| Hotline: 0983.970.780

Thị sát tình tình chuyển đổi tại Hưng Yên, Bộ trưởng Cao Đức Phát:

Phải mạnh dạn làm

Thứ Hai 11/08/2014 , 08:43 (GMT+7)

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã thị sát tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại tỉnh Hưng Yên.

Đi qua vùng chuyển đổi hoa cây cảnh và cây ăn quả nổi tiếng Văn Giang, Bộ trưởng Cao Đức Phát đến thị sát các mô hình chuyển đổi tại huyện Yên Mỹ, Khoái Châu và TP Hưng Yên.

Tại huyện Yên Mỹ, Bộ trưởng xuống tận ruộng xem mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau và ngô của nông dân xã Yên Phú. Ông Phùng Chí Đức, thôn Bình Phú, xã Yên Phú cho biết: “Từ khi con đường chạy từ Yên Mỹ, qua Văn Giang lên Hà Nội được đưa vào sử dụng, rút ngắn khoảng cách từ Bình Phú lên Hà Nội được hơn 10 km, bà con trong thôn đã nhận ra cơ hội lớn để trồng cây rau cung cấp cho Thủ đô. Chỉ trong vòng một năm, toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa của thôn Bình Phú được chuyển sang trồng rau. Thu nhập của bà con cao hơn 4-5 lần”.

Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây có giá trị cao hơn ở Bình Phú không phải không có những khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, thôn Bình Phú, cho biết, đã chuyển đổi 5 sào ruộng trồng lúa sang trồng nhãn và chuối. Năm nay nhãn ra hoa rất sai, thị trường tốt, chỉ tiếc là ít quả. Ngồi ngẫm mới thấy mình thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức KHKT về trồng nhãn nên thất bại. “Đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo làm sao, ở những vùng chuyển đổi, bà con nông dân được tập huấn, trang bị kiến thức KHKT nhiều hơn, đồng thời được định hướng thị trường tốt hơn” – ông Sơn rơm rớm nước mắt nói.

Tại Khoái Châu, Bộ trưởng đến thăm mô hình nuôi lợn của hộ ông Trần Tiến Hưng, thôn Bô Thời, xã Hồng Tiến. Ông Hưng nuôi từ 3.000-3.500 lợn/lứa theo quy trình khép kín. Lợi nhuận luôn đạt từ 1-1,2 triệu đồng/con lợn thương phẩm. Nhờ nuôi lợn, ông Hưng mua được xe Range rover sport có giá vài tỷ đồng. Bộ trưởng cho rằng đây là một mô hình nuôi lợn tiên tiến, hiệu quả.

17-39-15_img_2936
Bộ trưởng thăm mô hình chuyển đổi nuôi lợn của ông Trần Tiến Hưng, thôn Bô Thời, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu

Ông Bùi Xuân Tám, thôn Lễ Châu, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên nói với Bộ trưởng khi Bộ trưởng đến thăm vườn nhãn đặc sản của ông được chuyển đổi từ đất trồng lúa: Đất nông nghiệp vùng này trước đây chỉ cấy lúa một vụ bấp bênh. Từ khi có chủ trương chuyển đổi, tôi đã dồn được trên 2 mẫu đất để cải tạo trồng nhãn. Hiện nay, đa số diện tích nhãn của tôi mới trồng được 4-5 năm. Nhưng năm 2014 đã cho sản lượng khoảng 16 tấn quả. Giá nhãn bán tại vườn đạt từ 35-40 ngàn đồng/kg.

“Lễ Châu và nhiều thôn khác nằm trong vùng sản xuất cây đặc sản nhãn lồng chất lượng cao của tỉnh Hưng Yên. Bà con nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng nhãn, đồng thời đã làm chủ được KHKT. Thị trường trong nước có nhu cầu rất lớn, thị trường xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản cũng đã được mở. Chỉ có lo lắng là tình trạng ngập úng. Hệ thống thủy lợi cho sản xuất lúa nay không còn phù hợp, không thể tiêu úng cho vùng nhãn khi có mưa lớn. Vì vậy, hàng năm vẫn có những diện tích nhãn bị ngập cục bộ. Nhãn bắt đầu vào nước thì trắng tay. Đề nghị Bộ trưởng quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn thiện cho vùng sản xuất nhãn lồng đặc sản để bà con an tâm sản xuất, phát huy được tối đa lợi thế của cây nhãn lồng Hưng Yên” – ông Tám đề nghị.

17-39-15_img_2958
Bộ trưởng thăm mô hình chuyển đổi trồng nhãn đặc sản của ông Bùi Xuân Tám, thôn Lễ Châu, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Ngọc cho biết: Vụ đông xuân Hưng Yên gieo cấy trên 39.500 ha lúa, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 54,3%. Diện tích trồng ngô đạt gần 7.000 ha. Rau các loại trên 8.500 ha. Hoa, cây cảnh gần 500 ha. Cây ăn quả trên 8.000 ha (nhãn 3.500 ha). Cây có múi 2.500 ha. Cây chuối gần 1.500 ha… Giá trị thu được, trung bình từ 300-400 triệu đồng/ha/năm (trừ lúa). Trong những năm qua, Hưng Yên đã chuyển đổi được trên 2.100 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác có hiệu quả cao.

Ông Đặng Minh Ngọc cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù Hưng Yên tích cực chuyển đổi và đã hình thành nên nhiều vùng chuyển đổi, tuy nhiên mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao chưa nhiều, còn nhỏ lẻ, phân tán, khả năng cạnh tranh thấp, hiệu quả chưa như mong muốn.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Văn Thông cho rằng, người làm nông nghiệp vẫn chưa khá hẳn lên được. Tỉnh Hưng Yên đã đề nghị Chính phủ cho duy trì chỉ 31.000 ha đất trồng lúa, để có quỹ đất cho chuyển đổi, nhưng Chính phủ chưa chấp thuận, vẫn giao Hưng Yên duy trì tới 35.000 ha trồng lúa. Đây cũng là cái khó của tỉnh khi đẩy mạnh chuyển đổi.

Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng thời gian qua Hưng Yên đã có hướng chuyển đổi, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân, nhưng nhìn chung là chưa có các đầu mối lớn, đặt hàng quy mô lớn, tổ chức sản xuất trên một diện tích lớn. Bộ trưởng đồng tình với nhận định tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh vẫn còn thấp. “Đây cũng là xu hướng chung của cả nước. Nhưng mong đợi của Đảng và sự chỉ đạo của Chính phủ là phải đảo ngược xu hướng này, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, tạo thêm nhiều việc làm hơn, tăng thu nhập cho nông dân” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đề nghị Hưng Yên đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nhãn đặc sản, chuối và cây ăn quả có múi như quất, cam, bưởi. Đây là những cây Hưng Yên có lợi thế lớn, đặc biệt là nhãn. Bộ trưởng cho rằng đã có lợi thế thì phải mạnh dạn làm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm