Anh Trần Duy Nhị -TDP 3, Thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bắt kỳ đà cho PV xem
Vừa gặp chúng tôi, anh Vũ Thế Sơn - Q. Trưởng trạm Khuyến nông Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã nói ngay: Đi với tôi, có mô hình mới để viết đây - mô hình nuôi kỳ đà, ngay thị trấn huyện đây thôi.
Chúng tôi đến nhà anh Trần Duy Nhị ở TDP 3, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, người nuôi kỳ đà. Trên đường đi, anh Sơn vui vẻ cho biết: Kỳ đà thuộc lớp động vật bò sát, hình dáng bên ngoài trông giống như con thạch sùng (thằn lằn) nhưng to và dài hơn nhiều, có thể dài 2,5-3m, nặng khoảng 10kg. Kỳ đà có nhiều loài, ở Việt Nam hiện nay có 2 loài kỳ đà: Kỳ đà hoa (Varanus salvator) và kỳ đà vân (Varanus bengalensis).
Trong tự nhiên kỳ đà là một mắt xích trong chuỗi thức ăn và lưới thức ăn, là thành viên tiêu diệt sâu bọ, chuột phá hoại mùa màng và là nguồn gen quý hiếm góp phần tạo nên tính đa dạng sinh học. Tuy nhiên, do sức hấp dẫn của các món ăn chế biến từ thịt và trứng kỳ đà cũng như bộ da và đặc biệt là túi mật của nó mà số lượng kỳ đà ngoài tự nhiên hiện nay không còn nhiều vì bị con người săn bắt mạnh.
Vừa đến nơi, anh Nhị tâm sự với chúng tôi: "Đây là một nghề mới ở tỉnh Quảng Ngãi, nghề mà một vốn nhiều lời và dễ làm. Trang trại trước đây là hồ cá của Hội cựu chiến binh thị trấn Châu Ổ quản lý, diện tích chỉ có 447m2, năm 2007 tôi thuê nơi này và nuôi cá. Từ tháng 11/2007, tôi đầu tư 12 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi kỳ đà ngay bên hồ cá và ra Trại giống Hà Bắc (tỉnh Bắc Giang) để mua 41 con kỳ đà vân, trung bình mỗi con nặng 0,8 kg. Sau một thời gian nuôi, kỳ đà đã đẻ trứng và tôi cho ấp nhân tạo, nở được 32 con".
Vừa qua, anh Nhị xuất bán cho các nhà hàng 26 con (tổng 46,8 kg) với giá 300 nghìn đồng/kg, thu trên 14 triệu đồng. Anh cũng đang bước đầu cung cấp giống cho bà con ở các nơi đến mua, số lượng 21 con, thu trên 5,2 triệu đồng. Hiện anh đang giữ lại 26 con kỳ đà để nhân giống. Theo anh Nhị, chăm sóc nuôi dưỡng kỳ đà phải nắm bắt rõ tập tính sinh hoạt, môi trường sống, phòng trừ bệnh cho nó.
Thức ăn của kỳ đà là cóc, ếch nhái, gà vịt, tôm cá, thịt lợn, thịt động vật loại nhỏ, có thể dùng phụ phẩm chăn nuôi để giảm chi phí. Song song với nuôi kỳ đà, anh Nhị nuôi 7.000 con ếch. Hễ có con ếch nào chết thì anh chuyển qua làm thức ăn cho kỳ đà. Kỳ đà sinh trưởng, phát triển mạnh sau mỗi lần lột xác (lột da). Sau mỗi lần lột da, nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt chúng có thể tăng 3 kg.
