Từ một cảnh sát cấp thấp, không tên tuổi, Mohammed Waseem Ahmed với vô vàn mánh khóe và tài lanh đã vươn lên trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất thủ đô Karachi, Pakistan, khi điều hành đường dây đánh bạc phi pháp có giá trị lên tới hàng triệu USD.
Chân dung Mohammed Waseem Ahmed (Ảnh: Tribune.com.pk) |
Mohammed Waseem Ahmed, hay còn có biệt danh là Waseem "Beater", sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Karachi. Y gia nhập lực lượng cảnh sát Pakistan từ những năm 1990 rồi sớm trở thành “đàn em” cho các cảnh sát cấp cao hơn, làm nhiệm vụ thu thập tiền lót tay từ các hoạt động phi pháp trong vùng, ví dụ như đánh bạc, mại dâm và buôn bán ma túy. Từ khởi điểm có phần khiêm tốn, Ahmed đã vươn lên tự xây dựng cho mình một đế chế riêng, theo AP.
Ahmed nổi tiếng vì khả năng điều hành các hoạt động phi pháp vô cùng hiệu quả, theo hai sĩ quan cảnh sát biết đến y từ lúc gia nhập lực lượng. Tiếng tăm này giúp Ahmed xây dựng mối quan hệ với các nhân vật có “máu mặt”. Dần dần y được giao nhiệm vụ thu tiền cho các quan chức cảnh sát hàng đầu và quan chức an ninh dân sự ở Karachi.
Ahmed cũng gây được sự chú ý với ông trùm điều hành mạng lưới cờ bạc phi pháp lớn nhất Karachi. Chúng đã tìm đến bắt tay với nhau để mở rộng đế chế cờ bạc ra nhiều khu vực khác ở thủ đô Pakistan và tỉnh Sindh lân cận.
Cờ bạc trước đây không phải hoạt động phi pháp ở Pakistan. Tuy nhiên, năm 1977, Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto đã cấm người Hồi giáo tham gia đánh bạc và uống rượu trong một động thái nhằm thiết lập tôn nghiêm cho đạo Hồi. Dù vậy, cờ bạc, rượu chè, hai thứ bị cấm trong tín ngưỡng người Hồi giáo, không dừng lại, thay vào đó, chúng chuyển sang hoạt động ngầm.
Các ổ cờ bạc ở khu vực Ghas Mandi, nơi Ahmed làm việc, náu mình sau những ngôi nhà lụp xụp trong các ngõ tối với đống dây điện chằng chịt treo trên đầu và thuộc một trong những khu dân cư đông đúc, chật chội nhất Karachi.
Quản lý hàng trăm ổ cờ bạc, Ahmed thu về mỗi ngày hàng chục nghìn USD, các cảnh sát và nhà báo biết về y cho hay. Ahmed cũng nhận tiền đút lót từ những tay buôn bán ma túy và chủ nhà chứa để làm ngơ cho chúng, đồng thời buôn lậu dầu diesel từ Iran, nơi dầu có giá thành rẻ hơn nhiều, về Karachi.
Tuy nhiên, không hưởng một mình, Ahmed cống nạp một phần số tiền kiếm được cho các quan chức cấp cao. Sự khôn ngoan này biến y trở thành người quyền lực bậc nhất trong lực lượng cảnh sát Karachi. Ahmed gây ảnh hưởng, thậm chí thao túng cả những quan chức cấp trên mình, vì thế y luôn được bảo vệ. Ahmed còn dùng tiền để mua chuộc các băng đảng tội phạm lớn ở Karachi hậu thuẫn cho y. Ahmed luôn ra đường với hàng chục nhân viên bảo vệ vây quanh mình, như một cách để tạo dựng thanh thế.
Cuộc sống như ông hoàng của Ahmed tưởng chừng như kéo dài mãi, song vào năm 2013, y cuối cùng cũng phải dừng lại. Tháng 1/2013, tòa án Pakistan cáo buộc Ahmed thực hiện hàng loạt hoạt động phi pháp và thâu tóm quyền lực trong lực lượng cảnh sát bằng những cách không chính thống. Khi các quan chức cảnh sát cấp cao được hỏi về hành vi phạm tội của Ahmed, hầu như tất cả đều phớt lờ, giấu diếm.
Thế nhưng, Phó tổng thanh tra cảnh sát Pakistan Bashir Memon đã lên tiếng vạch trần y giữa bao gương mặt im lặng. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP hồi năm 2013, ông Memon khẳng định Ahmed chính là kẻ cầm đầu đường dây đánh bạc lớn nhất Karachi và còn nhúng tay vào việc luân chuyển, đề bạt các quan chức cảnh sát cấp cao. Sanaullah Abbasi, một sĩ quan cảnh sát khác ở tỉnh Sindh, cũng làm chứng chống lại Ahmed. Abbasi cho hay ông biết rõ việc Ahmed điều hành những ổ cờ bạc ngầm tại thủ đô Pakistan.
Ahmed sau đó bị sa thải khỏi lực lượng cảnh sát. Theo dữ liệu ghi nhận của chính phủ Pakistan, y dường như đã bay sang Dubai và không bao giờ trở lại.
Theo Hassan Abbas, chuyên gia nghiên cứu về cảnh sát Pakistan tại tổ chức Xã hội châu Á, trụ sở ở New York, Mỹ, vụ việc của Ahmed cho thấy mức độ tha hóa bên trong hàng ngũ cảnh sát Karachi. Ông cho rằng đây là nơi có tình trạng cảnh sát tham nhũng, biến chất tồi tệ nhất trong số các thành phố lớn của Pakistan.
Các quan chức dân sự, những người có lẽ cũng được hưởng lợi từ tình trạng tham nhũng, không cho thấy dấu hiệu họ muốn cải tổ hệ thống, khiến lực lượng cảnh sát trở nên kém hiệu quả, không thể ngăn chặn các băng đảng tội phạm và diệt trừ các tay súng Hồi giáo trong thành phố, ông Abbas nhận xét.
“Cơn hỗn loạn ở Karachi mang đến cho các băng đảng tội phạm vỏ bọc chúng cần để hoạt động”, Abbas nói. “Tham nhũng tạo động lực để tiếp tục kéo dài tình trạng hỗn loạn”.