| Hotline: 0983.970.780

Đại Từ về đích nông thôn mới: [Bài cuối] 5 bài học kinh nghiệm

Thứ Sáu 19/04/2024 , 09:53 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Sau khi hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, huyện Đại Từ phấn đấu hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Trung tâm huyện Đại Từ ngày nay. Ảnh: Quang Linh.

Trung tâm huyện Đại Từ ngày nay. Ảnh: Quang Linh.

Đến nay, huyện Đại Từ đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) với 100% xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, thị trấn Quân Chu và thị trấn Hùng Sơn cũng đạt các tiêu chí đô thị văn minh.

Trong quá trình đưa huyện về đích nông thôn mới, Đại Từ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: 100% đường huyện, đường trục xã liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; khoảng 400km đường trục xóm, liên xóm được cứng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn; 27/27 xã có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn; 398/398 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa xóm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, thể thao của người dân…

Để đạt được những thành công nêu trên, ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ cho hay, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến là Trưởng ban, thành viên gồm đại diện các sở, ngành của tỉnh và huyện Đại Từ. Huyện cũng ban hành Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, vạch rõ lộ trình triển khai thực hiện cho từng năm.

Ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quang Linh.

Ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quang Linh.

Bám sát nội dung Đề án, Huyện uỷ Đại Từ đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch; Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát động nhiều phong trào thi đua, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân cùng chung sức thực hiện nhiệm vụ. Quan điểm thống nhất xuyên suốt của huyện Đại Từ là xác định người dân giữ vai trò chủ thể trong Chương trình xây dựng NTM, mỗi đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình tích cực cùng cộng đồng dân cư tham gia.

Trên tinh thần phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền dân chủ ở mỗi khu dân cư và của người dân theo tinh thần “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”, việc triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng NTM được gắn với điều kiện thực tế, cụ thể, xác định rõ thực trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của từng xã, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng địa bàn, địa phương.

Qua đó, huyện Đại từ đã phấn đấu về đích xây dựng huyện nông thôn mới trước một năm so với mục tiêu của UBND tỉnh Thái Nguyên đặt ra.

5 bài học kinh nghiệm

Trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy Đại Từ nêu 5 bài học kinh nghiệm lớn khi huyện Đại Từ cán đích nông thôn mới.

Thứ nhất, bài học về thay đổi về nhận thức. Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh không phải là một chương trình, dự án cụ thể nào. Mà đó là tinh thần, nhận thức tổng thể cho từng người dân, cán bộ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Khi nhận thức được thay đổi một cách đầy đủ, mỗi bước thực hiện các chương trình, đề án sẽ có cách làm chủ động, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của xã, tránh rập khuôn, máy móc.

Thứ hai, huy động nguồn lực. Đa dạng hoá nguồn lực để xây dựng NTM với phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết". Việc huy động nguồn lực phải theo tinh thần là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Thứ ba, đổi mới sáng tạo và linh hoạt trong thực hiện chương trình, đề án. Mỗi địa phương phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu cấp thiết của người dân để lựa chọn nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp. Phải tạo điều kiện để mỗi địa phương tự chủ trong xác định nhu cầu và phân bổ nguồn lực ưu tiên hơn cho các vấn thiết thực.

Điển hình là phong trào mở rộng đường xóm 6m. Giai đoạn đầu, đòi hỏi phải tuyên truyền để thay đổi nhận thức, đồng thời sử dụng nguồn lực của nhà nước để xây dựng các mô hình điểm để người dân soi chiếu.

Nhưng khi phong trào đã thực sự đi chiều sâu và nhân dân đã ủng hộ thì lúc này làm sao để huy động tối đa nguồn lực trong người dân để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, vì chính lợi ích của nhân dân.

Thứ tư, nêu cao sức mạnh đại đoàn kết. Có đoàn kết mới khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Qua đó, tương trợ lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn.  

Thứ năm, tạo sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới. Để tạo sự đồng thuận, trước hết là phải thống nhất quan điểm trong chi bộ, trong đoàn thể và người dân.

Đơn cử như trong công tác giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn, để tuyên truyền vận động người dân thực hiện, phải phân công nhiệm vụ cho mỗi đoàn thể phụ trách một số hộ cụ thể trên mỗi tuyến đường, với những trường hợp khó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã sẽ vào cuộc.

Đối với những hộ dân gương mẫu, đi đầu trong xây dựng NTM, địa phương tổ chức tuyên dương, khen thưởng kịp thời nhằm động viên, khích lệ, từ đó lan tỏa gương sáng tại địa phương.

Đại Từ quyết tâm xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

“Đưa huyện Đại Từ về đích nông thôn mới nâng cao là mục tiêu rất là khó khăn khi phải hoàn thành các tiêu chí nâng cao, đòi hỏi cố gắng và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó, huyện Đại Từ xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài và không có điểm kết thúc”, ông Phạm Duy Hùng nhấn mạnh.

Huyện Đại Từ đặt ra mục tiêu có 5 xã về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Ảnh: Quang Linh.

Huyện Đại Từ đặt ra mục tiêu có 5 xã về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Ảnh: Quang Linh.

Ban đầu trong mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới là các địa phương phấn đấu đạt được chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều xã nông thôn mới đang nâng chất lên thành nông thôn mới nâng cao.

Trong đó, huyện đặt ra mục tiêu có 5 xã về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Xã nào đã về đích nông thôn mới nâng cao sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện sẽ tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn mà huyện đặt mục tiêu tới năm 2025; nâng cao giá trị và thu nhập của người dân; Đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm chè, tạo ra mặt hàng nông nghiệp mũi nhọn của huyện Đại Từ.

Cùng với đó, xác định cái tiêu chí môi trường là vô cùng quan trọng với trọng tâm kinh tế là nông nghiệp chất lượng cao và phát triển du lịch sinh thái. Do vậy, huyện sẽ tập trung lên kế hoạch, triển khai các giải pháp giữ gìn, bảo vệ và nâng cao yếu tố môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Qua đó, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào 2025 và trở thành thị xã trực thuộc vào năm 2030.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.