| Hotline: 0983.970.780

Nước sạch ở Tân Thạnh

Thứ Sáu 26/10/2012 , 10:33 (GMT+7)

Thực trạng thiếu nước sạch ở huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) mà chúng tôi có dịp khảo sát, chắc không khác gì các địa phương ở ĐBSCL.

Giếng khoan là nơi cung cấp nước sạch chủ yếu ở nông thôn

Hiện nay ở nông thôn và cả ở thành thị, người dân vẫn còn thiếu nước sạch dùng. Một phần do tập quán mà họ không hề băn khoăn việc phải sử dụng nước nhiễm bẩn; một phần do điều kiện khó khăn mà họ không có được nguồn nước mong muốn. Thực trạng ở huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) mà chúng tôi có dịp khảo sát, chắc không khác gì các địa phương ở ĐBSCL.

Nói về nước sinh hoạt, ông Lương Duy Khanh, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) cho biết: "Xã có 1838 hộ nhưng nước máy chỉ phục vụ được cho khoảng 900 hộ". Trên một đoạn đường khoảng 1.000 m từ cầu Tắc Cà Đi đến cầu Vàm Nhon, một cụm dân cư nằm dọc bên lộ vẫn phải dùng nguồn nước bẩn từ con rạch chạy song song phía sau nhà vì đường ống nhựa không thể dẫn qua lộ, nơi có xe tải chạy hằng ngày.

Tình trạng các hộ nằm ven lộ mà phía sau nhà có sông kênh rạch, không chỉ ở nông thôn mà cả ở thành thị vẫn còn tồn tại hiện trạng: tất cả các chất thải bẩn đều tuồn xuống dòng nước, rồi từ dòng nước lấy nước lên để lắng lọc dùng cho mọi nhu cầu đời sống. Giải quyết được rốt ráo tồn tại này chắc phải còn lâu, vì phải di dời hết các hộ định cư theo kiểu tập quán xưa “trước lộ, sau sông”.

Ở xã Tân Thạnh hiện còn trên 10 lộ nhánh, mỗi lộ nhánh có khoảng 50 hộ dân, đều gặp tình trạng tương tự. Có trường hợp do nhà cách xa nhau, chi phí đường ống đấu nối tốn kém nên nhiều hộ khó khăn đành chấp nhận mô hình nước sông là chính, nước mưa là phụ. Dĩ nhiên nước sông thì quá bẩn cho việc giặt giũ, nói gì đến chuyện tắm rửa, sinh hoạt. Còn nước mưa chứa trong lu, hũ thì có sạch gì hơn, lại có quá nhiều loăng quăng, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết.

Khi nghe hỏi về chuyện nước sạch, anh Tiền Minh Khoa, nhà 7 nhân khẩu, cho biết: “Nhà tôi sẵn sàng bỏ ra toàn bộ chi phí đường ống và cho các hộ dân trên đường ống đi qua đấu nối thì lại không được nhà máy cung cấp nước. Họ lấy lí do, đường hẻm này ít nhà, xài quá ít nước, phải tốn nhiều phí, không có lời nên nhà máy không thể cung cấp nước sạch được".

Trao đổi với ông Trần Văn Mới, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thạnh, được ông cho biết thêm về kế hoạch cung cấp nước sạch của huyện trong Chương trình xây dựng NTM như sau: Để nâng cao chất lượng sử dụng nước cho người dân, địa phương đã trình đề án và được cấp trên phê duyệt, trong tương lai sẽ xây dựng thêm 6 trạm cấp nước sạch nữa mới đáp ứng nhu cầu người dân.

Đó là các trạm Đội Quán, cầu Tư Phước đáp ứng nhu cầu cho dân ấp Thới Thuận A; trạm cầu Hai Sậy cho Thới Thuận B; trạm cầu ông Năm Đa thuộc ấp Thới Thuận; trạm Tư Hồng Y; trạm Tám Thuận cho Thới Phước 1 và 2. Riêng trạm cấp nước cho Thới Phước 2 đã khảo sát và có kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng nhà máy.

Theo tính toán của xã Tân Thạnh, nước cấp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tiêu chuẩn là 80 lít/người/ngày. Các trạm cấp nước dự toán xây phải đạt công suất mỗi trạm từ 150m3 đến 1.000m3/ngày và để có được tổng công suất 3.150m3/ngày đêm phục vụ cho người dân Tân Thạnh thì phải đầu tư cơ bản trên 22 tỉ đồng cho 6 trạm, chưa tính đến kinh phí xây dựng các tuyến ống nhánh vào từng hộ sử dụng nước.

Không rõ đến bao giờ các trạm cấp nước này mới khởi công và dân nơi đây được hưởng nguồn nước máy?

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất