| Hotline: 0983.970.780

Liên kết và cơ giới hóa để mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao

Thứ Tư 27/11/2024 , 15:02 (GMT+7)

KIÊN GIANG Liên kết trong tổ chức sản xuất và đầu tư cơ giới hóa đồng bộ là yếu tố then chốt để nhân rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Đó là những nội dung được bàn thảo tại Tọa đàm “Giải pháp mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức ngày 26/11 tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang).

Các đại biểu cắt băng khởi động mô hình và tham quan trình diễn cơ giới hóa đồng bộ trong gieo sạ lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu cắt băng khởi động mô hình và tham quan trình diễn cơ giới hóa đồng bộ trong gieo sạ lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Cùng ngày, tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ khởi động và trình diễn cơ giới hóa đồng bộ trong gieo sạ lúa thuộc Dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL” vụ đông xuân 2024 - 2025 tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất.

Liên kết, nhân rộng mô hình thí điểm

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, để mở rộng diện tích thực hiện Đề án đòi hỏi các địa phương tham gia cần thống nhất thực hiện đúng quy trình canh tác đã được các địa phương, nông dân áp dụng tại các mô hình thí điểm vừa qua và sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - ông Lê Quốc Thanh (cầm micro) phát biểu khởi động và trình diễn cơ giới hóa đồng bộ trong gieo sạ lúa tại cánh đồng thực hiện mô hình thí điểm. Ảnh: Trung Chánh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - ông Lê Quốc Thanh (cầm micro) phát biểu khởi động và trình diễn cơ giới hóa đồng bộ trong gieo sạ lúa tại cánh đồng thực hiện mô hình thí điểm. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Thanh, liên kết giữa các bên có vai trò quan trọng đến việc triển khai thực hiện Đề án để đạt được các tiêu chí, nâng được giá trị, thương hiệu lúa gạo của ĐBSCL và cả nước. Vì vậy thời gian tới, cần hình thành được liên kết cụ thể giữa các bên liên quan trong tham gia thực hiện Đề án. Các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ các tổ khuyến nông cộng đồng. Đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp để họ an tâm công tác, gắn bó hỗ trợ nông dân canh tác đạt hiệu quả cao nhất.

“Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân tích cực tham gia Đề án. Bởi khi nông dân vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền mới có thể thực hiện hiệu quả Đề án”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Tại tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận liên kết giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Tại tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận liên kết giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Là một trong những đơn vị phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện Đề án, ông Hồ Thế Huy, Phó Giám đốc Maketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, để mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, cần tăng cường hoạt động tổng kết, đánh giá việc triển khai Đề án để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Sở NN-PTNT các tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai các nội dung hoạt động của Đề án tại địa phương. Hệ thống khuyến nông, đặc biệt là khuyến nông cơ sở cần phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa khuyến nông, địa phương với doanh nghiệp.

Kết quả ấn tượng từ mô hình thí điểm

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời gian qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đã triển khai 7 mô hình thí điểm thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh). Tổng kết tại các mô hình thí điểm cho thấy năng suất lúa vụ hè thu 2024 đạt từ 6,3 - 6,6 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 0,2 - 0,7 tấn/ha. Năng suất lúa vụ thu đông 2024 đạt từ 6,2 - 6,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng ngoài mô hình từ 0,0 - 0,4 tấn/ha. 

Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, nhất là khâu gieo sạ là yếu tố then chốt để nhân rộng diện tích lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, nhất là khâu gieo sạ là yếu tố then chốt để nhân rộng diện tích lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Tổng chí phí đầu vào giảm 10 - 15% so với đối chứng, trong đó giảm 40 - 50% lượng giống gieo sạ, giảm 3 - 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30 - 40% lượng nước tưới. Hiệu quả kinh tế tăng từ 2,3 - 7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Giảm phát thải khí nhà kính trung bình 5 - 6 tấn CO2 tương đương/ha.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, diện tích đất trồng lúa của tỉnh khoảng 395.000ha, chiếm 62% diện tích tự nhiên. Từ lâu, lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh Kiên Giang, sản lượng hàng năm trên 4,4 triệu tấn. Riêng năm 2024 sản lượng lúa đạt khoảng 4,6 triệu tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp gây khó khăn cho sản xuất lúa. Cùng với đó là những hạn chế trong khâu liên kết chuỗi giá trị, dẫn đến thu nhập của người trồng lúa chưa ổn định.

Trước bối cảnh đó, Quyết định số 1490 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” sẽ giúp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Cơ giới hóa đồng bộ, trong đó có máy sạ cụm định vị như cấy giúp giảm lượng giống gieo sạ, tạo môi trường tối ưu cho cây lúa phát triển. Ảnh: Trung Chánh.

Cơ giới hóa đồng bộ, trong đó có máy sạ cụm định vị như cấy giúp giảm lượng giống gieo sạ, tạo môi trường tối ưu cho cây lúa phát triển. Ảnh: Trung Chánh.

Thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Kiên Giang triển khai 2 mô hình thí điểm trên 2 vùng sinh thái khác nhau. Trong đó, 1 mô hình tại huyện Tân Hiệp đã cho thu hoạch với kết quả rất phấn khởi. Năng suất mô hình sạ hàng + vùi phân đạt 5,43 tấn/ha, sạ cụm + vùi phân đạt 5,26 tấn/ha, sạ bằng drone đạt 5 tấn/ha (so với đối chứng đạt 4,89 tấn/ha), chênh lệch năng suất giữa mô hình trình diễn và đối chứng khoảng 340kg/ha.

Chi phí điểm trình diễn giảm hơn 3,3 triệu đồng và lợi nhuận đạt hơn 25 triệu đồng/ha, tăng so với đối chứng trên 6 triệu đồng/ha và tăng 32% so với ngoài mô hình. Kết quả giảm phát thải tại mô hình thí điểm từ 7,56 đến 8,11 tấn CO2/ha. Còn lại 1 mô hình 10ha trên vùng đất lúa - tôm tại xã Đông Thạnh, huyện An Minh hiện lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, phát triển tốt.

Trong thực hiện các mô hình thí điểm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn gặp một số khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị gieo sạ tập trung, một bộ phận nông dân còn chưa mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất. Trước thực trạng trên, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động từ các địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ đảm bảo cho việc thực hiện thí điểm Đề án.

Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đạt 100.000ha và đạt 200.000ha trước năm 2030, phấn đấu thực hiện đạt sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.