Kỳ đà thường lột da mỗi năm một lần vào khoảng tháng 8 đến tháng 10. Kỳ đà trưởng thành sau 18 tháng tuổi. Kỳ đà vân giao phối và sau khoảng 102 đến 106 ngày thì đẻ trứng, mỗi năm một lứa, mỗi lứa khoảng 15-17 trứng và chỉ khoảng trên 35% trứng có khả năng nở con. Chọn những con to khỏe có kích thước trung bình trở lên. Cách nhận biết kỳ đà đực, kỳ đà cái bằng cách lật ngửa bụng con kỳ đà để quan sát gốc đuôi và lỗ huyệt.
Kỳ đà đực có gốc đuôi phồng to, lỗ huyệt lồi và có gờ, khi bóp vào gốc đuôi sẽ thấy gai giao cấu màu đỏ thẫm lồi ra ở lỗ huyệt. Kỳ đà cái có đuôi thon nhỏ, lỗ huyệt nhỏ lép, khi bóp vào gốc đuôi không có gai giao cấu lồi ra. Thả giống vào chuồng, mỗi chuồng thả 1 con đực với 1-5 con cái.
Anh Nhị làm chuồng nuôi kỳ đà bằng lưới sắt bao 4 mặt, dài 3-4m, rộng 2-3m, cao 2-3m. Trong chuồng, để sẵn một số ống cống phi 0,1-0,2m, dài trên 4m, đảm bảo môi trường thích hợp cho kỳ đà ẩn trú, nghỉ ngơi và phòng tránh nắng nóng; có hệ thống thoát nước hợp lý khi rửa chuồng hay xịt nước tắm cho kỳ đà (nước này chảy xuống ao cá). Có bể nước để chúng có thể tắm lội được.
Mỗi con kỳ đà ăn khoảng một vài con chuột hay ếch nhái… là đủ bữa cho cả ngày. Nên đặt sẵn máng đựng thức ăn, nước uống cho kỳ đà ăn. Trong điều kiện thời tiết nhiệt độ xuống thấp thì có thể thắp thêm một số đèn điện. Nuôi kỳ đà không những không tốn thức ăn đắt tiền mà còn tiêu diệt được chuột, côn trùng, sâu bọ phá hoại mùa màng.
Tìm hiểu thêm về nghề mới này, chúng tôi tiếp tục đến trại nuôi kỳ đà của anh Phan Khắc Trinh ở thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh. Anh Trinh cho biết, từ năm 2007, anh đã lên tận Gia Lai và Đắk lắk để mua giống kỳ đà về nuôi thử. Mới đây anh lại ra trại của anh Nhị ở Bình Sơn mua thêm 11 con nữa. Hiện đàn kỳ đà của anh khoảng 20 con trông rất đẹp mắt. Theo kinh nghiệm của anh Trinh, kỳ đà vân thường mắc một số bệnh như: Viêm ngoài da, táo bón, tiêu chảy, ký sinh trùng đường ruột, ký sinh trùng ngoài da...
Những bệnh này cũng không khó phòng trừ và chữa trị, quan trọng nhất là phải đảm bảo vệ sinh, không để nguồn nước uống cho kỳ đà bị nhiễm bẩn, chuồng trại không lầy lội, không quá nóng hay quá lạnh. Ngoài nuôi kỳ đà, anh Trinh còn nuôi trên 20 con kỳ tôm (kỳ tôm cũng thuộc loại bò sát), chúng đang sinh trưởng và phát triển tốt, giá kỳ tôm khá cao, trên dưới khoảng 1 trăm nghìn đồng/kg.
Được biết, trại của anh Trinh còn là địa điểm cung cấp ếch giống vào loại nhiều nhất tỉnh. Hiện anh có trên 2.000 con ếch giống và trên 2 tấn ếch thịt. Anh nói: Nuôi kiểu này lợi cả đôi đường, giả sử có con ếch nào chết thì chuyển qua làm thức ăn cho kỳ đà, kỳ tôm, chúng càng mau lớn. Nuôi kỳ đà đơn giản, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng điều anh Trinh lo lắng là kỳ đà có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, nên rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi để các hộ được nhân nuôi loài bò sát quý hiếm mà dễ nuôi này.