| Hotline: 0983.970.780

'Lộ thông - Tài thông' trong xây dựng nông thôn mới ở Long An

Thứ Hai 25/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An được đầu tư mở rộng, giá trị hàng nông sản tăng cao theo từng cung đường nông thôn mới.

Con đường giao thông Mười Cò - Ba Triều ở xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An do Nhà nước và nhân dân cùng mở rộng từ 3m lên 5m. Ảnh: Thanh Phong.

Con đường giao thông Mười Cò - Ba Triều ở xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An do Nhà nước và nhân dân cùng mở rộng từ 3m lên 5m. Ảnh: Thanh Phong.

Long An xác định “lộ thông - tài thông” trong hiện thực hóa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là đòn bẩy để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn tỉnh.

Huyện Tân Trụ điển hình tăng tốc mở đường 

Tân Trụ là một huyện điển hình trong việc tăng tốc mở đường giao thông để hiện thực hóa mục tiêu huyện NTM nâng cao. Kết quả, qua 2 năm (2023 - 2024) triển khai thực hiện, huyện Tân Trụ đã huy động mọi nguồn lực đầu mở rộng 25 tuyến đường liên xã, đường kết nối với hương lộ, tỉnh lộ và quốc lộ 1A có chiều rộng 2-3m lên 5m, chiếm trên 90% trong các tuyến giao thông nông thôn trên toàn huyện được mở rộng đạt chuẩn tiêu chí NTM nâng cao.

Bí thư Huyện ủy Võ Trần Tuấn Thanh cho biết, năm 2022, Tân Trụ được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, trên nền tảng này, huyện đã quyết liệt, tập trung xây dựng Nghị quyết đột phá về việc xây dựng huyện NTM nâng cao. Qua 2 năm triển khai thực hiện, đến tháng 11/2024, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 tiêu chí liên quan trong quá trình xây dựng huyện NTM nâng cao đã đạt, huyện đang hoàn tất hồ sơ trình Trung ương thẩm định để công nhận.

Thành công của Tân Trụ nhờ sự đồng thuận lớn từ nhân dân, từ đó tiếp thêm sức mạnh cho toàn huyện. Cụ thể, Nghị quyết mở rộng, nâng cấp tất cả các tuyến đường giao thông nông thôn từ 2-3m lên 5m trở lên bằng bê tông hóa hoặc nhựa hóa thực hiện trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, nhân dân đóng góp 20% cùng với các vật kiến trúc trên đường, Nhà nước hỗ trợ 80%. Qua 2 năm triển khai thực hiện, nhân dân trên địa bàn huyện Tân Trụ tham gia đóng góp xây dựng là 25 công trình, đạt trên 90% tuyến đường giao thông trên toàn huyện mở rộng, đảm bảo cho 2 làn xe hơi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa.

Huyện Châu Thành nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông 

Huyện Châu Thành đang hoàn tất hồ sơ trình Trung ương thẩm định để công nhận huyện NTM nâng cao. Giải pháp thực hiện của địa phương khi bắt tay vào xây dựng huyện NTM nâng cao là tập trung nâng cấp, mở rộng các đường liên xã, liên ấp để lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, từ năm 2020 - 2023, đã có 97 tuyến đường giao thông được đầu tư nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông xi măng, với tổng chiều dài là 190,1km, tổng kinh phí thực hiện là 56,7 tỷ đồng. Tất cả các tuyến đường xã, ấp, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng trên địa bàn huyện Châu Thành đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, có chiều rộng nền đường và mặt đường đúng theo quy định và đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.

Toàn bộ 48 đường xã, với tổng chiều dài 111,4km đã được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa, chiều rộng mặt đường từ 4 - 6m; có bố trí 148 điểm tránh xe phù hợp, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển của người dân. 157 đường trục ấp, liên ấp, với tổng chiều dài 187,9km đã được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa với chiều rộng mặt đường từ 3,5 - 4m; có bố trí 253 điểm tránh xe phù hợp, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển của người dân.

