| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới với làng nghề OCOP

Thứ Năm 09/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở Bình Định đã phát triển làng nghề sản xuất sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Làng nghề gắn với du lịch

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, toàn tỉnh này hiện có 42 làng nghề được công nhận theo Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, 12 làng nghề có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, ngoài ra, hiện nay còn 8 làng nghề có sản phẩm OCOP trong thời gian được công nhận, 4 làng nghề khác đang gia hạn lại chứng nhận sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, Bình Định phát triển làng nghề không chạy theo số lượng, mà theo thực tế, có sự lựa chọn gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Theo bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn (Bình Định), với định hướng phát triển làng nghề có sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền cấp tỉnh, Nhơn Lộc đầu tư phát triển làng nghề rượu Bàu Đá trở thành làng nghề điểm phục vụ du lịch trong thời gian tới. Hiện làng nghề rượu Bàu Đá Nhơn Lộc có nhiều sản phẩm OCOP, người dân làng nghề giữ được nếp sinh hoạt truyền thống như giỗ tổ nghề, nhà thờ tổ…

Làng nghề nấu rượu Bàu Đá truyền thống tại xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Làng nghề nấu rượu Bàu Đá truyền thống tại xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Quan trọng là thay đổi được suy nghĩ, cách làm của người dân làng nghề trong việc cùng giữ gìn tài sản của cộng đồng, nâng chất lượng sản phẩm, kiến tạo nên thương hiệu “làng nghề Bàu Đá” đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch. Để làm được điều này, chúng tôi đang tổ chức lại hoạt động sản xuất của Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá, tập huấn cho người dân về kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là khâu bảo vệ môi trường…”, bà Hằng chia sẻ.

Huyện Phù Cát hiện cũng đang có 3 làng nghề: Nước mắm Đề Gi (xã Cát Khánh); làng nghề bún bánh An Phong (thị trấn Ngô Mây) và làng nghề nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường) có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ năm 2019. Đây là điểm thuận lợi để huyện Phù Cát đầu tư cho các làng nghề nói trên gắn với Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn.

Làng nghề nâng cao thu nhập cho nông dân

Thị xã An Nhơn (Bình Định) là 1 trong những địa phương đi đầu trong đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng đề án phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hiện thị xã An Nhơn hiện có 11 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 5 làng nghề trồng mai cảnh được công nhận lại theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. An Nhơn đã đầu tư hạ tầng giao thông, nhà trưng bày sản phẩm, hỗ trợ máy móc, xây dựng hồ sơ tham gia phân hạng sản phẩm OCOP, quảng bá sản phẩm… để phát triển làng nghề gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của nghề truyền thống.

Xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn), nơi có 3 làng nghề truyền thống là làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở thôn Bắc Nhạn Tháp, làng nghề bún tươi ở thôn Ngãi Chánh và làng gốm Vân Sơn ở thôn Vân Sơn. Những làng nghề nói trên phát triển ổn định, tạo việc làm cho hơn 700 lao động.

Làng gốm Vân Sơn ở xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định) hiện còn 50 hộ giữ nghề. Ảnh: V.Đ.T.

Làng gốm Vân Sơn ở xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định) hiện còn 50 hộ giữ nghề. Ảnh: V.Đ.T.

Cụ bà Võ Thị Hoa (76 tuổi) người đã có trên 50 năm gắn bó với nghề làm đồ gốm ở thôn Vân Sơn (xã Nhơn Hậu), chia sẻ: “Làng gốm Vân Sơn còn khoảng 50 hộ giữ nghề, sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, bà con làm túc tắc cũng có thu nhập ổn định. Thời gian gần đây, làng gốm đón nhiều niềm vui từ những du khách, học sinh các trường học đến làng nghề để trải nghiệm làm gốm, bà con phấn khởi vì có thêm thu nhập từ việc hướng dẫn du khách làm gốm”.

Làng nghề bún bánh ở thôn An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn) hiện có 180 hộ, cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Mỗi năm làng nghề đưa ra thị trường hơn 2.200 tấn bánh tráng, bún khô, bún song thằn, doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng.

Theo ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, xã này đang lộ trình phấn đấu lên phường vào năm tới, nên chính quyền địa phương tích cực quan tâm phát triển làng nghề bún, bánh An Thái gắn với bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa, hướng tới phát triển du lịch. Ngoài việc đầu tư mở rộng, nâng cấp đường giao thông, Nhơn Phúc còn tổ chức thu gom rác thải 2 lần/tuần; vận động các hộ, cơ sở làm bún, bánh xây dựng hệ thống bể tự hoại để thu gom, xử lý nước thải bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất