| Hotline: 0983.970.780

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Thứ Sáu 10/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Cây bồ đề ngoài được biết đến là dược liệu có thể điều chế thành nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe, loại cây này còn được xem là sản phẩm phong thủy mang đến sự an lành, may mắn.

Tại xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, anh Đặng Duy Khánh đã sáng tạo, biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh trang trí độc đáo.

Anh Đặng Duy Khánh, chủ nhân của những sản phẩm tranh lá bồ đề, một trong những sản phẩm quà tặng lưu niệm độc đáo ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Anh Đặng Duy Khánh, chủ nhân của những sản phẩm tranh lá bồ đề, một trong những sản phẩm quà tặng lưu niệm độc đáo ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Theo lời anh Khánh, trong một lần tình cờ nhặt được lá bồ đề trong sân chùa. Đặc biệt, ngâm lâu trong nước lá sẽ mất chất diệp lục nên chỉ còn gân lá. Thấy thú vị, anh Khánh nảy sinh ý tưởng làm tranh từ lá bồ đề, với mong muốn tạo ra sản phẩm quà lưu niệm mang dấu ấn riêng của vùng đất Sóc Trăng.

Bồ đề là loại cây thay lá nhiều lần trong năm, điều này giúp anh Khánh có được nguồn nguyên liệu khá dồi dào để làm tranh.

Khâu khó nhất trong quá trình làm tranh là sơ chế nguyên liệu từ lá bồ đề. Trải qua nhiều công đoạn phức tạp như: chọn lá đã rụng hoặc sắp rụng có đủ độ dày, đẹp; tách chất diệp lục ra khỏi xương lá; vệ sinh lá và tạo hình.

Mỗi công đoạn lại có những yêu cầu riêng, đòi hỏi người thợ phải thật sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Điển hình, khi xử lý tách chất diệp lục để tạo ra chất liệu xương lá màu trắng, phải mất thời gian gần 2 tháng mới đạt tiêu chuẩn.

Còn đối với những bức tranh cây bồ đề, anh Khánh phải sử dụng thêm chất liệu vỏ cây khô để đính ghép làm thân cây. Phần lá sẽ sử dụng xương lá bồ đề màu trắng. Với tranh lá hình Phật và thư pháp cũng lồng ghép thêm lụa để quét hình lên khuôn.

Để tạo ra một bức tranh hoa bồ đề, người thợ phải sử dụng từ vài chục đến hàng trăm lá để đính, lồng ghép với nhau, tùy kích cỡ. Ảnh: Kim Anh.

Để tạo ra một bức tranh hoa bồ đề, người thợ phải sử dụng từ vài chục đến hàng trăm lá để đính, lồng ghép với nhau, tùy kích cỡ. Ảnh: Kim Anh.

Vào tháng 6/2020, anh Khánh đã chính thức cho ra đời nhiều sản phẩm tranh lá bồ đề đẹp mắt. Các dòng tranh sử dụng 2 màu chủ đạo là trắng và vàng. Ngoài ra anh cũng phối hợp tạo ra nhiều màu sắc khác để phù hợp với từng chủ đề của bức tranh như: tím, đỏ, trắng, xanh nước biển… Các màu này được xử lý nhuộm bằng các loại màu thiên nhiên từ rau, củ, quả.

Một số chủ đề cơ bản của tranh lá bồ đề được anh Khánh lựa chọn là tranh hoa bồ đề, cây bồ đề, bướm, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thư pháp, cá... Các dòng tranh tượng trưng cho sự bình an, may mắn, rất thiết thực khi được lựa chọn là quà tặng cho bạn bè, người thân.

Anh Khánh đang tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị đưa ra thị trường những dòng tranh sử dụng chất liệu lá từ các loại cây đặc trưng ở miền Tây, vẽ về những chủ đề phong cảnh, chân dung…

Những sản phẩm tranh thư pháp được vẽ nên từ lá bồ đề. Ảnh: Kim Anh.

Những sản phẩm tranh thư pháp được vẽ nên từ lá bồ đề. Ảnh: Kim Anh.

Mỗi bức tranh có thời gian hoàn thành từ vài ngày đến vài tuần, tùy theo kích cỡ hoặc chủ đề, giá bán cũng dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Sau 3 năm khởi nghiệp từ dòng tranh lá bồ đề, anh Khánh đã thực hiện hàng trăm bức tranh từ lá bồ đề và khoảng 5.000 móc khóa in hình Phật Thích Ca Mâu Ni, chữ thư pháp… mang lại nguồn thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng cho bản thân anh.

Ngoài ra, công việc này còn giải quyết cho hơn 10 lao động nữ ở địa phương với mức thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày nhờ gia công, sơ chế lá rồi cắt, ép nhựa và gắn dây lụa tăng tính thẩm mỹ cho bức tranh.

Bà Đặng Thị Sầu Riêng ở xã Vĩnh Hiệp, một trong những lao động đang làm gia công tranh lá bồ đề cho biết, ở nông thôn tìm kiếm được công việc ổn định, với thu nhập khoảng 200.000 đồng như hiện tại là rất khó.

Mỗi tháng anh Khánh cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm tranh lá bồ đề với đa dạng chủ đề, kích thước. Ảnh: Kim Anh.

Mỗi tháng anh Khánh cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm tranh lá bồ đề với đa dạng chủ đề, kích thước. Ảnh: Kim Anh.

“Công việc hàng ngày của tôi là lấy lá bồ đề về ngâm, tách diệp lục, mỗi ngày cũng có thu nhập khoảng 200.000 đồng, số tiền này đủ để gia đình trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày”, bà Riêng bộc bạch.

Tranh lá bồ đề của anh Khánh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Sóc Trăng. Anh Khánh đang liên kết với một số điểm du lịch, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Sóc Trăng để quảng bá sản phẩm.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất