| Hotline: 0983.970.780

Phát triển du lịch nông thôn gắn liền với nông nghiệp xanh

Thứ Sáu 19/04/2024 , 15:32 (GMT+7)

HÀ NỘI Việc phát triển du lịch nông thôn đang là xu hướng chung của xã hội. Phát triển du lịch nông nghiệp cũng là góp phần xây dựng nông thôn mới có chiều sâu.

Hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp cho chiến lược phát triển du lịch nông thôn. Ảnh: Lê Hùng.

Hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp cho chiến lược phát triển du lịch nông thôn. Ảnh: Lê Hùng.

Trong khuôn khổ Hội chợ nông nghiệp quốc tế AgroViet 2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn”.

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp làm gia tăng ô nhiễm môi trường, sản xuất nông nghiệp bền vững, xanh, thân thiện với môi trường là giải pháp, đích đến mà Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đã và đang phải hướng tới.

Ngày 01/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, toàn ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tích hợp đa giá trị, trong đó có văn hoá và tài nguyên môi trường.

Theo ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hoá các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới cũng như góp phần định hướng ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.

Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có của các địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn, thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.

Mô hình du lịch nông thôn, trải nghiệm tại các homestay, miệt vườn ngày càng phát triển   Ảnh: NNVN.

Mô hình du lịch nông thôn, trải nghiệm tại các homestay, miệt vườn ngày càng phát triển   Ảnh: NNVN.

Hiện nay, cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn. Các mô hình du lịch nông thôn đã và đang mang tới các giá trị về mặt kinh tế cũng như về văn hóa, lịch sử. 

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn trong bối cảnh hiện nay còn gặp phải nhiều bất cập, nhất là thiết kế và phát triển sản phẩm, đặc biệt là giữ được sự nguyên bản văn hoá, cảnh quan, kiến trúc, trong khi đó người dân chưa được hỗ trợ tài chính đủ mức đầu tư dịch vụ có chất lượng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Phong (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn) cho rằng, chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch nông thôn còn hạn chế; một số chính sách, thủ tục về đất đai cho du lịch nông thôn vẫn còn nhiều phức tạp dẫn đến tình trạng nhiều mô hình du lịch nở rộ ở một số tỉnh diễn ra tự phát, không được kiểm soát về chất lượng dịch vụ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện Phát triển Du lịch châu Á (ATI) cho rằng, tình trạng phát triển du lịch chụp giật, không chuyên nghiệp và không đưa cộng đồng tham gia vào là một vấn đề đáng quan ngại mà Việt Nam đang gặp phải. Trong nhiều trường hợp, du lịch được triển khai nhưng thiếu đi sự tương tác và hỗ trợ từ cộng đồng địa phương sẽ dẫn đến mất đi những giá trị văn hóa độc đáo và tương tác xã hội mà du khách mong đợi.

Nhằm tháo gỡ tình trạng trên, ông Quỳnh đề xuất cần phải có phương nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách như đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch. Địa phương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể dựa trên điều kiện của mình để phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường… lồng ghép các chương trình, dự án. 

Về phía Bộ NN-PTNT, cần có sự tăng cường hợp tác giữa các bộ, cơ quan liên quan trong việc thúc đẩy hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch, từ đó tận dụng tài nguyên cho phát triển du lịch và nông nghiệp.

Đồng thời có phương án đào tạo, nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp cho người dân địa phương, giúp họ hiểu rõ về giá trị và tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp với du lịch; xây dựng các chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.