| Hotline: 0983.970.780

Phiền toái và nhiều bất cập cấp chứng nhận hợp quy phân bón vô cơ

Thứ Ba 26/07/2016 , 13:15 (GMT+7)

Khi Bộ Công thương quản lý ngành phân bón, đòi hỏi không chỉ có giấy phép SX mà cả giấy chứng nhận hợp quy, từ đây đẻ ra nhiều phiền toái và bất cập.

Rối rắm, lộn xộn

Nhằm thực hiện Nghị định 202/2013 NĐ-CP của Chính phủ, ngày 30/9/2014, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BCT (gọi tắt TT 29) hướng dẫn về thủ tục cấp phép SX phân vô cơ, thử nghiệm chứng nhận công bố hợp quy cho các doanh nghiệp sản xuất (DNSX) phân bón.

Theo đó, từ sau thời điểm ngày 1/2/2016, các sản phẩm phân bón vô cơ trước khi đưa ra thị trường, các DN phải “lận lưng” Thông báo xác nhận hợp quy do Sở Công thương địa phương ký, kiểu như một “giấy phép thông hành”.

Mà muốn có thông báo này, trước hết DN phải tốn kém phí “hợp đồng chứng nhận hợp quy” với các tổ chức, đơn vị được Bộ Công thương chỉ định cấp. Cụ thể như Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy (Vietcert); Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert); Cty CP Chứng nhận và Giám định (Vinacert); Cty CP Chứng nhận và Giám định IQC; Văn phòng chứng nhận Quốc gia (Good Viet Nam, Hà Nội); Cty Cổ phần VietQuality (VietQ); Cty CP Công nghệ và công bố chất lượng (VietPat, Đà Nẵng); Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam bộ; Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP.HCM)...

Do cấp giấy chứng nhận hợp quy là một hoạt động dịch vụ nên các đơn vị trên ra sức chào giá cạnh tranh với mức “thu phí” chứng nhận cho 1 sản phẩm vô cơ dao động từ 15-20 triệu đồng (còn gọi là chi phí đánh giá điều kiện SX ban đầu), sau đó từ mẫu thứ 2 trở đi thu còn lại 3-5 triệu đồng. Như vậy, một DN muốn được cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 10 sản phẩm NPK với các công thức phối khác nhau phải mất phí ít nhất là 60 triệu đồng.

14-16-27_h1
Sau ngày 1/2/2016, các đại lý bán phân vô cơ (NPK) bắt buộc phải có dấu hợp quy, nếu không sẽ bị QLTT phạt (dấu hợp quy hình tròn)

 

Chưa dừng lại, sau khi ra được số hợp quy cho từng sản phẩm, các DN phải chi phí tiếp tiền đặt mua các trục đồng để in dấu hợp quy trên bao bì. Tất nhiên các chi phí phát sinh về “phí” hợp đồng chứng nhận và in dấu hợp quy trên bao bì đều được DN đưa vào giá thành SX nên cuối cùng nông dân phải gánh chịu hết.

Trong khi các DN đang khổ sở vì giấy chứng nhận hợp quy do TT 29 quy định, bất ngờ ngày 10/6/2016, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có thông báo số 29/KTrVB-KT “tuýt còi”, cho rằng, TT 29 quy định việc thử nghiệm, chứng nhận hợp quy phân bón vô cơ được thực hiện theo các chỉ tiêu, phương pháp thử quy định tại Phụ lục 13 của TT này là chưa phù hợp với quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.

Mặt khác, Nghị định 202/2013/NĐ-CP quy định: Đối với các loại phân bón chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng, khi SX hoặc nhập khẩu thì trên nhãn phải ghi rõ “hàng mẫu” hoặc “sản phẩm nghiên cứu hoặc khảo nghiệm”, “không được kinh doanh”.

14-16-27_h3
Thông báo xác nhận hợp qui phân bón vô cơ của Sở Công thương cho một DN sau khi phải tốn “phí” để được cấp giấy chứng nhận hợp quy

 

Trong khi ngành phân bón hiện chỉ có 3 loại phân urê, DAP và lân là có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, còn các loại phân bón khác mới chỉ ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, kể cả phân NPK đang được các DN SXKD phổ biến nhất với khoảng 5.000-7.000 dòng sản phẩm trên thị trường.

Từ đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị Bộ Công thương cần phải: “Tổ chức kiểm tra xử lý ngay những nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật, đồng thời rà soát việc thực hiện TT 29 và xem xét khắc phục hậu quả (nếu có) do việc ban hành thông tư gây ra” (nguyên văn).

Doanh nghiệp kêu cứu

Trước đó, mặc dù TT 29 quy định hiệu lực pháp luật được bắt đầu từ ngày 27/11/2014, nhưng ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương đã ký quyết định chỉ định hàng loạt đơn vị, tổ chức được phép chứng nhận phân bón vô cơ trước ngày 27/11, trong đó có Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam bộ vào ngày 3/10/2014.

14-16-27_vnbn1
14-16-27_vnbn2
Văn bản “tuýt còi” của Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đối với TT 29, trong đó chủ yếu là chứng nhận hợp quy

 

Đây cũng là đơn vị vừa qua bị Thanh tra Bộ NN-PTNT kết luận đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho hơn 1.000 sản phẩm phân vô cơ (chủ yếu NPK) không được phép do nằm ngoài phạm vi chỉ định của Bộ Công thương gây nhiều tranh cãi.

Nhưng trên cơ sở đó, ngày 16/6, vẫn là Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng ký quyết định hủy, yêu cầu Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam bộ “thu hồi tất cả các giấy chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm phân bón vô cơ đã cấp ngoài phạm vi được chỉ định”.

Tuy nhiên, như chúng tôi phân tích ở trên, ngay cả việc cấp giấy chứng nhận hợp quy phân vô cơ (nói chung) thời gian qua của Bộ Công thương theo quy định tại TT 29 cũng rất “lùng bùng”, chưa đúng với qui định pháp luật, ít ra là theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và một phần nội dung của Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ mà Cục Kiểm tra văn bản kết luận cần phải được “xử lý”, “rà soát”, “khắc phục hậu quả”, trong thời gian tới.

Thế nên, việc Bộ Công thương buộc Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam bộ phải thu hồi tất cả các giấy chứng nhận hợp quy thì liệu có hợp tình hợp lý không? Hay chủ yếu là để... xoa dịu dư luận (!?).

Điều đáng nói, hiện có rất nhiều DN nằm trong “diện” bị thu hồi giấy chứng nhận hợp quy do Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam bộ cấp trước đó, đang rất bức xúc vì Bộ Công thương đã không nghĩ đến quyền lợi, nguy cơ thiệt hại về kinh tế cho DN.

Theo ông Vũ Ngọc, Chủ tịch HĐQT và TGĐ hai Cty CP phân bón ở Long An và Bình Dương là M.T.P và Đ.V, vừa qua ông được Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam bộ cấp 20 giấy chứng nhận hợp quy cho các loại sản phẩm NPK. Sau khi hợp đồng ra được số hợp quy, DN ông phải mua các trục đồng lớn, nhỏ để in dấu hợp quy. Nếu sử dụng bao bì in màng ghép thì cần 5-6 trục đồng giá 3,5 triệu đến 6 triệu đồng/trục để khắc hình, in chữ, còn tiền đặt bao bì là 10.000 đồng/cái. Mỗi lần in phải từ 8.000-12.000 cái người ta mới làm, chi phí cả tiền bao bì và ống đồng tổng cộng hết 80-120 triệu đồng.

“Như vậy, nếu DN thu hồi sản phẩm về làm lại giấy chứng nhận hợp quy, chi phí này ai phải chịu trách nhiệm, trong khi chúng tôi không có lỗi” - ông Vũ Ngọc nhấn mạnh.

“Thay vì kiểm tra chất lượng phân bón là yếu tố quan trọng nhất thì nội dung TT 29 còn rất mập mờ, nhất là “đẻ” thêm hai giấy phép con “sản xuất phân vô cơ” và “chứng nhận hợp quy”. Điều này dẫn đến việc các DN luôn ở trong tình thế bị “hành” và nhũng nhiễu, vô hình chung lập lại một cơ chế “xin - cho” mà Thủ tướng Chính phủ từng tuyên bố cần phải loại bỏ” - TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm