Nhờ những chính sách đầu tư đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo ở những nơi có đông đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đã thay đổi rõ nét.
Xã NTM Đại Tâm đã thay đổi toàn diện. |
Tại xã NTM Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) có trên 84% là đồng bào Khmer được công nhận xã NTM năm 2016. Hơn năm qua, người dân không chỉ nỗ lực giữ vững danh hiệu xã NTM mà còn tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Lâm Sơn Hiển, Chủ tịch UBND xã Đại Tâm chia sẻ, xã huy động nguồn lực làm NTM được trên 197 tỷ đồng. Từ đó, đầu tư xây dựng 33 công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân; các tuyến đường liên xã, liên ấp đều được bê tông hóa, tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn; trường học, trạm y tế đều xây dựng đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt trên 98,8%, hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh chiếm trên 98%...
“Nếu như thời điểm bắt đầu xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 trên địa bàn xã chiếm gần 23%, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 15 triệu đồng/người/năm; thì đến cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,6%, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 37 triệu đồng/người/năm", ông Hiển nói.
Mô hình nuôi bò sữa ở Đại Tâm cho hiệu kinh tế khá cao. |
Còn xã vùng sâu Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), nơi có trên 90% là đồng bào dân tộc Khmer, những ngôi nhà khang trang nằm dọc theo con đường bê tông, từ trung tâm xã đến các ấp như tô điểm cho sự phồn thịnh, vươn mình ở một xã vùng sâu. Các chương trình, dự án đầu tư đã giúp nâng cao đời sống của người dân, nhiều hộ được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, điện lưới vào nhà…
Sự đổi thay này là nỗ lực trong 6 năm thực hiện xây dựng NTM. Từ một xã thuần nông ban đầu chỉ đạt 3 tiêu chí, Phú Mỹ luôn xác định xây dựng NTM phải gắn với thực hiện các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, nhiều chương trình hỗ trợ đã được triển khai, giúp người dân nâng cao mức sống.
Hiện Phú Mỹ đã cơ bản hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM, 100% hộ dân có điện sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 12% (theo tiêu chí đa chiều). Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông được cứng hóa đến các ấp, thủy lợi phục vụ sản xuất.
Diện mạo nông thôn ấp Phước Hòa đang khởi sắc, góp phần để Phú Tân (Châu Thành) đạt chuẩn xã NTM. |
Ông Dương Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết, được Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ hỗ trợ 1.000 bao xi măng, Phú Mỹ đã thực hiện hoàn thành nhiều tuyến đường nông thôn, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất thuận tiện hơn.
“Đời sống của bà con Khmer Phú Mỹ bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Ngày trước đi lại khó khăn, toàn đi bằng ghe xuồng. Bây giờ có đường bê tông, nhà nào cũng sắm được xe máy. Học sinh nghèo được hỗ trợ sách vở, quần áo. Làm ruộng được cơ giới hóa, không còn phải gặt thủ công như trước. Những năm qua, đồng bào Khmer đón lễ hội truyền thống bằng nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, với tinh thần vui tươi lành mạnh, tăng cường đoàn kết, phát triển”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2016, tổng kinh phí đầu tư thực hiện chương trình 135 tỉnh Sóc Trăng là trên 65,5 tỉ đồng; trong đó, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng 44 tỉ đồng. Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng 74 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa cộng đồng và công trình giáo dục. Trong phát triển sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ cho 1.559 hộ nghèo, cận nghèo giống cây trồng, vật nuôi và tạo điều kiện cho 1.522 hộ nghèo vay trên 12 tỉ đồng để phát triển các ngành nghề, dịch vụ.
“Bên cạnh đó, Sóc Trăng đã hỗ trợ giải quyết đất ở, việc làm cho trên 5.700 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ gần 10 tỉ đồng cho trên 110.000 người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, bao gồm các xã khu vực III, II và bãi ngang; bố trí 11 tỉ đồng để hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Cang nói.
Trường tiểu học Bưng Cốc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được xây dựng khang trang. |
Ông Lý Hà ấp Phước Hòa, xã NTM Phú Tân (Châu Thành) không giấu được niềm vui, vì Phước Hòa đã trở thành ấp văn hóa, trường học, đường nông thôn, điện thắp sáng... đều được Nhà nước đầu tư đến phum sóc. Còn hộ nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi nên ai cũng yên tâm lao động để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông Lý Hà chia sẻ: “Thật không ngờ nơi heo hút như địa phương tôi lại được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm, ưu ái đặc biệt như vậy. Bây giờ thôn, ấp đã có lộ rộng rãi, bằng phẳng, cuộc sống bà con chúng tôi cũng đổi thay từng ngày, các cháu học sinh được tạo mọi điều kiện đến trường. Thật ơn Đảng, ơn Chính phủ nhiều lắm!”.
Theo ông Lâm Văn Mẫn, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, hơn 5 năm trước, những xã có đông đồng bào Khmer như Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), Phú Tân (Châu Thành), Lâm Tân (Thạnh Trị), Trường Khánh (Long Phú)...l à những xã đặc biệt khó khăn về đời sống sản xuất, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, trạm y tế... Thế nhưng với sự chung sức chung lòng của nhân dân, đặc biệt là bà con Khmer đã xây dựng thành công xã NTM. |