| Hotline: 0983.970.780

Ông Cao Chí Công, Vụ trưởng Vụ sử dụng rừng: Nên hỗ trợ chi phí cấp chứng chỉ FSC cho các nhóm hộ

Thứ Sáu 30/09/2011 , 11:10 (GMT+7)

Ông Cao Chí Công
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 30% diện tích rừng kinh tế đạt chứng chỉ FSC nhưng cho đến nay diện tích rừng FSC trên cả nước chưa được 1%. Vậy làm thế nào để thực hiện được mục tiêu trên, PV NNVN đã trao đổi với ông Cao Chí Công – Vụ trưởng Vụ sử dụng rừng (Tổng cục Lâm nghiệp).

>> Chính sách cho người trồng rừng
>> Rừng FSC - Vẫn “rập rình” thí điểm
>> Ngành gỗ “đói” nguyên liệu

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ trên thế giới đang đòi hỏi các khu rừng nguyên liệu đều phải có chứng chỉ, đảm bảo gỗ nguyên liệu được trồng, khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng hiện nay diện tích rừng được cấp chứng chỉ của Việt Nam còn quá ít và chủ yếu là do các DN thực hiện. Dưới góc độ quản lí nhà nước, Tổng cục Lâm nghiệp đã làm những gì để thúc đẩy quá trình cấp chứng chỉ cho rừng trồng?

Từ năm 2005, Bộ NN-PTNT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển rừng bền vững và đã triển khai xây dựng 10 mô hình thí điểm tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như:  Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Gia Lai. Theo chương trình này, các công ty lâm nghiệp được nâng cao trình độ quản lí rừng, được tập huấn trồng và khai thác rừng theo qui trình kĩ thuật cao sao cho  có thể đạt hiệu quả kinh tế tối đa, vừa đảm bảo môi trường sinh thái vừa góp phần phát triển KTXH tại địa phương. Đây cũng là những bước đi tích cực nhằm chuẩn bị cho việc đăng kí cấp chứng chỉ rừng trồng. Dự kiến, từ nay đến 2014 chúng ta sẽ có thêm 4 mô hình phát triển rừng bền vững theo dự án của Đức tài trợ, đăng kí cấp chứng chỉ FSC với diện tích trên 100.000 ha rừng. Ngay trong tháng 10 này, Cty Lâm nghiệp Đăk Tô sẽ mời chuyên gia nước ngoài về đánh giá để cấp chứng chỉ rừng, tiếp đến sẽ là các Cty Trường Sơn ở Quảng Bình; Cty lâm nghiệp Madrak ở Đăk Lăk; Cty lâm nghiệp Ninh Sơn ở Ninh Thuận.  

Xây dựng mô hình rồi nhưng làm thế nào để nhân rộng mô hình mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta đã có mô hình nhóm hộ trồng rừng chứng chỉ ở Quảng Trị, theo ông cần có chính sách gì để khuyến khích người dân liên kết lại với nhau? 

Vì chứng chỉ rừng trồng FSC là chứng chỉ tự nguyện nên việc thành lập các nhóm hộ phải dựa trên cơ sở nhu cầu thực tế của người dân. Thực chất đây là hình thức tổ chức “mềm”, người dân tự đặt ra quy chế hoạt động, bầu ra nhóm trưởng để kiểm soát, điều hành hoạt động của nhóm. Ở nước ta  diện tích rừng của các hộ gia đình quá nhỏ, quá manh mún trong khi để mời được chuyên gia nước ngoài về đánh giá hiện trạng rừng thì diện tích tối thiểu cần đảm bảo từ 500 ha trở lên. Nếu trung bình mỗi hộ có 2 ha, phải quy tụ tới 250 hộ dân mới đủ diện tích rừng.

Việc này quả thật không dễ bởi cùng lúc đòi hỏi hàng trăm hộ dân phải có trình độ sản xuất, quản lí rừng tương đương, được cấp quyền sử dụng đất trong cùng một khu vực, cùng đảm bảo điều kiện kinh tế để đầu tư trồng rừng đúng qui trình.... Nhìn chung, diện tích giao rừng bình quân càng nhỏ thì nhóm hộ càng đông, càng phát sinh nhiều trở ngại. Để tạo điều kiện thuận lợi, Chính phủ cần tạo cơ sở pháp lí minh bạch trong giao quyền sử dụng đất, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lí rừng bền vững , xây dựng chính sách để người trồng rừng được vay vốn ưu đãi và quan trọng nhất là hỗ trợ kinh phí cấp chứng chỉ FSC. Người dân nghèo trồng rừng đâu thể trả chi phí cho chuyên gia từ Đức sang Việt Nam đánh giá chất lượng rừng? Tuy nhiên, nếu Chính phủ đầu tư thì sẽ thu lại lợi ích từ xuất khẩu.    

Vậy ta nên hỗ trợ chi phí như thế nào?      

Chi phí cho việc cấp chứng chỉ rừng có thể phân thành 2 loại: Chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí đánh giá lần đầu để cấp chứng chỉ và phí đánh giá quản lí hàng năm. Với khoản chi trực tiếp, diện rừng trồng được công nhận càng lớn thì chi phí càng nhỏ. Còn chi phí gián tiếp là chi phí gia tăng cho việc kiểm soát rừng và những thay đổi trong phương pháp khai thác, phí tư vấn... hết nhiều hay ít lại phụ thuộc vào trình độ, năng lực quản lí của đơn vị trồng rừng. Chính phủ nên hỗ trợ chi phí trực tiếp cho các nhóm hộ .

Việt Nam là nước có trữ lượng rừng lớn trong khu vực, tại sao không đề nghị với tổ chức FSC quốc tế để thiết lập một Chi nhánh FSC ở trong nước để giảm thiểu chi phí?

FSC xây dựng 10 nguyên tắc và tiêu chuẩn cho quản lí rừng bền vững. Trên cơ sở các nguyên tắc và tiêu chuẩn đó, các quốc gia, khu vực tham gia vào tiến trình quản lí rừng bền vững và chứng chỉ rừng sẽ xây dựng các bộ tiêu chuẩn quốc gia riêng. Các bộ tiêu chuẩn này cần phải được sự phê chuẩn của FSC trước khi được sử dụng để đánh giá cấp chứng chỉ tại quốc gia hoặc khu vực đó. Việc này Bộ NN-PTNT đã giao cho Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (Hội KHKT Lâm nghiệp) thực hiện, và chúng ta cũng đã xây dựng Bộ Quy chuẩn quốc gia về QLRBV và CCR theo 10 nguyên tắc, tuy nhiên do các quy định của thế giới khá ngặt nghèo về các chỉ số trong các tiêu chuẩn, so với thực trạng rừng nước ta còn nhiều chỉ số chưa phù hợp nên chưa thể thiết lập Chi nhánh này.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.