Tăng 50.000ha cây vụ đông so với năm trước
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết năm 2024, thời tiết bất thuận (rét đậm, rét hại, bão, mưa lũ) đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương nên kết quả thu được rất khả quan.
Diện tích lúa cả năm của các tỉnh phía Bắc đạt hơn 2,2 triệu ha (tăng 1.000ha so với kế hoạch và giảm khoảng 18.000ha so với cùng kỳ). Nguyên nhân chính dẫn tới diện tích gieo cấy lúa giảm là do một số diện tích được chuyển đổi sang cây rau màu, cây ăn quả lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn và một phần diện tích chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp. Năng suất lúa bình quân đạt hơn 57 tạ/ha, sản lượng hơn 12 triệu tấn (giảm 288.000 tấn so với kế hoạch và giảm 355.000 tấn so với năm 2023).
Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của các tỉnh phía Nam, sản lượng lúa tăng khoảng 162.000 tấn so với cùng kỳ nên tổng sản lượng lúa cả nước năm 2024 ước đạt hơn 43 triệu tấn (giảm khoảng 150.000 tấn so với kế hoạch và giảm khoảng 193.000 tấn so với cùng kỳ).
Về sản xuất vụ đông 2024, trong bối cảnh vụ mùa các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 và mưa lũ, Bộ NN-PTNT đã cùng các địa phương chỉ đạo mở rộng diện tích gieo trồng, phấn đấu đạt 420.000ha (tăng 50.000ha so với năm 2023).
Tính đến hết ngày 15/11, diện tích cây trồng vụ đông toàn miền Bắc đạt khoảng 350.000ha (bằng 83% kế hoạch). Một số diện tích cây giống được bảo vệ tốt không bị ảnh hưởng do bão số 3 đến nay đã cho thu hoạch với giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 1.000 - 4.000 đồng/kg (bình quân 1 sào bắp cải thu từ 11 - 14 triệu đồng, tương đương 305 - 390 triệu đồng/ha; su hào thu từ 9 - 10 triệu đồng/sào, tương đương 250 - 280 triệu đồng/ha; cải dưa thu từ 6 - 7 triệu đồng/sào, tương đương 166 - 195 triệu đồng/ha...).
Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, tổng diện tích thực hiện chuyển đổi khoảng 18.700ha, đạt 73% so với kế hoạch (hơn 25.700ha)...
Đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân
Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2024, trong năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tổng diện tích sản xuất lúa các tỉnh phía Bắc dự kiến hơn 2,2 triệu ha. Trong đó, vụ đông xuân hơn 1 triệu ha; vụ hè thu 171.000ha; vụ mùa 982.000ha. Năng suất dự kiến đạt 58,8 tạ/ha (tăng 1,5 tạ/ha so với năm 2024). Sản lượng dự kiến đạt gần 13 triệu tấn (tăng 194.000 tấn so với 2024).
Đối với cây ngô, kế hoạch gieo trồng khoảng 601.000ha (tăng khoảng 16.000ha so với năm 2024). Cây rau diện tích 483.000ha. Đối với nhóm cây công nghiệp dài ngày, các địa phương tiếp tục duy trì diện tích hiện có (232.000ha). Tránh mở rộng diện tích ngoài quy hoạch đối với các cây trồng đang có giá cao như cà phê, hồ tiêu…, năng suất và sản lượng kế hoạch tăng 0,2 - 0,5% trong năm 2025.
Nhóm cây ăn quả, kế hoạch năm 2025 diện tích tăng khoảng 0,3% (từ 451.000ha lên 453.000ha), năng suất và sản lượng tăng 15 - 50% so với năm 2024.
Tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo, trong năm 2025, dự báo các sinh vật gây hại chính tương tự năm 2024, gồm chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt... Do thời vụ sớm nên sinh vật gây hại có khả năng phát sinh ở các tỉnh Bắc Trung bộ sớm hơn các tỉnh Bắc bộ.
Trong đó, sâu cuốn lá nhỏ vụ đông xuân sẽ phát sinh 3 lứa, nhưng 2 lứa sâu hại chính trên lúa giai đoạn đẻ nhánh rộ và giai đoạn lúa ôm đòng sắp trỗ. Thời gian phát sinh tương đương hoặc sớm hơn vụ đông xuân năm trước, mật độ và diện tích nhiễm có xu hướng cao hơn so với vụ đông xuân năm 2023 – 2024.
Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại từ cuối tháng 2 trên lúa sớm giai đoạn đẻ nhánh rộ. Cao điểm gây hại từ trung tuần tháng 3 đến trung tuần tháng 4, nhất là trên các giống nhiễm, những ruộng gieo cấy dày, bón nhiều phân và có khả năng gây lùn, lụi ổ trên các giống nhiễm vào cuối tháng 3 khi thời tiết thuận lợi cho bệnh gây hại.
Sâu đục thân 2 chấm thời gian phát sinh, mức độ gây hại và diện phân bố trong vụ đông xuân 2024 - 2025 có xu hướng tương đương so với vụ đông xuân năm trước. Trưởng thành lứa 1 rộ từ trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 4, sâu non gây dảnh héo diện hẹp trên lúa xuân sớm, xuân chính vụ. Trưởng thành lứa 2 rộ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5. Sâu non gây bông bạc chủ yếu trên lúa trỗ đầu đến trung tuần tháng 5, tỷ lệ hại phổ biến 1 - 3%, nơi cao 10 - 15%...
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh: Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp với khoảng 38.000 tỷ đồng (chiếm 38% tổng thiệt hại chung trong các ngành kinh tế). Riêng sản xuất trồng trọt, diện tích lúa bị thiệt hại 280.000ha, rau màu 63.000ha, cây ăn quả 39.000ha. Tuy nhiên, với sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến hiện tại kết quả thu được rất đáng ghi nhận. Xuất khẩu trồng trọng đạt 28 tỷ USD (trong đó rau quả 6 tỷ USD, gạo hơn 5 tỷ USD).
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chăm sóc cây vụ đông để bù đắp thiệt hại do bão lũ gây ra. Tuân thủ nghiêm kế hoạch sản xuất năm 2025 do Cục Trồng trọt xây dựng.
Đặc biệt, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12 và hoạt động mạnh trong thời gian từ tháng 12/2024 - 2/2025.
Trong giai đoạn này, khu vục Bắc bộ tập trung xuống giống, gieo sạ lúa vụ đông xuân 2024 - 2025 nên cần chú ý linh hoạt điều chỉnh thời điểm gieo sạ phù hợp với thời tiết. Tuyệt đối không gieo mạ, gieo sạ vào thời điểm rét đậm, rét hại, khi nhiệt độ dưới 15 độ C. Đồng thời, chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ che chắn để chống rét cho mạ. Khu vực vùng núi phía Bắc đề phòng rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá gây hại cho cây trồng và vật nuôi.
Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ nguồn nước, xây dựng phương án chi tiết để đưa nước về đồng ruộng khi có thông báo lấy nước. Bám sát dự tính, dự báo của Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị chuyên môn về tình hình sâu bệnh để xây dựng kế hoạch phòng trừ hiệu quả.
Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra gần 8.000 mã số vùng trồng, hơn 1.600 cơ sở đóng gói trên cả nước để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu. Hướng dẫn nông dân biện pháp canh tác tiên tiến để giảm vật tư đầu vào, hoàn thành các cam kết về sản xuất an toàn, tiết kiệm, giảm phát thải. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào để ngăn chặn việc hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào sản xuất vụ đông xuân và các vụ tiếp theo...