Kết quả tích cực từ mô hình thí điểm
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) tại Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện “Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham quan trình diễn ứng dụng cơ giới hóa gieo sạ lúa vụ đông xuân 2024 - 2025 tại mô hình thí điểm thuộc Đề án tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang). Đây là vụ thứ 2 liên tiếp mô hình thí điểm được thực hiện tại hợp tác xã này.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia khoa học của IRRI, kết quả thực hiện mô hình thí điểm của Đề án ở vụ lúa thu đông 2024 tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Niên Phú Hòa đã mang lại những kết qua rất tích cực.
Điểm nổi bật là đã khắc phục được những hạn chế trong tập quán canh tác lúa của người dân, giảm được lượng lúa giống nhờ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ. Mật độ cây lúa thưa và đều nên giảm được lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc BVTV do ruộng lúa ít bị sâu bệnh. Giảm lượng nước tưới khi áp dụng quy trình tưới ngập - khô xen kẽ. Thu gom, quản lý tốt rơm rạ sau thu hoạch nên giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải.
Năng suất lúa tại mô hình tăng thêm khoảng 10% nhưng lợi nhuận cao hơn gần 40%, đạt 25 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng (17 triệu đồng/ha). Đặc biệt, mô hình đáp ứng tốt tiêu chí canh tác bền vững và giảm lượng phát thải rõ rệt. Cụ thể, lượng phát thải khí CO2 qua đo đạc đã giảm hơn 50%, ruộng mô hình thí điểm ở mức 6 tấn/ha/vụ, trong khi canh tác thông thường lên tới 13 - 14 tấn/ha.
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Hùng, để thay đổi một tập quán sản xuất lúa truyền thống không dễ, cần có thời gian tuyên truyền, vận động và có mô hình để nông dân thấy tận mắt, tin tưởng làm theo. Ngoài ra, cần có nguồn lực để đầu tư thiết bị cơ giới hóa đáp ứng đủ nhu cầu khi triển khai trên diện rộng, nhất là máy cơ giới trong khâu gieo sạ, máy thu gom rơm, xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ…
Thêm các mô hình thí điểm để nhân rộng
Là tổ chức nông dân đầu tiên tại tỉnh Kiên Giang được chọn triển khai mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, anh Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Niên Phú Hòa đánh giá, mô hình bước đầu đã mang lại thành công và có khả năng nhân rộng. Nông dân đã giảm được lượng giống gieo sạ còn 70kg/ha. Giảm lượng phân bón hóa học 30%, chủ yếu là giảm lượng đạm. Giảm thuốc bảo vệ thực vật 20%. Giảm lượng nước tưới 50% theo hướng ngập - khô xen kẽ. Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế tăng so với canh tác truyền thống, bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững tại ĐBSCL, hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Do đó nông dân đồng thuận cao, hợp tác thực hiện đúng quy trình của Đề án, mong muốn mở rộng cho các vụ tiếp theo.
TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết theo kế hoạch thực hiện Đề án, tỉnh Kiên Giang đăng ký tham gia 200.000ha. Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2025) diện tích từ 60.000 - 100.000ha, triển khai trên diện tích và các hợp tác xã đã tham gia dự án VnSAT trước đây. Giai đoạn 2 (2026 - 2030) sẽ mở rộng diện tích để đạt mục tiêu 200.000ha.
Tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai 12 mô hình thí điểm thuộc Đề án, trong đó năm 2024 đã phối hợp với Cục Trồng trọt khởi động Đề án với 2 cánh đồng sản xuất tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) và Hợp tác xã Dịch vụ Tôm cua lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh).
Trong vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, Kiên Giang sẽ tiếp tục khởi động 10 cánh đồng mô hình thí điểm còn lại trên địa bàn các huyện được chọn tham gia Đề án. Từ đó đánh giá và nhân ra diện rộng, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 200.000ha tham gia Đề án.