Toàn bộ 100% đường ngõ xóm với chiều dài 149,3km đã được cứng hóa, với chiều rộng mặt đường từ 2,5 - 3m, trong đó 120km đã được bê tông hóa, đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng. 100% trục chính đường nội đồng với chiều dài 65,7km đã được cứng hóa, với chiều rộng mặt đường từ 3,5 - 4m, trong đó 38,8km đã được nhựa hóa, bê tông hóa; có bố trí 93 điểm tránh xe phù hợp, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển của người dân.

Con đường Dương Thị Ngọc Hoa, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An do Nhà nước và nhân dân cùng làm, nâng cấp từ 3m lên 5m, đạt chuẩn quy định NTM. Ảnh: Thanh Phong.

Con đường Dương Thị Ngọc Hoa, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An do Nhà nước và nhân dân cùng làm, nâng cấp từ 3m lên 5m, đạt chuẩn quy định NTM. Ảnh: Thanh Phong.

Huyện Cần Giuộc: Nhân dân hiến đất làm đường

Huyện Cần Giuộc đang trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Để hiện thực hóa huyện NTM, trong 3 năm trở lại đây, Cần Giuộc xác định phát triển hạ tầng giao thông để mở ra không gian phát triển, đẩy liên kết vùng để làm bàn đạp cho việc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM. Theo đó, huyện tập trung huy động hơn 1.265,5 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó, ngân sách huyện 601,4 tỉ đồng, vốn xã hội hóa 644 tỉ đồng, nhân dân hiến đất, đóng góp tiền trị giá 45,2 tỉ đồng.

Ông Dương Văn Liêm, ấp Tân Thành, xã Tân Tập (Cần Giuộc, Long An), chia sẻ: Với suy nghĩ mở rộng đường để mở rộng tương lai, địa phương phát triển, gia đình và nhân dân thụ hưởng, gia đình đã tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất, góp tiền và vận động người dân trong ấp hiến đất, cây trồng, kiến trúc trên đất... để nâng cấp đường. Từ khi con đường đưa vào sử dụng, việc đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng, xe có tải trọng lớn đến tận nhà thu mua nông sản, giá tăng thu nhập cũng tăng theo các cung đường nông thôn mở rộng.

Con đường K3, xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được đầu tư từ 3m lên 5m. Ảnh: Thanh Phong.

Con đường K3, xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được đầu tư từ 3m lên 5m. Ảnh: Thanh Phong.

Huyện biên giới Vĩnh Hưng và Tân Hưng nâng cấp cầu

Đối với các huyện biên giới Vĩnh Hưng và Tân Hưng, để tháo nút tải trọng qua lại các cầu trên các trục đường tỉnh lộ, năm 2024 và 2025, UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng mới các cầu bê tông thay thế hệ thống cầu yếu trên các tuyến đường tỉnh và thực hiện thí điểm cơ chế hỗ trợ bê tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Sở GTVT làm chủ đầu tư triển khai xây dựng 6 cầu thay thế cầu sắt trên tuyến đường tỉnh 831 thuộc hai huyện biên giới Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An). Dự án có tổng mức đầu tư gần 290 tỷ đồng thuộc ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Ngoài 6 cầu đang triển khai đầu tư thì trên toàn tỉnh hiện còn 19 cầu sắt có trọng tải thấp cần được thay thế nằm trên địa bàn các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Mộc Hóa… đã lập kế hoạch vốn trung hạn, dự kiến năm 2025 triển khai. Các cầu còn lại, Sở GTVT đang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành tham mưu UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Hiện tại, cầu Kênh 28 là một trong 6 cầu trong dự án đã được thi công, đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2025.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An Đặng Hoàng Tuấn cho biết, để làm bệ phóng cho quá trình tăng tốc bức phá phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, Long An đang tập trung nguồn lực đầu tư đầu tư thay thế cầu yếu trên các tuyến đường tỉnh.

Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với các địa phương rà soát, cân đối các cầu yếu, xác định nhu cầu, tính cấp thiết, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư để tránh lãng phí. Đảm bảo đồng bộ giữa hệ thống cầu, cống hộp với việc nâng cấp, mở rộng đường theo quy hoạch phát triển của địa phương đến 2023 và tầm nhìn đến 2050 và sớm hiện thức hóa khát vọng trở thành tỉnh NTM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

LONG AN CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.