| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng IPHM, cây lúa cho lợi nhuận tăng thêm gần 6 triệu đồng/ha

Thứ Ba 26/11/2024 , 08:14 (GMT+7)

PHÚ YÊN Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa còn giúp nông dân tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Áp dụng IPHM trên cây lúa giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ảnh: KS.

Áp dụng IPHM trên cây lúa giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ảnh: KS.

Lợi nhuận tăng gần 6 triệu đồng/ha

Vụ hè thu năm 2024, Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai 13 lớp tập huấn nông dân áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa.

Tham gia lớp tập huấn, nông dân không chỉ được giảng viên hướng dẫn, truyền đạt kiến thức về IPHM mà còn “cầm tay chỉ việc” trên ruộng lúa mô hình từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch.

Mới đây, Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên đã tổ chức sơ kết Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây lúa vụ hè thu năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên cho biết, các ruộng mô hình phục vụ chương trình tập huấn cho nông dân về IPHM đều mang lại hiệu quả kinh tế cao do giảm được chi phí sản xuất, năng suất cao hơn ruộng đối chứng.

Cụ thể, ruộng áp dụng IPHM chỉ gieo sạ từ 4 - 6kg/sào (500m2), giảm hơn một nửa so với ruộng canh tác truyền thống nhưng lợi nhuận tăng trung bình 5,9 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Đáng chú ý, ruộng mô hình tại xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) cho lợi nhuận lên đến gần 9,5 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Theo ông Minh, áp dụng IPHM trên cây lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn góp phần bảo vệ thiên địch, giữ cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, giảm ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

‘Việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV khi sản xuất theo IPHM làm tăng chất lượng sản phẩm, không để lại dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, ông Minh bày tỏ.

Nông dân hào hứng học tập về IPHM trên ruộng lúa. Ảnh: KS.

Nông dân hào hứng học tập về IPHM trên ruộng lúa. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn, đã tuyên truyền cho bà con thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nhằm chung tay bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, phương pháp tập huấn của chương trình IPHM đã giúp gắn bó hơn giữa giảng viên (cán bộ kỹ thuật) với nông dân và với đồng ruộng. Nông dân được trang bị kiến thức về kỹ thuật canh tác, trở thành chuyên gia, từ đó thúc đẩy suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo để quyết định những biện pháp kỹ thuật cần tác động trên đồng ruộng của mình cũng như có tinh thần hợp tác, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.

Lan tỏa trồng lúa áp dụng IPHM

Sau khi kết thúc các lớp tập huấn cho nông dân tại các đơn vị áp dụng IPHM trên cây lúa, ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa An Tây (huyện Phú Hòa) cho biết đã giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất. Hầu hết nông dân đều phấn khởi vì lợi ích mang lại khi áp dụng IPHM trên cây lúa, đó là giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và lợi nhuận.

Sau khi được tập huấn, các hợp tác xã sẽ nhân rộng mô hình IPHM trên cây lúa. Ảnh: KS.

Sau khi được tập huấn, các hợp tác xã sẽ nhân rộng mô hình IPHM trên cây lúa. Ảnh: KS.

“Vừa qua, năng suất lúa thực thu tại mô hình đạt 76 tạ/ha, trong khi ruộng đối chứng chỉ đạt 74 tạ/ha”, ông Nghĩa chia sẻ và cho biết thêm, 30 nông dân của 8 đội sản xuất tại Hợp tác xã tham gia lớp tập huấn về IPHM đều nắm bắt được quy trình canh tác lúa để áp dụng vào sản xuất.

Do đó, trước mắt Hợp tác xã sẽ lấy 30 nông dân này làm hạt nhân để lan tỏa mô hình trồng lúa theo IPHM trong thời gian tới. Đồng thời, trong vụ đông xuân 2024 - 2025 tới, Hợp tác xã sẽ sử dụng kinh phí từ quỹ khuyến nông để tiếp tục mời giảng viên huấn luyện nông dân sản xuất theo chương trình IPHM.

Còn ông Phan Văn Hùng, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho biết, từ lớp tập huấn cho nông dân theo chương trình IPHM trên cây lúa vừa qua, bà con tại Hợp tác xã đã thấy được hiệu quả của việc giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc BVTV mà vẫn đảm bảo được năng suất. Từ đó giúp nông dân tự tin hơn trong vụ đông xuân tới để áp dụng tại ruộng lúa nhà mình.

“Chúng tôi thấy áp dụng IPHM giúp cây lúa khỏe mạnh, hạn chế được sâu bệnh, giảm hơn 50% số lần phun thuốc BVTV, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trước lợi ích mang lại, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn để nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, từng bước nhân rộng mô hình IPHM trên cây lúa”, ông Hùng chia sẻ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, trong năm 2025, Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 26 lớp tập huấn cho nông dân về IPHM trên cây lúa ở cả 2 vụ đông xuân và hè thu tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Dự kiến số lượng nông dân được tập huấn IPHM là khoảng 780 người.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.