Hiện Hà Nội có 222.000ha cây trồng trong đó chủ lực gồm lúa 153.000ha, cây ăn quả 20.000ha (bưởi 7.800ha, chuối 3.600ha). Với mục tiêu phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng, an toàn, UBND TP Hà Nội đã ban hành: Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất giai đoạn 2021 - 2025. Các kế hoạch này được giao cho Sở NN-PTNT mà trực tiếp là Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thực hiện.
Theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, đến nay, Thành phố đã có 226 vùng lúa, 144 vùng bưởi, 72 vùng chuối tập trung, ứng dụng cơ giới hoá để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, hình thành các chuỗi liên kết. Cụ thể, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao đã góp phần gia tăng 96.440 - 144.660 triệu đồng so với sản xuất lúa thường. Từ đó đã lan tỏa từ 190 vùng (năm 2019) lên 225 vùng (năm 2023) với cơ cấu giống lúa chất lượng cao từ 55,3% lên 72,8%, xây dựng được 4 chuỗi liên kết, 3 nhãn hiệu tập thể gạo, kết nối được 6 doanh nghiệp vào tiêu thụ.
Với bưởi, trên địa bàn Thành phố hiện có 114 vùng sản xuất tập trung với diện tích 7.890ha, tăng hơn so với năm 2020 là 14,8%; giá trị sản xuất năm 2024 đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 402 tỷ đồng so với năm 2020. Áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP lên 12% diện tích. Cấp 3 mã vùng trồng bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu với quy mô 36ha. Hình thành và phát triển được 5 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả, xây dựng 2 nhãn hiệu, duy trì 5 nhãn hiệu tập thể.
Về chuối, diện tích trồng năm 2024 là 3.950ha, tăng 655ha so với năm 2020, năng suất là 30 tấn/ha tăng 4,1 tấn/ha so với năm 2020, tổng giá trị sản phẩm tăng 24.840 - 28.980 triệu đồng. Đã kết nối được 2 doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ cho các điểm tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu gồm Công ty Cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm) và Công ty chuối Vi Ba với sản lượng tiêu thụ trung bình 50 tấn/tháng. Trên cơ sở đó xây dựng được 4 chuỗi và 4 cơ sở sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, duy trì được 3 nhãn hiệu chuối tập thể, cấp được 3 mã vùng OTAS phục vụ xuất khẩu chuối qua thị trường Trung Quốc và châu Âu.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế của sản xuất các cây trồng chủ lực này. Về quy mô, do sản xuất hộ và diện tích nhỏ nên người trồng gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí cơ cấu giống, đầu tư cơ sở hạ tầng…Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó hoặc không áp dụng được đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hoá, gián tiếp làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng giá thành.
Về kỹ thuật, trình độ thâm canh của hầu hết các hộ còn hạn chế, chủ yếu theo tập quán, kinh nghiệm cũ. Công tác kết nối các doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm tại một số địa phương còn chưa được quan tâm nhiều, sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ít được chú trọng, mới chỉ được giới thiệu qua các hội nghị xúc tiến thương mại nông sản tại Hà Nội mà chưa có cơ hội được giới thiệu ra nước ngoài.
Để khắc phục những hạn chế đó, Hà Nội đặt mục tiêu cụ thể năm 2025 là cơ cấu giống lúa chất lượng đạt trên 80% diện tích, duy trì và phát triển 200 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu với quy mô11.000ha, gia tăng giá trị thêm 15 - 17 triệu đồng/ha/năm. Hình thành và phát triển 3 - 5 vùng sản xuất lúa thảo dược làm thực phẩm chức năng; thúc đẩy công nghệ sau thu hoạch; hình thành 3 - 5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu.
Giữ vững 7.800 - 8.000ha bưởi, sản lượng trên 120.000 tấn với tỷ lệ liên kết đạt 20 - 30%; phấn đấu 100% diện tích sản xuất đạt an toàn, nâng cao tỷ lệ áp dụng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Xây dựng 2 - 3 cơ sở sản xuất bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục trồng mới, phấn đấu duy trì diện tích trồng chuối từ 3.200 - 3.900ha, áp dụng quy trình sản xuất chuẩn VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; xây dựng 2 - 4 cơ sở sản xuất gắn với tiêu thụ.