị Tâm, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên, đến nay, huyện đã tiếp nhận và cấp phát giống cây trồng cho người dân sản xuất hơn 739ha vụ đông từ nguồn xã hội hóa và ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, diễn biến thời tiết phức tạp, mưa dông xen kẽ với những ngày nắng nóng đã gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nhân dân. Song đến nay, tiến độ gieo trồng cây vụ đông của huyện đã vượt kế hoạch đề ra với gần 770ha. Cơ bản các giống cây trồng được cấp người dân đã thực hiện xuống giống đầy đủ, các loại rau màu thực hiện trồng rải vụ.
Trước đó, cơ quan chuyên môn đã thực hiện rà soát các công trình thủy lợi bị hư hỏng sau bão số 3 trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo nước tưới cho diện tích gieo trồng. Hiện tại, toàn huyện có 57 công trình thủy lợi bị hư hỏng, ước tổng kinh phí thiệt hại gần 24 tỷ đồng.
Huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách xã và kinh phí duy tu bảo dưỡng hàng năm cùng với huy động xã hội hóa để khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng nhẹ nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Đến nay, đã thực hiện khôi phục được 56/57 công trình. Cơ bản diện tích sản xuất vụ đông đều được đảm bảo nước tưới.
Bên cạnh đó, huyện đã đề xuất danh mục các công trình hư hỏng nặng để tỉnh cân đối nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, làm mới với quy mô 30 công trình, ước kinh phí thực hiện 49,2 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025 – 2026.
Vụ đông 2024, trên địa bàn huyện Bảo Yên thực hiện 3 mô hình liên kết sản xuất, người dân có thể tự tiêu thụ hoặc bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Trong đó có 35ha bí đỏ triển khai tại các xã Tân Dương, Xuân Thượng, Bảo Hà, Xuân Hòa, Lương Sơn; liên kết trồng khoai tây với diện tích 16,3ha tại các xã Thượng Hà, Minh Tân, Điện Quan, Kim Sơn, Bảo Hà, Cam Cọn, Yên Sơn, Lương Sơn, Việt Tiến, Phúc Khánh.